Bài học mang tên Lehman Brothers
“Chìm xuồng” với khoản nợ khổng lồ 613 tỷ USD, vụ phá sản của Lehman là lớn nhất trong lịch sử
Thua lỗ nặng nề, không thể huy động được vốn, lựa chọn cuối cùng cho Lehman Brothers là tiến hành các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật Mỹ.
“Chìm xuồng” với khoản nợ khổng lồ 613 tỷ USD, vụ phá sản của Lehman Brothers được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử. Với sự tan rã của Bear Stearn, Lehman và Merrill Lynch, trong vòng 6 tháng qua, số ngân hàng đầu tư của Phố Wall đã giảm từ 5 xuống còn 2. Hai cái tên còn lại là Goldman Sachs và Morgan Stanley*.
Theo giới phân tích, số phận đáng buồn của ngân hàng đầu tư lớn thứ tư nước Mỹ hàm chứa nhiều bài học và những lời cảnh báo dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính nước này.
Canh bạc lớn
Các nhà quan sát cho rằng, lý do Lehman bị cơn bão khủng hoảng tài chính làm sụp đổ là vì ngân hàng này đã liều mình tham gia và rồi thua cuộc trong một trò chơi đầy mạo hiểm, với những khoản đầu tư có khả năng đem lại lợi nhuận cực cao nhưng cũng vì thế mà có độ rủi ro cực lớn. Để có tiền cho những “canh bạc” này, Lehman chủ yếu… vay nợ.
Do 3 anh em nhà Lehman nhập cư từ Đức vào Mỹ thành lập vào năm 1850, Lehman Brothers ban đầu là một công ty buôn bán bông, về sau hoạt động chính trong lĩnh vực giao dịch trái phiếu. Mảng kinh doanh trái phiếu từng một thời là niềm tự hào của Lehman, trước khi tập đoàn này mở rộng hoạt động sang lĩnh vực khác, trong đó có kinh doanh chứng khoán phát hành dựa trên nợ dưới chuẩn nhiều rủi ro.
“Chìm xuồng” với khoản nợ khổng lồ 613 tỷ USD, vụ phá sản của Lehman Brothers được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử. Với sự tan rã của Bear Stearn, Lehman và Merrill Lynch, trong vòng 6 tháng qua, số ngân hàng đầu tư của Phố Wall đã giảm từ 5 xuống còn 2. Hai cái tên còn lại là Goldman Sachs và Morgan Stanley*.
Theo giới phân tích, số phận đáng buồn của ngân hàng đầu tư lớn thứ tư nước Mỹ hàm chứa nhiều bài học và những lời cảnh báo dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính nước này.
Canh bạc lớn
Các nhà quan sát cho rằng, lý do Lehman bị cơn bão khủng hoảng tài chính làm sụp đổ là vì ngân hàng này đã liều mình tham gia và rồi thua cuộc trong một trò chơi đầy mạo hiểm, với những khoản đầu tư có khả năng đem lại lợi nhuận cực cao nhưng cũng vì thế mà có độ rủi ro cực lớn. Để có tiền cho những “canh bạc” này, Lehman chủ yếu… vay nợ.
Do 3 anh em nhà Lehman nhập cư từ Đức vào Mỹ thành lập vào năm 1850, Lehman Brothers ban đầu là một công ty buôn bán bông, về sau hoạt động chính trong lĩnh vực giao dịch trái phiếu. Mảng kinh doanh trái phiếu từng một thời là niềm tự hào của Lehman, trước khi tập đoàn này mở rộng hoạt động sang lĩnh vực khác, trong đó có kinh doanh chứng khoán phát hành dựa trên nợ dưới chuẩn nhiều rủi ro.
Trong thời gian tồn tại của mình, Lehman đã không ít lần gặp khủng hoảng, nhưng đều đã vượt qua nhờ có tiếng là một ngân hàng đầu tư khôn ngoan và quản lý tốt, tất nhiên là trừ lần khủng hoảng này.
