05:31 14/08/2008

Argentina, “cánh cửa” vào thị trường Nam Mỹ

Kim Thái

Argentina có nhu cầu rất đa dạng về các loại hàng hóa, nhất là hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử và điện lạnh

Với dân số 40,3 triệu người, Argentina có nhu cầu rất đa dạng về các loại hàng hóa, nhất là hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử và điện lạnh.
Với dân số 40,3 triệu người, Argentina có nhu cầu rất đa dạng về các loại hàng hóa, nhất là hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử và điện lạnh.
Argentina có thể là một cánh cửa cho hàng Việt Nam vào thị trường Nam Mỹ, và là một đối tác đầu tư tiềm năng, nếu Việt Nam biết khai thác hợp lý những điểm khác biệt và tương đồng trong cơ cấu kinh tế của hai nước.

Với dân số 40,3 triệu người, Argentina có nhu cầu rất đa dạng về các loại hàng hóa, nhất là hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử và điện lạnh. Đại sứ Argentina tại Việt Nam, ông Tomas Ferrari, cho biết Argentina muốn nhập những mặt hàng này từ Việt Nam vì đây là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam với giá thành rất cạnh tranh và chất lượng tốt.

Nhu cầu trao đổi hàng hóa và đầu tư lớn

Hiện nay, khối lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 50 triệu USD năm 2007. Trong đó, sản phẩm chủ yếu là cao su, dệt may, sợi tổng hợp, thiết bị dụng cụ cơ khí. Argentina cũng có thể cung cấp cho thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng mà Việt Nam có nhu cầu lớn, đặc biệt là thịt bò, sữa, rượu vang, dầu thực vật và các sản phẩm từ đậu nành.

Hiện nay, Argentina đang xuất siêu sang Việt Nam với tổng giá trị hàng xuất khẩu đạt 400 triệu USD năm 2007. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Argentina sang Việt Nam là ngũ cốc, bánh kẹo, rượu vang, da nguyên liệu, dầu mỡ thực vật và phụ kiện ô tô.

Mặc dù Việt Nam và Argentina cùng là hai nước xuất khẩu nông sản, cơ cấu hàng nông sản của hai nước có rất nhiều điểm có thể bổ sung cho nhau, một chuyên gia của Bộ Ngoại giao Argentina nói. Ông này cho biết Argentina muốn đa dạng hóa hàng nông sản xuất khẩu sang Việt Nam, bao gồm cả nông sản chế biến chứ không chỉ dừng lại ở nông sản thô, và cả những mặt hàng có giá trị gia tăng lớn khác.

Do hai nền kinh tế có trình độ tương đối tương đồng, doanh nghiệp hai nước có rất nhiều điểm chung để phát triển quan hệ hợp tác, theo Đại sứ Tomas Ferrari. Tương tự như Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là động lực phát triển và tạo việc làm chính trong nền kinh tế Argentina.

Trong chuyến đi xúc tiến thương mại và đầu tư lần này, 10 doanh nghiệp lớn của Argentina cũng tìm kiếm các cơ hội để hợp tác và đầu tư vào Việt Nam để không chỉ sản xuất hàng hóa cho thị trường Việt Nam mà còn thông qua Việt Nam để tiếp cận sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc.

Đặc biệt, Tập đoàn IMPSA, một tập đoàn lớn về năng lượng ở Argentina và có kinh nghiệm hoạt động quốc tế, đang giới thiệu và tìm cơ hội đầu tư phát triển nhà máy điện chạy bằng sức gió ở Việt Nam. “Đây là nguồn năng lượng sạch và không tiêu tốn nhiên liệu, đang là một xu thế sản xuất và sử dụng năng lượng ở các nước châu Âu và châu Mỹ”, ông Nguyễn Đình Sơn, đại diện của IMPSA nói. “Đây là một lựa chọn đáng được cân nhắc trong thời đại giá nhiên liệu leo thang trên toàn cầu. Với đường bờ biển trên 3.000 km, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình năng lượng này”.

IMPSA đang sản xuất và lắp đặt các nhà máy điện gió với giá thành khoảng 2,5 triệu Euro cho một tổ máy công suất 1,5MW. Ông Sơn cho biết IMPSA có thể xây lắp một nhà máy điện gió trong vòng 1 năm là có thể phát điện ngay với tốc độ xây lắp khoảng vài chục MW một tháng. Tương tự Việt Nam, Argentina cũng có bờ biển dài. Điện gió đang chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện của Argentina và tỷ lệ này đang ngày càng tăng.

Đại sứ Tomas Ferrari cũng cho biết, Argentina cũng quan tâm đến việc giúp Việt Nam phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Hai nước đã có một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực này. Qua đó, Argentina chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi chuyên gia với Việt Nam trong lĩnh vực điện hạt nhân. Argentina cũng mong muốn hợp tác chuyển giao công nghệ điện hạt nhân với Việt Nam trong khuôn khổ Nam - Nam, phù hợp với yêu cầu và trình độ của Việt Nam.

Ông cũng cho rằng thông qua hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Argentina, doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang các nước Nam Mỹ khác. Hiện nay, thương mại với các nước Nam Mỹ đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Argentina.

Argentina cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Ngành này hiện là ngành đứng thứ 5 trong số những hàng hóa xuất khẩu hàng đầu của Argentina và có tốc độ tăng trưởng mạnh. Chính vì vậy, chính phủ nước này đang tiếp tục nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào ngành du lịch, bao gồm cả đầu tư nước ngoài.

Việt Nam nhiều lợi thế

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng nói rằng với đội ngũ lao động trẻ, có đào tạo, thông minh và cần cù, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất với giá thành hạ để cung cấp cho thị trường Argentina nói riêng và thị trường Nam Mỹ nói chung. So với Trung Quốc, giá thành lao động ở Việt Nam thấp hơn từ 30% - 50%.

Ông Dũng cũng giới thiệu với các doanh nghiệp Argentina về một Việt Nam với tình hình chính trị ổn định, thị trường nội địa rộng lớn, là cửa ngõ vào ASEAN và Trung Quốc và giàu tài nguyên thiên nhiên. Cũng giống như Argentina, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang là một động lực chính trong sự tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại Việt Nam. Đây là những tiền đề tốt để cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp Argentina và Việt Nam.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh nhu cầu của Việt Nam thu hút đầu tư trong sản xuất điện, đặc biệt là điện sạch, không sử dụng nhiên liệu, trong đầu tư chế biến nông sản xuất khẩu, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải, y tế và thuốc.

Bắt đầu phát triển quan hệ ngoại giao từ năm 1973, Việt Nam và Argentina đã đạt được nhiều bước phát triển đáng kể trong quan hệ song phương, đặc biệt từ những năm 1990. Hai nước đã đặt đại sứ quán tại lãnh thổ của nhau và ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, nông nghiệp và công nghiệp.