00:00 22/02/2007

Ba lưu ý khi xuất khẩu vào Đức

Hồng Thoan thực hiện

Ông Nguyễn Minh Gòn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích cho các doanh nghiệp

Tại một khu chợ ở thủ đô Berlin - Ảnh: James Wagner.
Tại một khu chợ ở thủ đô Berlin - Ảnh: James Wagner.
Ông Nguyễn Minh Gòn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đức, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích cho các doanh nghiệp. 

Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường Đức trong thời gian qua?

Số lượng sản phẩm của Việt Nam có mặt tại thị trường Đức tương đối lớn. Trong 900 tỷ USD nhập khẩu của Đức hàng năm thì Việt Nam xuất khẩu sang Đức gần 2 tỷ USD với khoảng trên 200 nhóm hàng, mặt hàng thông qua xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp.

Tôi nghĩ đây là điều đáng mừng vì như vậy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức năm 2006 đã đạt gần 29%.

Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đức chủ yếu là hàng may mặc và giày dép, chiếm tỷ lệ cao khoảng 70 - 80% nhưng chủ yếu là gia công nên sản phẩm xuất khẩu thường mang nhãn mác của các công ty lớn trên thế giới.

Sản phẩm mang nhãn mác của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, do trong thời gian qua chúng ta vẫn khuyến khích may gia công xuất khẩu sang Đức, nhưng trong thời gian tới cũng nên tìm cách để các mặt hàng này của Việt Nam sẽ thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đức.

Trong số những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đức, chúng tôi nhận thấy vẫn còn tản mạn, chưa có số lượng lớn và hầu hết là chính các sản phẩm của Việt Nam đang cạnh tranh với chính sản phẩm của Việt Nam (như hàng thủ công mỹ nghệ...).

Theo ông, để có thể tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Đức, những điểm yếu nào mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải khắc phục đầu tiên?

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam tuy có những thế mạnh nhưng chúng ta chưa phát huy được thế mạnh của mình. Đặc biệt là thế mạnh để sản xuất hàng xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác được, trong khi nhu cầu của thị trường Đức đối với những sản phẩm đó rất lớn.

Tôi lấy ví dụ, nhu cầu về tiêu dùng nguyên liệu tự nhiên trong may mặc mà các doanh nghiệp miền Bắc có khả năng đáp ứng như nguyên liệu tơ tằm. Trong thực tế, các doanh nghiệp ở miền Nam đã ra miền Bắc mua nguyên liệu tơ tằm về sản xuất thành phẩm và đã đạt được kết quả khả quan trên thị trường nhiều nước, nhưng các doanh nghiệp miền Bắc lại chưa làm được điều này.

Hoặc những sản phẩm truyền thống của các làng nghề: thêu ren, đúc, chạm, đan lát... do chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản phẩm nên chưa cải tiến được mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của từng thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch đầu tư để có thể cho ra đời nhiều sản phẩm mẫu mã mới, nâng cao giá trị hàng hóa.

Bên cạnh đó, chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi tư duy. Một ví dụ đơn giản, chỉ một cái cán chổi của Đức mỗi năm cũng được thay đổi mẫu mã khoảng 3 – 4 lần, mỗi lần ra mẫu mới thì giá bán đều tăng lên một chút. Và họ không sản xuất những mẫu cũ nữa để cho sản phẩm mới dần thay thế nên bắt buộc người tiêu dùng phải quen dần và lựa chọn những mẫu mới.

Còn ở Việt Nam, thường thì các doanh nghiệp chú trọng sản xuất những sản phẩm quen dùng và cứ sản xuất cho tới khi không bán được sản phẩm nữa thì mới thôi. Vì vậy, để phát triển, các doanh nghiệp nên có một mức chi phí trả cho các nhà khoa học để họ nghiên cứu những mẫu mã hợp lý.

Tôi cũng dẫn ra một ví dụ khác, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng như vậy cũng không thể vào được thị trường Đức do chi phí đầu vào của sản phẩm quá cao nên giá thành sản phẩm không thể cạnh tranh được mặc dù chúng ta có sẵn nguyên liệu, nhân công sản xuất... Trong khi những sản phẩm gốm sứ của Trung Quốc vốn không phải là thế mạnh nhưng lại đang cạnh tranh với gốm sứ Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu giảm giá thành đầu vào để có thể xuất khẩu được mặt hàng này vào thị trường Đức.

Một trong những động lực thúc đẩy quan hệ giao thương là hợp tác phát triển kinh doanh. Vậy ông đánh giá như thế nào về khả năng này giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp Đức?

Nước Đức có 82 triệu dân nhưng có tới 4 triệu doanh nghiệp, trong số đó có 1,5 triệu doanh nghiệp một thành viên và những doanh nghiệp này làm ăn rất hiệu quả. Còn Việt Nam mới chỉ có khoảng 200.000 doanh nghiệp như vậy. Với số lượng 4 triệu doanh nghiệp, Đức có đủ khả năng và tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam đặt quan hệ giao thương.

Thời gian qua, mặc dù Thương vụ Việt Nam tại Đức đã rất cố gắng để thông tin cho các doanh nghiệp Đức về tên các doanh nghiệp Việt Nam, về tiềm năng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng phần lớn họ vẫn chưa hiểu được các doanh nghiệp của Việt Nam đã làm ăn được những gì.

Tuy nhiên, thời điểm này, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO, điều này sẽ làm tăng vị thế của Việt Nam. Vì vậy, chắc chắn các doanh nghiệp của Đức sẽ hiểu biết hơn về các doanh nghiệp Việt Nam và sẽ cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh phát triển hơn.

Hiện nay, có 9 vạn người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại Đức, trong đó có khoảng 70% tham gia kinh doanh tại 11 trung tâm của châu Á và trung tâm kinh tế – văn hoá và thương mại tại thủ đô Berlin. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức đã được thành lập, đây sẽ là “cầu nối” liên kết giữa doanh nghiệp người Việt Nam ở Đức và giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp Đức.

Qua những kinh nghiệm đã thu nhận được tại thị trường Đức, ông có những lưu ý gì đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu?

Thứ nhất, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam trước khi đặt quan hệ làm ăn với doanh nghiệp nào của Đức thì nên thăm dò uy tín của doanh nghiệp đó trước (về quy mô doanh nghiệp, hoạt động ra sao, tình hình tài chính như thế nào, hiện tại có khả năng buôn bán hay không) bởi thực tế không phải doanh nghiệp nào của Đức cũng hoạt động “ngon lành”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không nên quan niệm rằng muốn vươn ra thị trường nên bằng mọi cách xuất được hàng bởi hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị các doanh nghiệp Đức chiếm dụng vốn (có những doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn tới gần 1 triệu USD, đặc biệt là trong ngành thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ).

Thứ hai, các doanh nghiệp nên phát triển theo hướng chuyên doanh, có chiến lược kinh doanh tập trung và tạo được nguồn hàng lớn, không nên sản xuất, kinh doanh tổng hợp để tạo ra những cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau trong nội bộ các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, khi xuất khẩu hàng sang Đức, nhất thiết phải xuất những hàng hoá chất lượng, không xuất hàng tạp. Đặc biệt là các mặt hàng may mặc, giày dép, nếu chúng ta xuất hàng tạp sẽ không thể cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc vốn đang chiếm lĩnh hầu hết thị trường này.