Áp lực giải chấp: Nguy cơ có thực?
Khoản phải thu của các công ty chứng khoán trong báo cáo tài chính quý 1/2011 vẫn phình to liệu có tạo áp lực giải chấp?
VN-Index đang tăng tốt vài phiên gần đây, rất khó nghĩ đến một khả năng giải chấp từ các công ty chứng khoán. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nhà đầu tư không phải thanh lý các hợp đồng đòn bẩy.
Mặt khác, Index thời gian qua không nhất thiết phản ánh đúng diễn biến của thị trường chung, đặc biệt là giá của những cổ phiếu có thanh khoản cao thường nằm trong danh sách hỗ trợ đòn bẩy, cầm cố nhiều. Một vài mã như BVH, MSN, VNM, VIC lại không được các công ty hỗ trợ mạnh vì thanh khoản yếu lại là động lực tăng chủ yếu của chỉ số.
Trong báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán, một mục đáng được lưu ý là khoản phải thu. Dĩ nhiên mục này bao gồm rất nhiều tiểu mục, nhưng phần lớn báo cáo tài chính quý 1 cho thấy khoản phải thu lớn nhất nằm trong mục phải thu đối với các nghiệp vụ hợp tác đầu tư – nói ngắn gọn là hỗ trợ đòn bẩy. Cũng có một lượng tiền khá lớn được ghi vào mục “Phải thu khác”.
Đa số thuyết minh báo cáo tài chính của nhiều công ty chứng khoán không giải thích rõ các khoản phải thu để có thể hiểu hết được bức tranh toàn cảnh về khả năng sử dụng đòn bẩy của khách hàng như thế nào. Thông thường các khoản phải thu khá đa dạng như thu tiền ứng trước của khách hàng, hoạt động tư vấn, phải thu nội bộ hay các khoản “linh tinh” khác như chi hộ cho hội đồng quản trị...
Tuy nhiên cũng giống như mục “Doanh thu khác” hay “Lợi nhuận khác” của các công ty chứng khoán, thực chất việc cung cấp đòn bẩy đã góp phần không nhỏ “quăng những tảng bê tông” vào bảng quyết toán.
Thống kê sơ bộ với 14/25 công ty chứng khoán niêm yết đã có báo cáo tài chính quý 1/2011, chỉ một số ít công ty ghi rõ khoản phải thu liên quan đến hoạt động hợp tác kinh doanh với khách hàng. Đa số còn lại ghi vào khoản chung chung khiến việc xác định chính xác khoản phải thu liên quan đến dịch vụ đòn bẩy rất khó khăn.
Chẳng hạn Công ty Chứng khoán HSC (mã HCM) có khoản phải thu tổng cộng là 731,7 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu từ hoạt động giao dịch chứng khoán là 653,92 tỷ đồng. Khoản phải thu này tách bạch thành 6 khoản nhỏ, trong đó lớn nhất là phải thu khách hàng về nghiệp vụ hợp tác đầu tư với 603,65 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán VNDS cũng có khoản phải thu ngắn hạn tổng cộng 919,5 tỷ đồng. Trong đó, khoản lớn nhất lên tới 734,6 tỷ đồng là phải thu về bảo lãnh thanh toán tiền mua chứng khoán của nhà đầu tư. VNDS có khoản thu khá đặc thù là các hợp đồng mua bán lại chứng khoán nhưng quy mô đang giảm mạnh, chỉ còn 480 triệu đồng ghi nhận thời điểm 31/3/2011.
Khác với hai công ty trên, KLS có khoản phải thu rất thấp, chỉ có 55,65 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là phải thu của khách hàng (23,72 tỷ đồng), phải thu dịch vụ bảo lãnh phát hành (22,5 tỷ đồng). Dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng không cao do định hướng của công ty.
SSI có khoản phải thu 625 tỷ đồng, trong đó phải thu khách hàng về nghiệp vụ hợp tác đầu tư là 443,46 tỷ đồng. SHS phải thu 475,79 tỷ đồng với hợp đồng hợp tác kinh doanh, mua bán chứng khoán.
Không phải lúc nào bảng cân đối kế toán và thuyết minh báo cáo tài chính của công ty chứng khoán cũng ghi rõ các khoản mục một cách cụ thể. AGR - Công ty chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - có khoản phải thu khổng lồ với 7.001,45 tỷ đồng. Tuy nhiên thuyết minh báo cáo tài chính khá mù mờ, không giải thích rõ các khoản thu này. Khoản phải thu của khách hàng đến cuối quý 1 được ghi nhận là 1.397,87 tỷ đồng. Khoản phải thu khác là 5.895, 17 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu khác này đang được trích lập dựng phòng 326,45 tỷ đồng.
