09:56 11/08/2008

Ba cách đưa hàng Việt sang “lục địa đen"

Xuân Thái

Rào cản lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu vào châu Phi là các đối tác ở đây hạn chế về khả năng tài chính

Một khu chợ ven biển ở Kenya.
Một khu chợ ven biển ở Kenya.
Theo nghiên cứu của Bộ Công Thương, mặc dù nhu cầu của thị trường châu Phi rất lớn nhưng do trình độ phát triển ở mức thấp, các doanh nghiệp châu lục này bị hạn chế về khả năng tài chính.

Đây là rào cản lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu trên thế giới và đặc biệt khó khăn đối với các nhà xuất khẩu mà khả  năng tài chính còn hạn chế như Việt Nam.

Châu Phi gồm 54 quốc gia với số dân 900 triệu người nằm trên diện tích 30 triệu km2, là châu lục lớn thứ 3 thế giới. Mặc dù là châu lục có nhiều tài nguyên quý nhưng châu Phi vẫn là châu lục nghèo nhất trên thế giới. Trong số 48 quốc gia nghèo nhất mà Liên hiệp quốc công bố thì châu Phi có đến 33 nước.

Thu nhập bình quân toàn châu lục khoảng 500-600 USD/người, nhưng mức chênh lệch khá lớn giữa các nước có kinh tế phát triển (10.000 USD/người) với nước nghèo (200 USD/người).

Nhu cầu lớn, yêu cầu chất lượng đa dạng

Châu Phi hiện là thị trường có sức mua khá mạnh. Kim ngạch nhập khẩu của châu Phi có bước tăng trưởng từ 95 tỷ USD (năm 1991) lên 136 tỷ USD (năm 2001). Theo các nhà phân tích, hiện nay nhu cầu nhập khẩu của châu lục này lên tới gần 200 tỷ USD/năm. Cơ cấu nhập khẩu đa dạng và nhìn chung phù hợp với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.

Các quốc gia châu Phi đều là những nước đang hoặc chậm phát triển nên nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm chế tạo là rất lớn. Lục địa này phải nhập khẩu từ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, các sản phẩm điện, điện tử, cơ khí, các sản phẩm công nghệ cao đến các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân như hàng dệt may, thực phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng...

Theo thống kê của Bộ Công Thương, nhập khẩu nhóm hàng này năm 2001 chiếm tỷ trọng tới 70,8% tổng giá trị nhập khẩu của châu Phi, đạt 96,3 tỷ USD. Tiếp đến là nhóm hàng nông sản, lương thực thực phẩm, chiếm tỷ trọng 15,3% trong nhập khẩu năm 2001, đạt 20,8 tỷ USD.

Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 48/54 quốc gia châu Phi, mở 7 cơ quan đại diện ngoại giao tại Ai Cập, Algeria, Libia, Angola, Nam Phi, Tanzania, Marốc và Nigeria, 5 thương vụ tại Ai Cập, Algeria, Nam Phi, Marốc và Nigeria. Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại song phương với 15 nước, trong đó có 13 Hiệp định có điều khoản Tối huệ quốc (MFN).

Kim ngạch buôn bán Việt Nam - châu Phi tăng trưởng khá nhanh, từ 15,5 triệu USD năm 1991 lên đến hơn 1 tỷ USD năm 2007, tăng 21% so với năm 2006. Kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi năm 2007 đạt 684 triệu USD, tăng 12% so với năm 2006.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu sang châu Phi cũng được đa dạng hóa hơn nhiều: nếu như trong thập kỷ 90, mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang châu Phi là gạo, thì những năm gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu thêm các sản phẩm điện-điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện, phụ tùng xe máy, thuốc lá điếu, hàng rau quả, bột gia vị, bột ngọt, đồ chơi trẻ em, mì ăn liền, sữa và sản phẩm sữa, xe đạp..., mặc dù giá trị xuất khẩu chưa cao. Các thị trường xuất khẩu quan trọng gồm Nam Phi, Ai Cập, Algeria, Angola, Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà), Ghana...

Do châu Phi là thị trường có sức mua thấp và khả năng thanh toán hạn chế, nên từ lâu các doanh nghiệp Việt Nam đã khắc phục bằng cách bắt đầu từ những lô hàng nhỏ để thăm dò thị trường, dần tiến tới đa dạng các loại sản phẩm.

Một số mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam thành công tại thị trường châu Phi bằng phương cách này, như: mặt hàng may mặc ở Nam Phi tiến tới mở rộng ra gạo, nhựa, gia vị, hàng điện tử, dây cáp điện; mặt hàng xe máy ở Angola sau đó mở rộng ra Algeria, Ghana để tiêu thụ ở các thành phố và nông thôn châu Phi.

Công tác xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh

Một trong những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam là mạng lưới đại diện thương mại VIệt Nam ở châu lục này đến nay còn quá mỏng, chỉ có 5/54.

Theo nhiều chuyên gia, một mặt tiếp tục mở rộng việc thành lập thương vụ tại một số thị trường trọng điểm như Tanzania, Côte d’Ivoire, Angola để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thu thập và cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời cho doanh nghiệp Việt Nam; mặt khác cần có sự điều chỉnh đối với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho các đoàn khảo sát thị trường châu Phi chậm phát triển.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam nên chọn cho mình phương thức kinh doanh phù hợp với đặc điểm của thị trường châu Phi. Theo đó, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Phi, có thể xoay quanh 3 hình thức sau:

Một là, xuất khẩu qua trung gian. Đây là con đường mà phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng để thâm nhập thị trường châu Phi từ trước tới nay. Trên thực tế, hiện nay, sản phẩm của Việt Nam, nhất là mặt hàng gạo chủ yếu được xuất qua các công ty trung gian của châu Âu là những doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm tại châu Phi, có tiềm lực tài chính mạnh.

Hai là, xuất khẩu trực tiếp. Đây cũng là cách mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng tại các nước mà Việt Nam có Thương vụ hoặc cơ quan đại diện, như Nam Phi, Angola, Ai Cập cũng như một số nước có hệ thống ngân hàng khá phát triển và tiềm lực tài chính tương đối mạnh như Ma Rốc, Nigeria...

Ba là, xuất khẩu tại chỗ để khắc phục khó khăn trong thanh toán của các nước châu Phi và hệ thống ngân hàng kém phát triển, cũng như giảm bớt chi phí vận chuyển của doanh nghiệp Việt Nam.