15:33 14/08/2008

Ba lý do USD phục hồi

Kiều Oanh

Sự phục hồi mạnh của USD thời gian này không phải là dấu hiệu cho thấy niềm tin được tăng cường về viễn cảnh kinh tế Mỹ

Trong những tuần gần đây, USD đã phục hồi mạnh mẽ so với Euro và các ngoại tệ mạnh khác.
Trong những tuần gần đây, USD đã phục hồi mạnh mẽ so với Euro và các ngoại tệ mạnh khác.
Sự sụt giảm của đồng USD trong suốt 6 năm qua đã tạo ra những cơ hội tuyệt vời cho khách du lịch nước ngoài tới Mỹ và các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, sự đi xuống của “bạc xanh” cũng xói mòn mạnh mẽ sức mua của người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, USD đã phục hồi mạnh mẽ so với Euro và các ngoại tệ mạnh khác. Nhiều người cho rằng, sự đảo chiều này là một dấu hiệu cho thấy niềm tin được tăng cường về viễn cảnh kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, xu thế này một phần bắt nguồn từ chính sách tiền tệ không nhất quán của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cũng như sự đi xuống của giá dầu và những nhận định của FED về USD.

ECB, FED “lệch pha”

Ngày 5/8 vừa qua, FED duy trì lãi suất USD ở mức 2%. Hai ngày sau đó, ECB giữ lãi suất Euro ở mức 4,25%.

FED cho rằng tình trạng tín dụng thắt chặt, thị trường nhà đất đóng băng, giá nhiên liệu cao sẽ tiếp tục đe dọa tăng trưởng kinh tế trong vòng vài quý tới đây, đồng thời dự báo lạm phát sẽ xuống thang trong 18 tháng tới. ECB cũng nghiêng về những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone. Mới đây, Italy đã công bố số liệu cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng âm, còn Đức cũng phát đi những dữ liệu về một nền kinh tế giảm tốc.

Các nhà chiến lược đầu tư cho rằng, động thái tiếp theo của FED sẽ là tăng lãi suất, trong khi ECB có vẻ nghiêng về khả năng cắt giảm lãi suất trong năm tới. Dự báo này đã góp phần dẫn tới việc các nhà đầu tư bán tháo Euro trong ngày 8/8 và đẩy đồng tiền này mất giá xa hơn trong những ngày tiếp theo.

Chỉ số USD của sàn giao dịch kỳ hạn New York Board of Trade - hàn thử biểu phản ánh giá trị USD so với các ngoại tệ mạnh khác - đã tăng 0,37% chỉ trong ngày 11/8, sau khi đã tăng 3,3% trong tuần kết thúc ngày 8/8. Ngày 12/8, USD đã phục hồi tới mức 1 Euro bằng 1,4816 USD, cao nhất trong vòng 5 tháng rưỡi trở lại đây.

“Sự phục hồi của USD bắt nguồn chủ yếu từ những kỳ vọng của thị trường cho rằng, lãi suất USD đã chạm đáy, cùng với khả năng ECB sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ”, nhà chiến lược chứng khoán quốc tế Alec Young tại công ty nghiên cứu Poor’s Equity Research Services nhận định.

Một số chuyên gia khác thậm chí còn cho rằng, xu thế đi xuống kéo dài nhiều năm của USD đã kết thúc và đồ thị diễn biến giá trị của đồng tiền này đang ở thời kỳ “vẽ đáy”. Tuy nhiên, sự phục hồi của USD hiện vẫn chủ yếu được “chèo lái” bởi những nhà đầu tư ngắn hạn, thay vì những nhà đầu tư dài hạn. Hiện các nhà đầu tư dài hạn vẫn cho rằng, đồng USD rồi sẽ lại mất giá so với Euro.

“Tôi không cho rằng, người ta đang mua vào USD với ý nghĩ rằng sự phục hồi của đồng tiền này sẽ là dài hạn. Tôi cho rằng, đây sẽ chỉ là xu hướng ngắn hạn”, nhà phân tích Meg Browne tại công ty Brown Brothers Harriman cho biết.

Giá dầu giảm

Theo giới quan sát, sự mất giá nhanh chóng của dầu thô và các hàng hóa khác trong những tuần gần đây cũng góp phần vào sự “trỗi dậy” của USD, do giá các mặt hàng này chủ yếu được tính bằng đồng USD.

“Trong vòng nhiều tháng qua, cứ mỗi khi giá hàng hóa tăng, đồng USD lại có xu hướng mất giá và ngược lại”, ông Ihab Salib, Giám đốc danh mục đầu tư kiêm phụ trách mảng thị trường trái phiếu quốc tế tại công ty đầu tư Federated Investors tại Pittsburgh (Mỹ) nhận xét.

Tuy nhiên, chuyên gia này không chắc chắn về việc có mối liên hệ trực tiếp giữa sức khỏe của USD và giá hàng hóa, mà chỉ khẳng định giá hàng hóa hiện nay đi xuống là do tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Ông nói thêm: “Nếu giá hàng hóa còn giảm, chắc chắn giá USD sẽ còn tăng”.

Thái độ của FED

Một lý do khác khiến USD “bật dậy” là do thái độ ủng hộ đồng USD mạnh phát đi từ Bộ Tài chính Mỹ và FED trong những tháng gần đây. “Rất hiếm khi FED bàn đến chuyện giá trị của USD”, nhà tư vấn tài chính Carmine D’Avino tại công ty Pinnacle Associates cho biết. Tuy nhiên, hôm 6/3 vừa qua, Chủ tịch FED Ben Bernanke đã bày tỏ quan điểm lo ngại của ông về việc đồng USD mất giá làm tăng thêm áp lực lạm phát.

Chuyên gia Frank Trotter thuộc Ngân hàng EverBank ở bang Florida (Mỹ) thì cho rằng, đợt mất giá vừa qua của USD đã đi quá xa do giá dầu tăng cao và tình hình khủng hoảng tài chính trầm trọng thêm. Do đó, đồng tiền này sẽ còn tiếp tục phục hồi trong quý 3 năm nay và thậm chí là sang cả quý 4.

Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng tình hình căn bản của kinh tế Mỹ vẫn có thể khiến USD mất giá trong dài hạn.

Ông Trotter đã đề cập đến chính sách tài khóa của Mỹ, đặc biệt là vấn đề thâm hụt thương mại, như lý do chính khiến USD trượt giá trong suốt 6 năm qua và trong vài năm tới đây nữa. Mặt khác, ông cũng cho rằng, cơ hội cho các nhà đầu tư tại các thị trường khác trên thế giới là tốt hơn đầu tư vào Mỹ. “Đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Trung Quốc, Singapore, Australia, Ấn Độ, thậm chí là Thái Lan và Malaysia thuận lợi hơn vì tốc độ tăng trưởng ở đó cao hơn”, ông nói.

Cũng theo chuyên gia này, cho dù ai sẽ là người thắng cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 năm nay, thâm hụt ngân sách Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng trong vòng vài năm tới. Đây cũng là một nhân tố khiến USD còn mất giá trong dài hạn.

Nhà phân tích Salib của công ty Federated Investors cũng đồng tình với quan điểm này, vì cho rằng, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ còn “èo uột” trong những quý tới đây. Lãi suất USD vì thế sẽ còn được duy trì ở mức hiện tại, hạn chế sự phục hồi của “bạc xanh”.

(Theo Business Week)