14:27 17/04/2019

Ba hình thức kỷ luật cán bộ hưu có vi phạm khi đương chức

Nguyễn Lê

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình dự án luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình dự án luật.

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định 3 hình thức kỷ luật dành cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Sáng 17/4, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo luật trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết dự thảo luật gồm 3 điều, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được ghi rõ trong nghị quyết; sửa đổi, bổ sung các điều để định hướng phát triển trong thời gian tới theo chủ trương, đường lối của Đảng và sửa đổi các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong số các vấn đề được tách riêng xin ý kiến có quy định về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Bộ trưởng Tân cho biết, qua tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý vì đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm thì những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không...

Chính phủ cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu tại khoản 16 điều 1 sửa đổi, bổ sung điều 84 của Luật Cán bộ công chức về áp dụng quy định của luật này đối với các đối tượng khác.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, quy định như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, đúng với tính chất của đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu là "đối tượng khác" so với cán bộ, công chức.

Do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở nghị định.

Theo đó, dự thảo luật sửa đổi quy định:

" Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.".

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết phải bổ sung trong dự thảo luật quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác để thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết Trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị tách nội dung này (hiện đang được Chính phủ đề nghị bổ sung vào điều 84) thành điều riêng quy định theo hướng: cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, tương ứng với từng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm cần quy định hình thức kỷ luật phù hợp bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cụ thể mà cán bộ, công chức, viên chức đó được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu. Đồng thời, cần quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh nội dung trên, lần sửa đổi này Chính phủ đề nghị bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức" đối với công chức tại khoản 1 điều 79 của Luật Cán bộ, công chức và theo đó bỏ quy định liên quan đối với hình thức này. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật "giáng chức" đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua hình thức kỷ luật này cũng đã được áp dụng. 

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật "giáng chức" trong luật.