11:08 17/10/2007

ASEAN liên kết ngăn ngừa khủng hoảng

Thùy Trang

Đã hơn 10 năm kể từ khi châu Á và các nước ASEAN trải qua cuộc khủng hoảng tiền tệ, giai đoạn nặng nề nhất cho thị trường châu Á

Các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, sau 10 năm, chưa bao giờ nền kinh tế châu Á lại cải cách cơ cấu vĩ đại như hiện nay, nhất là về khung pháp lý.
Các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, sau 10 năm, chưa bao giờ nền kinh tế châu Á lại cải cách cơ cấu vĩ đại như hiện nay, nhất là về khung pháp lý.
“Mặc dù chúng ta đã làm được nhiều việc, triển vọng và tiềm năng của ASEAN là rất lớn, song cũng nên thẳng thắn đánh giá rằng mối quan hệ kinh tế trong ASEAN còn khá lỏng lẻo. ASEAN cần có những bước đi thích hợp để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra”.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia kinh tế trong phiên họp “Thị trường tài chính, chứng khoán ASEAN, 10 năm sau khủng hoảng” và cũng là một trong những chủ đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi trong chương trình Hội nghị Diễn đàn doanh nghiệp Thủ đô các nước ASEAN tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 15 và 16/10.

ASEAN trước bối cảnh mới

Đã hơn 10 năm kể từ khi châu Á và các nước ASEAN trải qua cuộc khủng hoảng tiền tệ, giai đoạn nặng nề nhất cho thị trường châu Á. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Quốc hội, đến nay, những nguyên nhân và bài học từ cuộc khủng hoảng liên quan đến tính dễ đổ vỡ của hệ thống tài chính, những bất cập trong cơ cấu kinh tế và tính hiệu quả của cơ chế kinh tế, khả năng giám sát và phối hợp giữa các nước và cộng đồng quốc tế vẫn còn là những bài học quý báu để nhìn nhận, đánh giá, chia sẻ.

Với cách nhìn của một thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng cho rằng, chính “nhờ cuộc khủng hoảng đó mà các nước châu Á trong đó có ASEAN tỉnh ngộ ra được”. Khu vực yếu kém nhất của ASEAN, theo ông Nghĩa, liên quan đến tỉ giá hối đoái, về thể chế, về việc quá nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ và sự liên minh giữa ngân hàng với các cơ quan công quyền.

Trao đổi tại Diễn đàn, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, sau 10 năm, chưa bao giờ nền kinh tế châu Á lại cải cách cơ cấu vĩ đại như hiện nay, nhất là về khung pháp lý. Nhiều quốc gia đã có những thay đổi mạnh mẽ về luật ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... theo một nguyên tắc minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.

Chính vì vậy, theo ông Nghĩa, châu Á đang dư thừa ngoại tệ, cán cân thương mại thặng dư, đặc biệt có sự hợp tác tốt giữa các thể chế tài chính khu vực để ngăn ngừa các nguy cơ khủng hoảng mới.

Về hạ tầng quản lý, trọng tâm của chương trình cải tổ tài chính châu Á nhằm vào hai nội dung cơ bản: quản trị rủi ro và các chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp theo OECD.

Lâu nay, các nền kinh tế châu Á thường quản lý kinh tế theo mối quan hệ thân quen gia đình, “cánh hẩu”. Giờ đây, các nước châu Á đã xây dựng thể chế mạnh, đặc biệt trong các định chế tài chính như ngân hàng, các công ty chứng khoán nhằm quản trị rủi ro là chủ yếu. Đồng thời các doanh nghiệp châu Á đã chú trọng hơn đến quản trị doanh nghiệp, quyền lợi của các cổ đông nhỏ, giám sát công ty.

Liên quan đến phát triển dịch vụ tài chính, dẫn những đánh giá của các tập đoàn tài chính lớn, ông Nghĩa cho rằng các ngân hàng tiêu dùng và dịch vụ tài chính ở châu Á đang phát triển thần tốc. Điều này đã làm cho khu vực thị trường dịch vụ tài chính của châu Á thay đổi nhanh chóng, nợ xấu giảm, khả năng sinh lời cao, các chuẩn mực giám sát thực hiện tốt.

Thay đổi cuối cùng, theo ông Nghĩa, đó là công việc giám sát minh bạch đã được các quốc gia châu Á sử dụng các chuẩn mực Basel. Nhiều quốc gia, tập đoàn lớn đã áp dụng chuẩn mực Basel II. Đồng thời các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đã sử dụng hình thức giám sát thống nhất bao gồm các khâu: cấp phép, xây dựng thể chế, thanh tra... Tất cả những hoạt động đó đã tạo ra thị trường tài chính ngày càng hấp dẫn. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng thừa nhận ASEAN vẫn còn nhiều việc phải làm.

