10:09 27/08/2007

ASEAN sẽ thành một EU thứ hai?

Thùy Trang

Nhiều nhà lãnh đạo đã xem Liên minh châu Âu (EU) là một mô hình hội nhập để ASEAN có thể học tập

Lễ thượng cờ các quốc gia ASEAN trong lễ kỷ niệm 38 năm thành lập hiệp hội này tại Philippines, năm 2005.
Lễ thượng cờ các quốc gia ASEAN trong lễ kỷ niệm 38 năm thành lập hiệp hội này tại Philippines, năm 2005.
Trung Quốc và Ấn Độ đang nổi lên thành những trung tâm kinh tế lớn cùng với Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.

Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có khả năng cạnh tranh được trước sự trỗi dậy của hai người hùng này? ASEAN có nên trở thành “một EU thứ hai” để tiếp cho mình thêm sức mạnh? Đây là những câu hỏi lớn được đặt ra tại Diễn đàn 100 lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN lần thứ 4 vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 22-23/8.

Trong 12 năm qua, quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước ASEAN không ngừng tăng nhanh. Kim ngạch thương mại năm 2006 đạt trên 20 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm 2005, chiếm 1/4 kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.

Liệu có thể cạnh tranh?

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chú trọng hơn vào các thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Nhật.... Vì đây là những thị trường có khối lượng nhập khẩu lớn, nhờ đó các doanh nghiệp sẽ dễ dàng sản xuất hơn là những đơn hàng nhỏ lẻ từ ASEAN.

Chính vì vậy, sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam trong nội khối ASEAN còn thấp. Mặt khác, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam tương tự với các nước ASEAN nên các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với họ trên cùng thị trường.

Để tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như hợp tác trong nội khối, theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp phải tích cực ra ngoài để tìm hiểu và cùng phối hợp với các doanh nghiệp trong ASEAN để đầu tư. “Qua đầu tư chúng ta sẽ chuyển dịch được cơ cấu kinh tế và cũng có thể tạo thế mạnh cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam”, ông Dũng giải thích.

Hiện nay, năng lực cạnh tranh của ASEAN đang vấp phải sự canh tranh rất lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ. Trước câu hỏi đặt ra: ASEAN có thể cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ, với vai trò là diễn giả chính của chủ đề này, ông Hoàng Văn Dũng khẳng định: “Sự phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tạo điều kiện khách quan cho Việt Nam cũng như ASEAN phát triển”.

Thừa nhận Trung Quốc và Ấn Độ là hai đối thủ cạnh tranh rất lớn của ASEAN nhưng ông Dũng cho rằng khi họ phát triển sẽ có nhu cầu nhập hàng rất lớn. Nếu Việt Nam lựa chọn được những mặt hàng nào có thể thâm nhập thị trường này thì Việt Nam cũng chiếm lĩnh được một thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Hơn nữa, việc xây dựng khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN và xây dựng nội bộ khu vực ASEAN sẽ dẫn theo các công ty xuyên quốc gia vào khu vực ngày càng nhiều, sẽ nảy sinh vấn đề phân công thị trường của các công ty xuyên quốc gia như sản xuất ở Việt Nam, lắp ráp ở Trung Quốc. Việc công ty xuyên quốc gia tăng đầu tư vào khu vực sẽ thúc đẩy mở rộng thị trường, nhất là doanh nghiệp Trung Quốc hoặc Ấn Độ sẽ đẩy nhanh đầu tư vào các nước ASEAN, góp phần thúc đẩy mở rộng thương mại song phương.

Chính vì vậy, ông Dũng nhấn mạnh rằng chỉ có sự phối hợp chung để tạo phân công sản xuất cũng như giảm giá thành chi phí sản xuất thì mới có thể nâng cao năng lực chung của toàn khối.

Trong trường hợp cụ thể của Việt Nam, để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Dũng, việc xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Ông cho biết: phần lớn hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước phải dùng thương hiệu của nước ngoài. Các doanh nghiệp chỉ làm được phần gia công nên cứ ráo mồ hôi là hết tiền.

