12:13 24/07/2008

“Ba ưu điểm của vốn tín dụng ODA”

Nguyễn Hoài

Trưởng ban Quản lý các dự án tín dụng quốc tế nói về những ưu điểm của vốn tín dụng ODA trong giai đoạn hiện nay

"Nếu so sánh với nguồn vốn huy động từ cổ phần hóa hoặc phát hành cổ phiếu thì vốn tín dụng ODA không bị áp lực lớn từ các cổ đông".
"Nếu so sánh với nguồn vốn huy động từ cổ phần hóa hoặc phát hành cổ phiếu thì vốn tín dụng ODA không bị áp lực lớn từ các cổ đông".
Vốn tín dụng ODA được coi là nguồn vốn nhiều ưu điểm so với vốn ODA thông thường và các nguồn vốn khác.

Nhưng để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, công tác triển khai là một trong những nhân tố quan trọng dẫn tới thành công và cần có sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức có liên quan.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với bà Vũ Phương Liên, Trưởng ban Quản lý các dự án tín dụng quốc tế, Ngân hàng Nhà nước, về vấn đề này.

Thưa bà, ưu điểm của vốn tín dụng ODA so với vốn ODA thông thường và các nguồn vốn khác là gì? Nhu cầu đối với nguồn vốn này hiện như thế nào?

Nền kinh tế Việt Nam hiện chưa xác lập được sự ổn định lâu dài, người  gửi tiền không muốn gửi lâu đến mức 5 năm hay 10 năm và các ngân hàng thương mại chưa thể nào huy động được nguồn vốn với quãng thời gian dài.

Như vậy thì nguồn lực tài  chính từ các dự án tín dụng ODA với lãi suất thấp, thời hạn vay vài chục năm, chẳng hạn như dự án tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 1 và 2 (SMEFP 1 và 2) của Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam thông qua Ngân hàng JBIC là vô cùng quý giá.

Về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không những chủ động được nguồn vốn dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, mà còn nhận được các hỗ trợ phi tài chính để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Còn các ngân hàng thương mại tham gia dự án cũng có thêm nguồn lực tài chính dài hạn với chi phí vốn thấp, có thể quay vòng để cho vay nhiều doanh nghiệp hơn.

Thứ hai, nếu so sánh với nguồn vốn huy động từ cổ phần hóa hoặc phát hành cổ phiếu thì vốn tín dụng ODA không bị áp lực lớn từ các cổ đông. Chưa kể, không phải lúc nào cũng có thể cổ phần hóa hay phát hành cổ phiếu để thu hút vốn khi mà thị trường chứng khoán đang trồi sụt như hiện nay.

Thứ ba, nguồn vốn tín dụng ODA mở rộng phạm vi sử dụng đến nhiều đối tượng như ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn để phục vụ mục đích phát triển kinh tế; không giống nhiều dự án ODA khác là đối tượng thụ hưởng, mục đích sử dụng vốn được định trước theo ý muốn chủ quan của nhà tài trợ và thêm nhiều điều kiện như tư vấn, trang thiết bị sử dụng cho dự án phải nhập từ các nước cung cấp nguồn vốn đó.

Mặc dù Việt Nam đã tiếp nhận vốn tín dụng ODA được hơn 10 năm, nhưng hiện tại, số doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn này chỉ chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong nền kinh tế.

Bà có nhắc đến SMEFP 1 và 2, vậy quy mô của dự án này như thế nào? Kết quả giải ngân ra sao?

Từ năm 1999 đến nay, Việt Nam chính thức tiếp nhận dự án tài chính SMEFP 1 và 2 do Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hàng JBIC. Đây là dự án cho vay theo 2 bước: Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận nguồn vốn từ JBIC và cho các định chế tài chính vay lại; sau đó, các định chế tài chính này cho vay tiếp đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự án SMEFP 1 có tổng số vốn cam kết là 4 tỷ Yên bắt đầu giải ngân từ năm 2002 và kết thúc giải ngân toàn bộ số vốn cam kết vào năm 2005. Hiện dự án SMEFP I vẫn đang tiếp tục giải ngân trong phạm vi nguồn vốn quay vòng của dự án.

Dự án SMEFP 2 có tổng số vốn cam kết 6,1 tỷ Yên, chính thức giải ngân từ 2007 đến nay đã giải ngân được hơn 90% tổng số vốn cam kết. Dự kiến dự án SMEFP 2 sẽ hoàn tất giải ngân trước thời hạn.

Kêu gọi vốn đã khó nhưng việc sử dụng vốn hiệu quả còn khó hơn. Bà có khuyến cáo gì đối với các định chế tài chính và doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn?

Trong quá trình triển khai dự án này, chúng tôi đã học hỏi kinh nghiệm các nước và thấy rằng: Nhà nước cần có chiến lược phát triển đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và nên chia thành nhiều mảng.

Chẳng hạn, với mảng tín dụng, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về thông tin và nguồn vốn. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa làm ăn giỏi, ý tưởng kinh doanh tốt nhưng làm thế nào để có bộ hồ sơ vay vốn tốt thì không phải doanh nghiệp nhỏ và vừa nào cũng có kinh nghiệm.

Mặt khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có chiến lược phát triển cho mình, chẳng hạn như đầu tư vào lĩnh vực nào, tiếp cận với thị trường ra sao... và điều này lại phải có các cơ quan đầu mối hỗ trợ thông tin. Nhiều khi, những cơ quan hỗ trợ thông tin này còn đóng vai trò cầu nối trong việc xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa ra bên ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa và ngân hàng phải có mối quan hệ gắn bó với nhau. Cán bộ tín dụng phải có khả năng xây dựng phương án tối ưu cho từng dự án để tư vấn tốt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử, muốn xuất khẩu hàng hóa vào một thị trường nào đó, ngân hàng cần biết rõ tiềm năng thị trường đó phù hợp với loại hàng hóa gì, phương thức thanh toán ra sao, sử dụng đồng tiền nào.

Thưa bà, những yếu tố trên có phải là cơ sở để nhà tài trợ tiếp tục giải ngân giai đoạn 3?

Vừa rồi, phía JBIC có đến làm việc với Ban quản lý dự án tín dụng quốc tế Ngân hàng Nhà nước nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của SMEFP 2 để triển khai xây dựng đề xuất dự án SMEFP 3.

Chúng tôi vẫn khẳng định với họ rằng hiện nay và trong tương lai, nhu cầu nguồn vốn này vẫn rất lớn, bởi mới chỉ có rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ODA.