Hàng loạt công ty chứng khoán khác cũng trong tình trạng tương tự. BVS có khoản phải thu khác 148,8 tỷ đồng trên tổng số phải thu 150,37 tỷ đồng. SBS phải thu khác 439,06 tỷ đồng/tổng phải thu 511,2 tỷ đồng. SME: 525,02 tỷ đồng/721,1 tỷ đồng... Không thể tìm thấy các khoản mục cụ thể trong phần “Phải thu khác”, nhưng tất cả những khoản này đều chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng số phải thu của các công ty chứng khoán được khảo sát.
Tính đơn giản tổng các khoản phải thu liên quan đến nghiệp vụ hợp tác đầu tư (nếu ghi rõ) và khoản “phải thu khác”, tổng giá trị tiền của 14 công ty chứng khoán này lên tới trên 11.200 tỷ đồng. Dĩ nhiên không phải tất cả số này biểu thị dịch vụ đòn bẩy hoặc các hình thức hỗ trợ vốn, nhưng chắc chắn những dịch vụ trên chiếm tỉ trọng không nhỏ.
Một điểm khá thú vị là báo cáo tài chính quý 1/2011 cho thấy rất hiếm công ty chứng khoán thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản thu khó đòi.
Trong 14 công ty nói trên, chỉ có 4 công ty có trích lập dự phòng: VND trích lập 14,81 tỷ đồng, không đổi so với quý 4/2010. AGR trích lập 326,35 tỷ đồng, tăng khoảng 3,3%. BVS trích lập 11,12 tỷ đồng, không đổi so với quý trước. VDS trích lập 1,99 tỷ đồng, không đổi so với quý trước.
Việc trích lập dự phòng hiện vẫn là khoảng mờ đối với các dịch vụ đòn bẩy. Có thể báo cáo tài chính quý 1 nhiều công ty không muốn thực hiện trích lập dự phòng, hoặc các hợp đồng trong quý này chưa rơi vào ngưỡng “nguy hiểm”. Việc trích lập dự phòng dĩ nhiên sẽ làm báo cáo tài chính quý 1 xấu đi nhiều. Mặt khác, việc xác định các khoản hỗ trợ rơi vào tình trạng xấu có thể được nhà đầu tư bù đắp, hoặc đơn giản chỉ là “cầu” cho thị trường sẽ tốt hơn thời gian tới.
Một vấn đề nan giải của đòn bẩy là tình trạng mất thanh khoản. Việc giải chấp dù có thành công trong nhiều trường hợp cũng khiến “chủ nợ” mất đi một khoản kha khá. Tuy hiện tại thị trường chưa rơi tự do đến mức các công ty chứng khoán phải thực hiện giải chấp cưỡng bức, nhưng áp lực phải thanh lý hợp đồng vẫn hiện hữu.
“Nguồn” để công ty chứng khoán cung cấp đòn bẩy cũng rất quan trọng vì nếu sử dụng vốn vay, công ty chứng khoán không khác gì “ôm bom” nếu thị trường suy sụp. Việc điều chỉnh lãi suất hỗ trợ vốn cũng tạo gánh nặng lên cả công ty lẫn nhà đầu tư. Hiện tại tín dụng cho chứng khoán đang bị xiết chặt, các hợp đồng đáo hạn sẽ bị thu hồi và cách duy nhất là thanh lý danh mục, nhất là khi điều kiện thị trường đủ tốt.
Thống kê các khoản phải thu của một số công ty chứng khoán | ||||
Công ty | Tổng số phải thu | Phân bổ lớn nhất | Thuyết minh | Trích lập dự phòng phải thu khó đòi |
KLS | 55,6 | 23,72 | Phải thu của khách hàng | 0 |
VND | 919,5 | 724,6 | Bảo lãnh thanh toán tiền mua CK của khách hàng | 14,81 |
HCM | 731,7 | 604,65 | Phải thu khách hàng về nghiệp vụ hợp tác đầu tư | 0 |
AGR | 7001,45 | 5895,17 | Phải thu khác | 326,35 |
BVS | 150,37 | 148,8 | Phải thu khác | 11,12 |
SSI | 625 | 443,46 | Phải thu khách hàng nghiệp vụ hợp tác đầu tư | 0 |
SBS | 511,2 | 439,06 | Phải thu khác | 0 |
HPC | 155,64 | 153,58 | Phải thu khác | 0 |
ORS | 295,13 | 288,69 | Phải thu khác | 0 |
SHS | 590,9 | 475,79 | Phải thu các hợp đồng hợp tác kinh doanh, mua bán CK | 0 |
SME | 721,1 | 525,02 | Phải thu khác | 0 |
TAS | 325,7 | 319,07 | Phải thu khách hàng về giao dịch ck | 0 |
VDS | 850,85 | 833,17 | phải thu khách hàng về nghiệp vụ hợp tác đầu tư | 1,99 |
VIG | 375,42 | 327,37 | Phải thu hoạt động hợp tác kinh doanh với NĐT | 0 |
Tổng | 11.202,15 | Đơn vị: Tỷ đồng | ||
(Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1/2011) |