Apple khuyến khích nhân viên học hỏi phương pháp giải quyết vấn đề “3 bước” của Steve Jobs
Apple đang khuyến khích nhân viên học theo “phương pháp ba bước” mà Steve Jobs thực hiện mỗi khi ông giải quyết các vấn đề khó khăn của Apple…
Theo CNET, Apple gần đây công bố với nhân viên sẽ cho phép họ làm việc linh hoạt hơn đồng thời giảm bớt các quy tắc công sở. Bên cạnh đó, Apple cũng yêu cầu nhân viên nghỉ ngơi nhiều hơn và làm việc ít hơn. Nhờ đó, nhân viên không chỉ giảm thiểu tình trạng kiệt sức mà còn tăng năng suất và đóng góp nhiều ý tưởng đột phá.
Nói cách khác, Apple đang thực hiện phương pháp khuyến khích nhân viên hãy làm việc thông minh thay vì chăm chỉ. Một điều nghe thì dễ, làm mới khó - nhưng Jobs lại là bậc thầy của phương pháp này.
Dưới đây là phương pháp ba bước của Steve Jobs đã làm để giải quyết các vấn đề khó khăn, đồng thời tìm kiếm những ý tưởng mới mà không tốn nhiều thời gian.
BƯỚC 1: THU NHỎ
Thay vì cố gắng phóng to một vấn đề, hãy bắt đầu thu nhỏ nó để có cái nhìn toàn diện về một bức tranh lớn.
Điều này cho phép mọi người có một cái nhìn bao quát để xác định chính xác nút thắt vấn đề.
Theo Harvard Business Review, quá trình tạo ra sự đột phá thường đòi hỏi những ý tưởng bẻ cong thực tế - điều mà Steve Jobs chính là bậc thầy.
Tuy nhiên, để làm được điều này, nhiệm vụ đầu tiên mà mỗi người cần thực hiện là phải có mục tiêu rõ ràng. Bước ra khỏi những rào cản suy nghĩ, và thay vào đó hãy đơn giản hóa vấn đề và tin vào những điều mà bạn cho là khả thi.
Lấy ví dụ từ chính Steve Jobs, ông biết rằng sản phẩm công nghệ của mình sẽ thành công trước cả khi sản phẩm đó thực sự ra đời. Đến nỗi khi Apple Store ra mắt lần đầu tiên vào năm 2001, Jobs đã khẳng định Apple Store không phải chỉ để bán "bán máy tính", mà là sẽ "thay đổi cuộc sống con người", theo Forbes.
BƯỚC 2: TẬP TRUNG
Xác định được mục tiêu của bản thân chính là thời điểm tốt nhất để dành toàn bộ thời gian tìm kiếm cơ hội - điều mà Jobs là một chuyên gia. Steve Jobs nổi tiếng là người tập trung mãnh liệt đến mức bị ám ảnh (hay còn gọi là siêu tập trung). Tuy nhiên, chính khả năng đó không chỉ giúp ông trở nên thành công mà còn truyền động lực cho nhân viên của mình.
Sự tập trung cao độ và ám ảnh có thể là chìa khóa giúp bạn mở ra những cơ hội đột phá trong mọi lĩnh vực. Albert Einstein có một câu nói nổi tiếng: "Nếu tôi có một giờ để giải quyết một vấn đề, tôi sẽ dành 55 phút để suy nghĩ về vấn đề đó và 5 phút để nghĩ về giải pháp”.
Mặt khác, Tony Robbins đã tuyên bố điều ngược lại trên Twitter: "Các nhà lãnh đạo dành 5% thời gian của họ cho vấn đề và 95% thời gian của họ cho giải pháp." Dù bằng cách nào, mỗi con đường đều bắt nguồn từ sự tập trung cao độ vào vấn đề cần giải quyết và đích đến cuối cùng là đạt được mục tiêu đã đề ra.
BƯỚC 3: NGẮT KẾT NỐI
Khi bạn thấy mình vẫn đang lạc trong những vòng tròn luẩn quẩn và không thể khám phá thêm những điều sáng tạo, hãy nghỉ ngơi.
Bước ra khỏi không gian bí bách sẽ giúp chúng ta có được sự minh mẫn và đổi mới ý tưởng. Chỉ cần bạn nghỉ làm và cho phép bản thân thực sự nghỉ ngơi trong khoảng thời gian đó, giải pháp hay sự sáng tạo để giải quyết vấn đề có thể sẽ tự đến với bạn.
Mỗi khi không thể tìm ra một câu hỏi hoặc phương trình phức tạp, Thomas Edison thường có thói quen chợp mắt, và sau đó ông thực sự tìm được những gì mình đang cần. Những ý tưởng tốt thường đến với chúng ta khi thực hiện các hoạt động bình thường như lái xe, ngồi trên bãi biển hoặc đang tắm.
Đôi khi bạn phải rời bàn làm việc để đến gần hơn với câu trả lời của mình - một trong những chiến lược thúc đẩy sự sáng tạo của Jobs. Steve Jobs nổi tiếng là người yêu thích vừa điều hành cuộc họp vừa đi dạo trong khuôn viên trụ sở Apple, bởi lúc đó ông có thể nảy sinh những ý tưởng độc đáo giúp giải quyết những vấn đề khó khăn của Apple.