09:24 19/03/2008

Ba mâu thuẫn lớn trên thị trường ngoại tệ

Nguyễn Hà

Việt Nam là một nền kinh tế nhập siêu nhưng hiện nay lại đang dư thừa ngoại tệ

Giá USD so với VND đang giảm mạnh.
Giá USD so với VND đang giảm mạnh.
Tại cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước chiều ngày 15/3/2008, Thủ tướng chỉ đạo cần có biện pháp để các ngân hàng thương mại tiếp tục mua ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thời gian qua, các doanh nghiệp này không bán được ngoại tệ và đã phải "kêu cứu" lên Chính phủ và tỷ giá xuống thấp.

Đó là một vấn đề lớn dư luận đang hết sức quan tâm, song nhìn bề ngoài trên thị trường ngoại tệ hiện nay còn thấy một số mâu thuẫn lớn sau đây.

Mâu thuẫn đầu tiên ở chỗ, Việt Nam là một nền kinh tế nhập siêu, thường xuyên thâm hụt cán cân thương mại, nhưng lại đang có "nghịch lý lớn" là từ đầu năm 2007, đặc biệt từ đầu tháng 3/2008 đến nay cung ngoại tệ lại lớn hơn cầu, xảy ra tình trạng thừa ngoại tệ.

Tình hình đó làm cho tỷ giá VND/USD giảm mạnh trên cả 3 thị trường: thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường mua bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp và tỷ giá trên thị trường tự do.

Chỉ tính từ đầu tháng 3/2008 đến nay, tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá thực tế tính cả phí mà các ngân hàng thương mại mua USD của các doanh nghiệp giảm khoảng 400 VND/USD, tương đương với mức giảm trên 3%.

Tính cân đối chung, Việt Nam thặng dư cán cân vãng lai khoảng 6,6 tỷ USD trong năm 2007. Nếu trừ đi số ngoại tệ người Việt Nam đi du học, đi du lịch và chữa bệnh nước ngoài, ngoại tệ sử dụng cho buôn lậu... thì thặng dư cán cân vãng lai cũng phải tới 3-4 tỷ USD. Với cách tính tương tự thì thặng dư cán cân vãng lai trong quý 1/2008 ước tính khoảng 1,0 tỷ USD.

Đây là lý do thứ nhất lý giải vì sao cung ngoại tệ tăng mạnh!

Lý do thứ hai là do sự biến đổi ngược chiều nhau của lãi suất, tỷ giá giữa USD và VND, nên người dân chuyển đổi từ cất trữ tài sản và đầu tư vào USD qua việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại bằng USD sang VND. Trong khi đó doanh nghiệp thích vay USD hơn vay VND. Hai nhân tố này làm cho cung ngoại tệ tăng mạnh.

Mâu thuẫn thứ hai là, lãi suất cho vay vốn ngoại tệ đang diễn ra trái thông lệ ở nước ta từ trước đến nay. Bởi vì từ khi đổi mới hoạt động ngân hàng vào năm 1988 đến nay, các ngân hàng thương mại cho vay vốn USD theo lãi suất thả nổi hay cố định đều dựa trên nguyên tắc: lãi suất thị trường liên ngân hàng Singapore (Sibor) kỳ hạn 1 năm cộng với 1,5% - 2,0%/năm.

Lãi suất Sibor kỳ hạn 1 năm hiện nay khoảng 3,4% - 3, 6%/năm, với tỷ lệ trên thì lãi suất cho vay chỉ khoảng 5,1% - 5,6%/năm. Nhưng hiện nay lãi suất cho vay thấp nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước đang là 6,45%/năm - 8,5%/năm, của các ngân hàng thương mại cổ phần từ 6,8%/năm - 9,0%/năm.

Như vậy trong khi lãi suất USD của FED và lãi suất Sibor giảm thì lãi suất cho vay USD của nước ta lại tăng và tăng cao, cao hơn thông lệ tại chính thị trường ngoại tệ nước ta khoảng 1,35%/năm - 3,4%/năm.

Do đó giá thành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ cao hơn, nói cách khác là thu lợi nhuận thấp hơn. Hàng hoá xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam có nguyên nhiên vật liệu và máy móc thiết bị phải sử dụng vốn vay USD kém sức cạnh tranh hơn so với các đối tác khu vực.