Những bước đi cụ thể

Các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam trong đó có thị trường tài chính đã có tốc độ phát triển nhanh. Quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam ngang với Đài Loan trong thời gian gần đây. Trên thực tế cũng đúng như vậy. Chính phủ Việt Nam có đường lối khá nhất quán về phát triển thị trường chứng khoán, áp dụng các chuẩn mực quản trị mang tính thị trường, hạn chế phát triển quản trị kiểu hành chính.

Để đạt mục tiêu đến năm 2010 giá trị vốn hóa trị trường chứng khoán đạt 50% GDP và đến năm 2020 đạt 70% GDP, ông Hà Huy Toàn, Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng hỗ trợ phát triển thị trường vốn giữa Việt Nam với các thành viên ASEAN là một biện pháp quan trọng.

Ông Toàn nêu ra những công việc cụ thể như: thiết lập hệ thống đào tạo và phát triển thị trường vốn giữa các nước ASEAN, hình thành thoả thuận chung về thị trường nợ và thị trường cổ phiếu, liên kết hệ thống thanh toán và giao dịch chứng khoán, hài hoà các chuẩn mực/ tiêu chuẩn thị trường vốn giữa các nước trong khu vực như quản lý doanh nghiệp, chế độ kế toán, hệ số định mức tín nhiệm.

Các quy định hiện nay về việc cho phép sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ là những chính sách đơn phương của Việt Nam nhằm thúc đẩy thị trường, không phải là những cam kết có tính khu vực của quá trình tự do hoá thị trường vốn.

Ông Toàn cũng đưa ra khuyến nghị về phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI). Ông nhấn mạnh: “Để làm được điều đó cần tiếp tục các hoạt động tăng cường phát triển thị trường trái phiếu khu vực thông qua khuyến khích phát hành trái phiếu qua biên giới có hệ số tín nhiệm cao, phát hành trái phiếu bằng đồng bản tệ của các tổ chức tài chính quốc tế ở thị trường nội địa, và thực hiện nghiên cứu phát hành trái phiếu rổ tiền tệ khu vực”.

Việc xây dựng chỉ số chung cho các thị trường chứng khoán giữa các nước trong khối cũng được đề xuất tại Diễn đàn. Hiện nay, thị trường chứng khoán của Malaysia, Indonesia, Philipines, Thái Lan và Singapore đã ký biên bản ghi nhớ cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu.

Chỉ số chung mang tên “Top 100 ASEAN Index” nhằm phát triển thị trường vốn trong khu vực và tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Lào chưa tham gia vì quy mô giao dịch còn hạn chế và non trẻ. Vì vậy, theo các chuyên gia, mục tiêu trong thời gian tới là phấn đấu để tham gia vào việc hình thành và cung cấp chỉ số Index này.

Để ngăn ngừa đối với khủng hoảng có thể tái phát, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho rằng có rất nhiều giải pháp, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh vào 4 nhóm giải pháp.

Nhóm đầu tiên là tăng cường quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro trong từng doanh nghiệp, và tăng cường tính công khai minh bạch trong các doanh nghiệp và trong toàn bộ nền kinh tế.

Nhóm thứ hai liên quan đến hoàn thiện chính sách tiền tệ, chính sách phát triển thị trường, vấn đề lãi suất, tỉ giá; tác động của chính sách tiền tệ đối với hoạt động của thị trường.

Nhóm vấn đề thứ ba thuộc về chính sách liên quan đến luồng vốn nước ngoài. Huy động vốn quốc tế rất quan trọng cho phát triển kinh tế đối với từng nước trong khu vực. Nhưng khi luồng vốn nước ngoài vào mạnh, thông thường các nước lại phải đứng trước vấn đề thả nổi tỉ giá, mở cửa tự do hoá. Điều đó giúp giảm sức ép về lạm phát, nhưng nếu thả nổi tỉ giá cũng dẫn đến đồng tiền trong nước lên giá và tác động đến xuất khẩu.

Do đó vấn đề kiểm soát nguồn vốn nước ngoài ở mức độ như thế nào cho thích hợp là bài toán cần giải quyết. Nhóm vấn đề thứ tư liên quan đến liên kết giữa các nước trong khu vực để thúc đẩy việc phối hợp cùng nhau phát triển bền vững trong khu vực cũng như mỗi nước.