08:57 25/01/2008

Áp lực lợi nhuận ngân hàng 2008

Minh Đức

Tâm điểm lợi nhuận của ngành ngân hàng những năm gần đây được “soi” kỹ ở khối thương mại cổ phần

Đại diện một số ngân hàng hiện có cũng tỏ ra thận trọng trước sự chia sẻ mới về thị phần, về khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận khi có những dấu hiệu cạnh tranh tiêu cực - Ảnh: Việt Tuấn.
Đại diện một số ngân hàng hiện có cũng tỏ ra thận trọng trước sự chia sẻ mới về thị phần, về khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận khi có những dấu hiệu cạnh tranh tiêu cực - Ảnh: Việt Tuấn.
Khoảng chục ngân hàng cổ phần mới sẽ chính thức nhập cuộc năm nay. Chưa hoạt động nhưng một số thành viên đã mạnh dạn đặt mục tiêu lợi nhuận, như một cảnh báo về áp lực chia sẻ đối với những thành viên cũ.

Tâm điểm lợi nhuận của ngành ngân hàng những năm gần đây được “soi” kỹ ở khối thương mại cổ phần, bởi đây được đánh giá là mũi nhọn năng động, hiệu quả nhất và có liên quan đến lợi ích sát sườn của cổ đông và nhà đầu tư. Và năm 2008, lợi ích đó sẽ ảnh hưởng thế nào khi áp lực cạnh tranh gia tăng mạnh?

“Giờ G” đã điểm

Sau cả thập kỷ, năm 2008 đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đó là một loạt ngân hàng mới chính thức ra đời.

Tính đến cuối năm 2007, đã có thêm 9 bộ hồ sơ xin lập ngân hàng mới được chấp thuận về nguyên tắc. Nhiều thành viên trong số này đã chính thức đại hội cổ đông, sẵn sàng về công nghệ và nhân lực để nhập cuộc trong năm 2008 này. Đó là chưa kể một lượng hồ sơ còn lớn hơn nằm trên bàn Ngân hàng Nhà nước chờ tiếp tục thông qua.

Ở hướng khác, tuy không ồ ạt nhưng sự có mặt của các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài dự kiến trong năm 2008 cũng đang là một lo ngại đối với các ngân hàng trong nước. 6 bộ hồ sơ chuẩn bị được thông qua.

Những thành viên này cũng đã có sự chuẩn bị nhất định về nhân lực trong năm 2007 và dự kiến sẽ đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới ngay khi có giấy phép trong tay.

Ngoài ra, 28 ngân hàng nước ngoại hiện đã có mặt tại Việt Nam (chưa kể 51 văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng nước ngoài) dự báo cũng sẽ lần lượt có hồ sơ gửi về Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, trong năm 2008 dự báo sẽ có tới gần 50 ngân hàng thương mại cổ phần, áp đảo so với các khối còn lại; và lần đầu tiên dự kiến cũng sẽ có trên dưới 5 ngân hàng con 100% vốn nước ngoài. Các thành viên cũ sẽ đón nhận con số bùng nổ này như thế nào?

Lạc quan và thận trọng

Ngày 16/1, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sao Việt (Vietstarbank) chính thức đại hội cổ đông lần đầu tiên. Vietstarbank dự kiến sẽ đạt lợi nhuận sau thuế 19 tỷ đồng ngay trong năm 2008, dù tháng 5 tới mới chính thức nhập cuộc.

Trước đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt cũng đã tổ chức một loạt sự kiện khá rầm rộ. Và thị trường sẽ thực sự sôi động khi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt, Ngân hàng Thương mại Cổ phần FPT lần lượt ra mắt, bởi sau hai thành viên này là những tập đoàn tài chính, kinh tế lớn...

Nhưng trước những sự kiện này, các thành viên “cũ” vẫn lạc quan về một năm nối tiếp thành công, đặc biệt là về lợi nhuận. Ông Nguyễn Quang Định, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) lạc quan và tự tin với mục tiêu đưa PG Bank trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam, dù vừa chuyển đổi thành ngân hàng đô thị được 8 tháng.

“Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ cơ hội và thách thức, cũng như những lợi thế và nguồn lực để đề ra chiến lược riêng, không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững.

Đó là xây dựng một mô hình quản trị tiên tiến dựa trên các kinh nghiệm, chuẩn mực tốt nhất được áp dụng để đảm bảo có thể phát triển nhanh, hiệu quả và quản trị tốt rủi ro cũng như đầu tư đào tạo nhân lực và công nghệ”, ông Định cho biết.

Những thành viên thâm niên như ACB, Sacombank, Techcombank, MB, VIB Bank, VPBank... cũng đã có sự chủ động cần thiết trong những năm gần đây và đều thể hiện rõ mục tiêu “chiếm chỗ” ở lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, vốn còn nhiều tiềm năng.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, tự tin khi nói tới vị thế số 1 về nguồn thu từ phí dịch vụ trong khối Thương mại Cổ phần. Trong khi đó, VPBank cũng lạc quan về kết quả của hướng đi được đẩy mạnh là thị trường thẻ. Hay Sacombank nhanh chân phủ kín mạng lưới khắp miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và bắt đầu thâm nhập các thị trường trong khu vực...

Về quan điểm trước cuộc cạnh tranh mới, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (OceanBank), cho rằng trong năm 2008, áp lực cạnh tranh nói trên chưa ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận các thành viên đi trước, bởi đây mới chỉ là năm đầu chuẩn bị.

“Cho dù việc cạnh tranh sẽ ngày một khốc liệt hơn, nhưng thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam vẫn là một thị trường rất tốt và còn nhiều lĩnh vực có thể khai thác và chúng tôi tự tin về sức cạnh tranh của mình”, ông Thắm nói.

Tuy nhiên, đại diện một số ngân hàng hiện có cũng tỏ ra thận trọng trước sự chia sẻ mới về thị phần, về khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận khi có những dấu hiệu cạnh tranh tiêu cực.

Và cả lo ngại

Hiện tại, thị phần ngân hàng đang tạm chia từ 56,9% của khối quốc doanh, 3,3% của ngân hàng phát triển và ngân hàng chính sách, 26,5% của khối thương mại cổ phần, 9,4% của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và liên doanh, 3,9% thuộc về công ty tài chính, cho thuê tài chính và quỹ tín dụng nhân dân.

Những “phần bánh” này dự báo sẽ có thay đổi lớn, trước hết là từ sự thay đổi mô hình hoạt động của một số ngân hàng quốc doanh, nhưng có một tác động lớn là từ sự có mặt của những thành viên mới.

Phía sau sự chuyển dịch đó là lợi nhuận ngân hàng và lợi ích khách hàng. Nhưng lo ngại nhất vẫn là những cạnh tranh “tiêu cực”. Theo ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank, đó là khả năng cạnh tranh về lãi suất từ những thành viên mới nhằm lôi kéo khách hàng; bên cạnh đó là cạnh tranh về nhân sự, làm tăng chi phí của các thành viên và có thể gây xáo trộn trong hoạt động.

Còn theo dự báo của ông Hà Văn Thắm, cuộc cạnh tranh nhân lực ngân hàng sẽ thực sự xẩy ra vào những năm 2009 – 2010.