10:34 02/10/2007

“Ba nguồn kinh phí hỗ trợ nạn nhân vụ sập cầu”

Dũng Hiếu

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ có ba nguồn kinh phí hỗ trợ lao động bị nạn trong vụ sập cầu Cần Thơ

"Trường hợp người lao động tử vong sẽ được chi trả mai táng phí, tiền tử tuất, trợ cấp cho thân nhân".
"Trường hợp người lao động tử vong sẽ được chi trả mai táng phí, tiền tử tuất, trợ cấp cho thân nhân".
"Không một cá nhân hay đơn vị nào có thể né tránh trách nhiệm với người lao động trong vụ sập cầu Cần Thơ", ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định.

>>Theo dòng sự kiện

Trước khi xảy ra vụ tai nạn sập cầu Cần Thơ, được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay của ngành cầu đường Việt Nam, nguyên nhân đã được cảnh báo trước, đánh giá của cơ quan chức năng về vấn đề này như thế nào?

Đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Vĩnh Long đang chủ trì việc thu thập hồ sơ chứng cứ liên quan đến vụ tai nạn này. Theo đánh giá ban đầu, để xảy ra vụ tai nạn này là do lỗi của phía chủ sử dụng lao động. Cụ thể, trước khi đưa vào vận hành, bộ phận giám sát xây dựng giàn giáo đã không kiểm tra chất lượng.

Ai sẽ đứng ra bảo vệ người lao động bị nạn trong vụ việc này?

Với chức năng của mình, Tổng liên đoàn sẽ giám sát việc thực thi chế độ, chính sách cho những người lao động bị nạn và thân nhân của họ trong vụ tai nạn này.

Theo tôi, không một cá nhân hay đơn vị nào có thể né tránh trách nhiệm với người lao động.

Trước mắt, gia đình và những người lao động bị nạn sẽ được hỗ trợ như thế nào?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, trước tiên sẽ phải tập trung cho công tác cứu hộ tìm kiếm lao động bị nạn và công tác cứu chữa cho các bệnh nhân tại các bệnh viện. Các chi phí về sơ cấp cứu ban đầu, thuốc men điều trị đến khi phục hồi sức khoẻ và mai táng phí cho người tử nạn, thân nhân và người lao động hoàn toàn không phải chi trả.

Để hỗ trợ cho các gia đình và thân nhân lao động bị nạn, Chính phủ đã chỉ đạo huy động 3 nguồn: hoạt động từ thiện trên cả nước, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả theo chính sách hiện hành, chính quyền địa phương trợ giúp xây dựng nhà cửa.

Trước mắt, từ 3 nguồn này, gia đình có người bị chết hoặc bị thương đều được hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng.

Còn theo chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động và gia đình họ sẽ được hỗ trợ những gì?

Chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc rà soát chế độ chính sách cho gia đình và người lao động bị nạn. Nếu chủ sử dụng lao động có ký hợp đồng lao động và mua bảo hiểm cho họ thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ phải chi trả đầy đủ các chi phí theo Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, đối với trường hợp tử vong sẽ được chi trả mai táng phí, tiền tử tuất, trợ cấp cho thân nhân. Đối với người bị thương sẽ được trả chi phí điều trị, thuốc men. Khi có kết quả giám định thương tật, tuỳ theo tỷ lệ, người lao động sẽ được trợ cấp hàng tháng.

Với những người lao động thời vụ, không được chủ mua bảo hiểm, nhưng tai nạn xảy ra do lỗi của chủ sử dụng, thì phía chủ sử dụng cũng sẽ phải chi trả mọi khoản chi phí như cơ quan bảo hiểm. Ngoài ra, ở những vụ tai nạn lao động mà do lỗi của phía chủ sử dụng lao động, họ còn có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bằng 30 tháng tiền lương.