Ba xu hướng định hình bối cảnh thanh toán ở Đông Nam Á
Thị trường thanh toán ở Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua. Khi đại dịch Covid-19 đẩy nhanh quá trình số hóa các doanh nghiệp, việc áp dụng nhiều phương thức thanh toán mới cũng đạt được những bước tiến nhất định…
Theo Tech Wire Asia, trước đại dịch, các phương thức thanh toán như ví điện tử vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Khi đại dịch xảy ra, các phương thức thanh toán kỹ thuật số lại trở nên thiết yếu đối với tất cả mọi người.
Tại thị trường Đông Nam Á, sự tăng trưởng của fintech đã dẫn đến một vài xu hướng thanh toán mới đạt được sức hút và định hình lại toàn bộ bối cảnh ngành công nghiệp. Những xu hướng mới này không chỉ nâng cao trải nghiệm thanh toán mà còn khiến các ngân hàng truyền thống và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán khác phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận đã cũ.
Theo báo cáo từ Endava, tốc độ phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực trong thời kỳ đại dịch là một trong những lý do chính khiến thị trường thanh toán đang phải đối mặt với sự thay đổi mang tính cách mạng.
Mặt khác, tiền mặt vẫn đóng một vai trò thanh toán quan trọng, đặc biệt là tại địa phương không có ngân hàng. Trong khi một số thị trường trưởng thành như Singapore và Malaysia hướng tới mục tiêu không dùng tiền mặt, các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia và Philippines vẫn có tỷ lệ không dùng tài khoản ngân hàng cao, thực trạng mà chính phủ cũng như khối tư nhân đang hy vọng giải quyết.
THANH TOÁN XUYÊN BIÊN GIỚI
Nhìn vào bối cảnh thanh toán, ông Adrian Bugaian, Đối tác thương mại tại Endava, đã phát hiện ra ba xu hướng chính định hình ngành ở Đông Nam Á. Đầu tiên là thanh toán quốc gia và xuyên biên giới.
"Cho dù đó là vấn đề về phương thức hay xử lý dữ liệu, chúng ta nên mong đợi những năm tới sẽ chứng kiến sự thay đổi liên tục đối với hình thức thanh toán theo thời gian thực. Mặc dù Đông Nam Á đã xuất hiện thanh toán theo thời gian thực từ những năm 2000, nhưng chính sự phát triển gần đây của công nghệ di động đã khiến cho hình thức này dễ tiếp cận hơn và đóng vai trò ngày càng quan trọng", vị chuyên gia cho biết.
Ngày nay, thanh toán xuyên biên giới theo thời gian thực không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế số mà còn khiến các ngân hàng suy nghĩ lại về cách tiếp cận vấn đề. Ví điện tử đang cho phép người dùng chuyển tiền trong khu vực theo thời gian thực trong khi thanh toán QR đang cung cấp tiền với tốc độ nhanh hơn nhiều.
Từ quan điểm của ông Bugaian, thanh toán xuyên biên giới theo thời gian thực đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là trong trường hợp chi phí rút tiền bằng thẻ đắt đỏ đối với người bán hoặc hạn chế tiền mặt đối với khách hàng.
"Lợi ích của thanh toán theo thời gian thực là rõ ràng và hữu hình cho tất cả các bên. Tuy nhiên, việc thực hiện thanh toán đi kèm với một điều kiện: hệ sinh thái tại địa phương phải sẵn sàng áp dụng. Các ngân hàng cần sẵn sàng kết nối, trong khi các thương gia và khách hàng của họ cần có khả năng và sẵn sàng tham gia vào các giao dịch số - một phần được thực hiện dễ dàng hơn với sự tăng tốc của công nghệ di động”.
MUA TRƯỚC, TRẢ SAU
Xu hướng tiếp theo là mua trước trả sau (BNPL). BNPL đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á bằng cách cung cấp một công cụ nâng cao hiệu quả thị trường, tăng khả năng cạnh tranh giữa các công ty thương mại điện tử và thúc đẩy tài chính toàn diện.
Theo ông Bugaian, BNPL có thể hữu ích cho cả thị trường B2B và B2C ở Đông Nam Á, nơi nhiều người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, không có quyền truy cập vào hình thức tín dụng truyền thống hoặc không đủ khả năng thanh toán cho các giao dịch mua lớn cùng một lúc. Đối với khách hàng, BNPL cung cấp khả năng tín dụng dễ dàng, từ đó giúp họ tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ cần thiết.
Nhà phân tích Bugaian cũng chỉ ra rằng BNPL có một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tài chính toàn diện của khu vực. Bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng một hình thức khác để tiếp cận tín dụng, BNPL hỗ trợ giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức tài chính truyền thống và giúp người dân sử dụng dịch vụ tài chính dễ dàng hơn. Nói cách khác, BNPL thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế.
Ông Bugaian nhấn mạnh rằng cần có một số quy định kiểm soát BNPL. Về cơ bản, các quy định này sẽ tập trung vào việc bảo vệ người tiêu dùng để họ không chi tiêu quá mức, đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ ổn định về tài chính và tránh khỏi hoạt động cho vay săn mồi.
“Bất chấp những tranh cãi, chúng ta thấy BNPL đóng một vai trò quan trọng trong những năm tới vì nhiều lý do. Hình thức thanh toán này hỗ trợ cho những người gặp khó khăn về tài chính dễ dàng tiếp cận tín dụng, cũng như giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn hơn”.
Tất nhiên, các nhà quản lý sẽ cần đảm bảo rằng nhà cung cấp dịch vụ có các phương tiện cần thiết và người dùng không lạm dụng dịch vụ.
THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ THANH TOÁN DI ĐỘNG
Cuối cùng, bối cảnh thanh toán sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự phát triển của thương mại điện tử và thanh toán di động. Tại Châu Á Thái Bình Dương, ví kỹ thuật số và ví di động chiếm 69% tổng số thanh toán thương mại điện tử vào năm 2022. Con số này dự kiến đạt 72% vào năm 2025.
Ông Bugaian nhận thấy mối tương quan chặt chẽ giữa sự phát triển của siêu ứng dụng và sự trỗi dậy của thương mại điện tử. Vì cả hai đều có các yếu tố dẫn đến thành công, bao gồm sự phát triển của internet di động, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, sự gia tăng của thương mại điện tử và sự phổ biến của phương tiện truyền thông xã hội. Siêu ứng dụng đã mở ra những cách thức mới, dễ tiếp cận và thuận tiện cho thương mại điện tử, trong khi thương mại điện tử là một tính năng khác cho các siêu ứng dụng nhằm thu hút người dùng.
"Nhu cầu về thương mại điện tử tiếp tục tăng lên mỗi ngày, vì vậy các thương gia, cũng như đối tác thanh toán và công nghệ cần phải chuẩn bị cho con đường phía trước. Khách hàng hiện nay có nhiều cách thanh toán hơn bao giờ hết. Đối với người bán, theo kịp các phương thức thanh toán sáng tạo có thể là một thách thức nhưng cũng là một hướng phát triển để đạt được lợi thế cạnh tranh. Nếu người bán chấp nhận nhiều cách thanh toán khác nhau, ngoài tiền mặt hoặc thẻ, sẽ giúp tăng cơ sở khách hàng và cải thiện trải nghiệm mua sắm. Để thành công, nắm bắt không gian kỹ thuật số cần phải là một phần của chiến lược tiếp cận thị trường ban đầu, không phải là một suy nghĩ bổ sung".