Có 3 nguyên nhân của tình trạng trên.

Nguyên nhân đầu tiên là từ đầu tháng 2/2008, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ không kỳ hạn đến có kỳ hạn dưới 12 tháng tăng từ 10% lên 11%, tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 4% lên 5%. Các mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc này cũng tăng gấp hơn 2 lần so với mức đầu năm 2007.

Nguyên nhân thứ hai là nguồn vốn USD trong các ngân hàng thương mại khan hiếm do người dân rút ra bán đi chuyển đổi sang VND.

Nguyên nhân thứ ba là doanh nghiệp thích vay vốn ngoại tệ hơn so với vốn VND.

Mâu thuẫn thứ ba là, trong khi cung ngoại tệ trên thị trường tăng mạnh, có tình trạng thừa ngoại tệ, tỷ giá VND/USD xuống quá thấp, nhưng vốn USD của các ngân hàng thương mại lại khan hiếm, lãi suất huy động vốn và cho vay vốn USD tăng cao!

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do các ngân hàng thương mại huy động được vốn ngoại tệ thì cho vay vốn ngoại tệ, không thể dùng vốn kinh doanh ngoại tệ do mua được trên thị trường để cho vay. Tức là huy động vốn USD bên phía tài sản nợ của ngân hàng thương mại thể hiện bằng USD thì về danh mục tài sản có cũng phải thể hiện là USD, tức là cho vay hay đầu tư trên thị trường tiền gửi... cũng phải bằng USD.

Trong khi đó với nghiệp vụ mua bán ngoại tệ, ngân hàng thương mại luôn luôn phải đảm bảo ngoại hối dao động quanh mức 30% so với vốn tự có của ngân hàng thương mại đó để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ của mình cũng như của nền kinh tế.

Việt Nam neo giữ tỷ giá VND/USD quá lâu, không đúng với diễn biến của thị trường hối đoái quốc tế trong khi USD giảm giá mạnh trong hơn 2 năm qua là nguyên nhân quan trọng gây nên lạm phát cao hiện nay. Bởi vì việc neo ghìm giữ tỷ giá VND/USD quá lâu cũng làm cho hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam tăng giá, cũng góp phần gây nên lạm phát.

Đến nay thì Ngân hàng Nhà nước lại hạn chế quá mức việc mua USD, làm cho tỷ giá sụt giảm nhanh. Thực tế hiện nay nếu Ngân hàng Nhà nước để tỷ giá diễn biến theo đúng cung cầu ngoại tệ theo chỉ đạo của Chính phủ, không neo giữ tỷ giá bằng việc công bố tỷ giá liên ngân hàng không sát thực tế và biên độ mặc dù đã được điều chỉnh lên +/-1% nhưng vẫn quá chật hẹp... thì tỷ giá mua bán USD của ngân hàng thương mại với doanh nghiệp còn giảm mạnh hơn.

Theo hướng đó tỷ giá VND/USD giảm, sẽ làm giảm chi phí hàng hoá, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu khi tính ra VND. Đây là xu hướng chung trên thế giới khi mà USD đang suy yếu, mất giá mạnh với hầu hết các loại ngoại tệ chủ đạo.

Một chính sách được thực thi đều có tác động hai chiều tích cực và hạn chế. Sự phản ứng của dư luận được một số người cho là do các nhóm lợi ích khác nhau, nhưng đứng trên góc độ vĩ mô toàn cảnh của nền kinh tế thì phải cân nhắc xem lợi ích chung và dự báo diễn biến trong trung dài hạn.

Nếu Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ vào thì phải cung ứng khối lượng rất lớn tiền VND ra lưu thông, gây sức ép lên lạm phát tiền tệ, nhưng nếu không mua USD vào thì tỷ giá xuống quá thấp và tình trạng đôla hoá tăng cao.

Việt Nam là nền kinh tế nhập siêu ở mức độ lớn, vay nợ nước ngoài còn cao, nên cần rút ra bài học kinh nghiệm từ chính mình trong điều hành tỷ giá các năm qua, đặc biệt là bơm tiền VND ra quá lớn, dồn dập để neo giữ tỷ giá cứng nhắc trong những tháng đầu năm 2007 vừa qua.