Ông đưa ra ví dụ cụ thể: các doanh nghiệp Hàn Quốc khi may áo sơ mi, họ tự thiết kế, tự xây dựng thương hiệu và có thể bán sản phẩm với giá 800.000- 1 triệu đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam gia công nên chỉ bán được sản phẩm với giá 10 nghìn đồng. Và như vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải xuất khẩu gần 100 cái áo mới bằng Hàn Quốc xuất khẩu 1 cái.

“Muốn cạnh tranh được thắng lợi các doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu của mình từ khâu thiết kế đến sản xuất tiêu thụ, không nên phụ thuộc gia công. Gia công trước mắt có thể giải quyết được vấn đề công ăn việc làm nhưng nếu chúng ta không vươn lên thì sẽ suốt đời đi làm thuê”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Phó chủ tịch VCCI cũng cho biết, bên cạnh việc bản thân các doanh nghiệp phải xây dựng chương trình hành động làm ăn với ASEAN thì VCCI cũng sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. VCCI sẽ tiến hành những nghiên cứu nhằm tìm ra những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh để có thể xuất khẩu sang ASEAN.

Song song đó, VCCI cũng phối hợp với các thành viên trong khối để trao đổi thông tin và thực hiện các hoạt động xúc tiến, hội trợ triển lãm, xây dựng website giúp doanh nghiệp tiếp xúc với những thông tin mới nhất về thị trường.

ASEAN sẽ trở thành một EU thứ hai?

Tại Diễn đàn này, nhiều nhà lãnh đạo đã xem Liên minh châu Âu (EU) là một mô hình hội nhập để ASEAN có thể học tập. Mặc dù trong thời gian này, các nước ASEAN đang có những biện pháp để hội nhập kinh tế sâu hơn trong khu vực, nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến tại Diễn đàn vẫn không đồng ý trong thời gian ngắn nữa, ASEAN có thể áp dụng mô hình của EU.

Sau 40 năm thành lập, ngày càng có nhiều ý kiến thừa nhận rằng ASEAN cần phải cải tổ để thích ứng với tình hình, và cũng có ý kiến cho rằng muốn thích ứng chỉ việc noi gương hội nhập của EU.

Ông Khairy Jamaluddin, Phó chủ tịch Đảng UMNO Youth của Malaysia nói: ASEAN nên áp dụng mô hình EU, tạo ra hệ thống luật pháp của khu vực và chính sách thương mại chung cho cả khối.

Trên thực tế, lãnh đạo 10 nước ASEAN đã nhất trí lập ra một khu vực thương mại tự do trước năm 2015 và thông qua dự thảo Hiến chương đầu tiên để biến ASEAN thành một tổ chức có tính pháp lý cao hơn.

Tuy nhiên, có nhiều trở ngại khiến ASEAN khó có thể hội nhập đầy đủ như EU. Ông Simon Tay, Chủ tịch Học viện Ngoại giao Singapore cho rằng: không giống như EU, khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước thành viên ASEAN rất lớn, không được đồng đều như EU; sự đa dạng tôn giáo của ASEAN bao gồm Hồi giáo, Phật giáo, Kytô giáo cũng khác với EU là đều theo Thiên chúa giáo. Ông cho rằng ASEAN cần dũng cảm sáng tạo một cách riêng chứ không sao chép mô hình của EU.

Còn theo ông Timothy Ong, đồng Chủ tịch Diễn đàn, một lý do khác khiến vấn đề hội nhập của ASEAN rất khó vì các nước thành viên 75% tiến hành giao dịch ngoài khối và 25% giao dịch nội khối. Điều này khác với EU chủ yếu giao dịch nội khối.

Các đại biểu thống nhất rằng để ASEAN trở thành “một EU thứ hai” còn là một chặng đường dài phía trước. Điều thiếu vắng ở đây là người dân các nước ASEAN chưa cảm nhận rõ rệt mình thuộc về ASEAN, là giới lãnh đạo chưa có ý chí chính trị tạo ra cách thức của ASEAN.

“Vì thế, chúng ta cần tăng cường tiếp xúc giữa con người với nhau và làm cho ý tưởng một khối ASEAN có ý nghĩa với người dân từng nước. Làm mọi người hiểu rằng chúng ta đang cùng ở một thuyền và có thể gặp cùng một cơn bão”, ông Simon tay kết luận.