Vào thập niên 1980, trong Lehman xảy ra mâu thuẫn nội bộ khá sâu sắc. Khi đó, Dick Fuld, người hiện là CEO của Lehman, còn là người đứng đầu bộ phận giao dịch trái phiếu. Còn bộ phận ngân hàng của Lehman do hai nhân vật có tên Steve Schwarzman và Pete Peterson đứng đầu.
Ở thời điểm đó, Fuld là người cực kỳ thận trọng. Bộ phận ngân hàng chủ trương sử dụng nguồn vốn của chính Lehman để thực hiện các vụ làm ăn có tính rủi ro cao, nhưng Fuld đã kiên quyết phản đối ý tưởng này.
Sau đó, do suy yếu vì mâu thuẫn nội bộ, Lehman Brothers bị bán lại cho hãng thẻ tín dụng American Express vào năm 1984. Fuld tiếp tục ở lại trong Lehman, còn Schwarzman and Peterson ra đi để thành lập quỹ đầu tư Blackstone và trở thành hai tỷ phú.
Vào năm 1994, American Express từ bỏ chiến lược “siêu thị tài chính” của mình. Kết quả, một công ty nhỏ, thiếu vốn tách ra từ tập đoàn này, với tên gọi ban đầu là Lehman Brothers. Đó là lý do tại sao, nhiều người vẫn nói rằng, Lehman không phải là một ngân hàng đầu tư 158 tuổi, mà chỉ là một công ty 14 tuổi với cái tên 158 tuổi.
Sự thay đổi trong cách nhìn của CEO Fuld là một trong những lý do đẩy Lehman vào bi kịch hiện nay.
Từ chỗ là một người thận trọng, theo thời gian, Fuld trở thành một CEO liều lĩnh. Bởi thế, mô hình làm ăn kiểu đi vay kết hợp đầu tư rủi ro của Lehman liên tục “phình ra”, thậm chí cả khi các doanh nghiệp khác trong ngành tài chính cắt giảm hoạt động này trong hoàn cảnh khủng hoảng tín dụng mỗi lúc thêm trầm trọng.
Lehman đã vay quá nhiều vốn và dùng phần lớn khoản tiền này vào những vụ đầu tư các loại tài sản có chất lượng đáng ngờ, rồi chờ mất vài tháng để khẳng định rằng, tình hình vẫn ổn, trong khi thực tế không phải vậy.
Mùa hè năm ngoái, khi khủng hoảng bắt đầu tấn công vào Phố Wall, Fuld khẳng định, đó chỉ là những rắc rối ngắn hạn và những công ty dám chấp nhận rủi ro lớn sẽ là những người thu lợi lớn một khi khủng hoảng chấm dứt. Do đó, Lehman đã tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào các loại chứng khoán phái sinh phát hành dựa trên nợ cầm cố.
Còn vào tháng 10 năm ngoái, giữa lúc giá địa ốc ở Mỹ rơi tự do, Lehman đã chi tới 22,2 tỷ USD để mua lại một công ty đầu tư phát triển nhà chung cư lớn là Archstone. Vụ làm ăn này ngay lập tức đem lại thua lỗ.
Đó là những sai lầm quá lớn. Từ đó trở đi, Lehman liên tục lỗ đậm.
Cùng với đà leo thang của khủng hoảng, các loại chứng khoán này liên tục sụt giá và trở thành liều thuốc độc đối với khả năng thanh khoản của Lehman. Riêng trong quý 3 vừa qua, Lehman đã chịu khoản thua lỗ 3,93 tỷ USD, nặng nhất trong lịch sử của tập đoàn.
Giá cổ phiếu của Lehman kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này giảm 94,25%, chỉ còn 0,21 USD/cổ phiếu. Sự sụp đổ của Lehman không chỉ khiến các cổ đông điêu đứng, mà còn khiến 25.000 nhân viên của tập đoàn lâm vào cảnh thất nghiệp.
