19:40 10/07/2007

Ba câu chuyện của vợ chồng MBA

Là chuyên viên cao cấp trong ngành tài chính - ngân hàng, vợ chồng Tuấn Anh rẽ ngang, đi học MBA ở Mỹ

Gia đình Tuấn Anh ngày tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ.
Gia đình Tuấn Anh ngày tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ.
Là chuyên viên cao cấp trong ngành tài chính - ngân hàng, vợ chồng Tuấn Anh rẽ ngang, đi học MBA ở Mỹ.

Trở về, anh mở công ty chuyên sửa chữa nhà cửa, từ đóng một cây đinh cho đến lợp lại mái nhà. Rồi vợ cũng về công ty, và họ bắt đầu thành công với hệ thống sơn công nghiệp của mình…

1. Triết lý của người lười

Nhớ ngày đầu về nước, bao nhiêu là kỳ vọng của mọi người đặt lên vai. Tuấn Anh nhớ lại: “Ở Mỹ, nhìn đâu cũng thấy cơ hội. Về Việt Nam, thấy càng nhiều. Quyết định thử, có rất nhiều ý tưởng, sau cùng, bắt tay với chuyện… lười của mình: mở một công ty phục vụ cho những người… lười”.

Ba năm xa nhà đi học, anh trở về và đối diện với một thực tế phũ phàng: nhà cửa xuống cấp trầm trọng sau mấy năm trời bỏ không, đụng đâu cũng thấy hỏng. Anh nhớ lại: “Mình thì lười, mà gọi thợ thì chắc cũng phải một chục nhóm mới sửa hết việc, sửa linh tinh người ta không thèm. Thế là suy nghĩ, giá như có một công ty có thể xử lý mọi hỏng hóc trong gia đình từ nhỏ tới lớn thì chắc là rất tuyệt vời.

Thế là mở một công ty, làm công việc chăm sóc nhà cửa: Nhất Việt. Đó là một giai đoạn khó khăn chồng khó khăn của Tuấn Anh. Ít vốn, thiếu nhân lực, không rành thị trường, lại phải đối diện hàng loạt vấn đề, đặc biệt là khả năng giao tiếp của những người thợ “tay nghề thì không chê vào đâu được nhưng tác phong thì không chấp nhận chỗ nào được”.

Thêm vào đó là áp lực từ chuyện mọi người càm ràm: “Học ở Mỹ về tự dưng lại đi sửa nhà, trong khi bao nhiêu là ngân hàng nước ngoài trải thảm đỏ về làm việc…”.

Chẳng biết phải giải thích thế nào, Tuấn Anh chỉ còn cách tự nhủ là phải trả lời mọi người bằng kết quả công việc của mình. Hai vợ chồng cùng cười: “Lúc đó phân công: vợ đi làm cho ngân hàng nước ngoài, kiếm tiền lo cho gia đình, còn chồng thì tự vật lộn với chọn lựa riêng của cả hai”.

2. Mang cái hay của nghề vào nghề

Chuyện đời thường có những ngã rẽ nhất định, quan trọng là ta có dám can đảm rẽ ngang hay không. Tuấn Anh nghĩ thế, nên khi đối diện với khả năng mở ra một nhánh công việc khác liên quan đến sơn sàn công nghiệp, anh gật đầu và quyết tâm thử nghiệm lần nữa.

“Lúc này, chắc là đã hết lười nổi rồi, vì mình hứa là khách hàng cần sửa một cái gì tí tẹo cũng làm; xa mấy cũng đi. Thêm chuyện sơn sàn công nghiệp, thì sơn 1 m2 cũng nhận lời. Mình không có nhiều vốn, nên phải tập trung làm từ nhiều cái nhỏ, cái nào cũng phải đầu tư để thật hoàn chỉnh”.

Nhiều người nghĩ, là mớ kiến thức trong ngành ngân hàng sẽ chẳng giúp ích gì cho công việc mới của Nhất Việt, nhưng không phải vậy. Ngành ngân hàng có hai đặc điểm: khách hàng là dài hạn và ngân hàng biết mọi nhu cầu của khách; chuyện thứ hai là hoạt động của ngân hàng luôn phải tuân thủ những quy trình nghiêm mật.

Và hai nguyên tắc đó được áp dụng triệt để trong hoạt động của công ty: gặp khách hàng nào thì mặc nhiên xem đó là khách hàng trung thành của mình, cố gắng nắm bắt mọi nhu cầu, thói quen của họ để còn làm việc dài lâu; mọi chuyện đều phải theo quy trình, có khảo sát, thực hiện, giám sát và hậu kiểm. Thậm chí, sơn ở đâu thì cũng phải chừa lại một ít sơn làm mẫu để đối chiếu nếu có phát sinh sự cố.

3. Nguyên tắc của người làm dịch vụ

“Làm đúng chất lượng như cam kết” - là một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của Nhất Việt. Nhưng làm sao để đảm bảo chuyện này, Thu Giang, người vợ đã chịu bỏ việc để về “phụ” chồng cho biết: “Cũng không biết đã tốn bao nhiêu tiền cho việc thử nghiệm chất lượng sản phẩm nữa. Nhà sản xuất nói rằng sơn này thì bê tông đổ 7 ngày là sơn được, mình phải tổ chức thử. Một tảng bê tông, từ ngày thứ 7 trở đi, cứ mỗi ngày thì sơn một ô để đối chiếu kết quả. Người ta quảng cáo không sai, nhưng 7 ngày thì phải có những điều kiện môi trường tốt nhất, còn trong môi trường bình thường, thì phải từ ngày thứ 12 mới mạnh dạn sơn cho khách hàng…”.

Và vợ chồng nhà này, cùng với hai vợ chồng khác là đối tác chính của mình, đã phải “chiến đấu” trường kỳ với đủ mọi thói quen cũ của ngành xây dựng hòng đảm bảo chất lượng dịch vụ của mình: không bao giờ được xài ít nguyên vật liệu hơn con số đã tính toán, không bao giờ được bỏ 5% phí bảo hành sau khi đã nghiệm thu công trình, không bao giờ được làm dây bẩn khu vực mình đã làm việc; không bao giờ từ chối những yêu cầu khẩn cấp của khách hàng…

Lối đi ở dưới chân mình. Bởi thế, vợ chồng nhà Nhất Việt tin rằng, ở đâu cũng có cơ hội cho những người muốn bắt đầu. 7 năm trôi qua, đủ dài để Nguyễn Tuấn Anh có thể thở ra nhẹ nhõm: mình đã đúng.

Hiện nay, có thể họ vất vả hơn những ngày còn ăn trắng mặc trơn khi làm “sếp” ở những tập đoàn nước ngoài. Nhưng, điều hạnh phúc lớn nhất, là họ đang đi trên con đường của chính mình…