FED không phải là “ông tiên”
Hồi tháng 3 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ cung cấp những khoản vay lớn cho các ngân hàng đầu tư đủ tiêu chuẩn trong trường hợp có sự cố xảy ra. Chính sách mới này được đưa ra sau khi FED và Bộ Tài chính Mỹ dàn xếp để JPMorgan Chase mua lại Bear Stearns nhằm tránh một vụ đổ vỡ gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu của tập đoàn này.
Lehman cũng đã từng hy vọng sẽ được FED cứu, tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Và với Phố Wall, đây lại là một bài học nữa: FED và Bộ Tài chính Mỹ không phải là những “ông tiên”.
Nhiều người đặt câu hỏi, vậy tại sao FED giúp Bear Stearns mà lại đứng ngoài lề vụ phá sản của Lehman Brothers? Theo giới phân tích, việc FED không can thiệp vào Lehman Brothers không có nghĩa là FED thay đổi quan điểm của mình đối với các ngân hàng đầu tư, mà là do tình hình lúc này đã thay đổi.
Hồi tháng 3, một vụ phá sản của Bear Stearn có thể có tác động tiêu cực nhiều hơn tới thị trường hơn là sự phá sản của Lehman lúc này. Vào thời điểm hiện nay, thị trường đã sẵn sàng chứng kiến tình huống phá sản của Lehman, còn vào tháng 3, nếu Bear sụp đổ hoàn toàn, đó sẽ là một cú sốc quá lớn đối với hệ thống tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.
Thêm vào đó, lượng tài sản mà Bear Stearns nắm giữ cũng chứa đựng mức độ rủi ro cao hơn rất nhiều so với những gì mà Lehman nắm giữ.
Theo ông Barry Ritholtz, CEO của công ty nghiên cứu Fusion IQ, Bear nắm giữ 9.000 tỷ USD các công cụ tài chính được biết tới với cái tên các nghiệp vụ phái sinh, và những tài sản này có mức độ chia sẻ và ràng buộc cao với các tổ chức tài chính khác. Nếu Bear phá sản, sự đổ vỡ dây chuyền là khó tránh khỏi. Trong khi đó, mức độ nắm giữ các công cụ phái sinh của Lehman chỉ bằng 1/10 so với của Bear.
“Sự phá sản của Lehman chỉ có tác động nhỏ tới hệ thống, trong khi sự đổ vỡ của Bear có thể đe dọa toàn bộ hệ thống”, ông Ritholtz nói.
Một lý do nữa là các nhà đầu tư cũng như các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hiện đã hiểu rõ hơn về những vấn đề trong hệ thống tài chính của nước này so với hồi tháng 3, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu chưa lâu.
Ngoài ra, cũng có thể do FED cũng không muốn thị trường cho rằng, FED phải ra tay cứu giúp bất kỳ một ngân hàng đầu tư gặp nguy nào. Thêm vào đó, FED cũng muốn “dành sức” để can thiệp vào thị trường trong trường hợp có những biến cố lớn hơn xảy ra.
Tới thời điểm này, chưa ai có thể khẳng định “bão tài chính” ở Mỹ liệu đã ở mức cao trào.
* Các ngân hàng đầu tư chỉ thuần về lĩnh vực này và có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất Phố Wall - được coi là những “anh tài” của trung tâm tài chính này - trước đây gồm có 5 ngân hàng là Goldman Sachs, Merill Lynch, Morgan Stanley, Bear Stearns và Lehman Brothers. Sau khi Bear Stearns bị JPMorgan Chase mua lại, Merill Lynch bị Bank of America thâu tóm, và Lehman Brothers phá sản, danh sách trên chỉ còn lại Goldman Sachs và Morgan Stanley. Những ngân hàng nổi tiếng khác như Credit Suisse, Citigroup, Deutsche Bank, JP Morgan Chase và UBS được coi là những ngân hàng có lĩnh vực hoạt động rộng, không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, do họ cũng cung cấp dịch vụ tiền gửi tiết kiệm. (Nguồn: Wikipedia).