10:19 04/01/2010

Bài học từ hỗ trợ lãi suất

Tự mô thức của gói “kích cầu” đã có trục trặc làm cho đối tượng thụ hưởng chính sách không đạt được hết lợi ích kỳ vọng

Không có gì tệ hơn việc lợi dụng nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ để đầu cơ trục lợi trong điều kiện nền kinh tế còn muôn vàn những khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, không thể trách cứ và kêu gọi nhà đầu tư hãy sống bằng lương tâm được, bởi hành vi của họ là duy lý.
Không có gì tệ hơn việc lợi dụng nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ để đầu cơ trục lợi trong điều kiện nền kinh tế còn muôn vàn những khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, không thể trách cứ và kêu gọi nhà đầu tư hãy sống bằng lương tâm được, bởi hành vi của họ là duy lý.
Bài này đưa ra một cách tiếp cận khác - cách tiếp cận vi mô - để phân tích tính hiệu quả của gói “kích cầu”, chủ yếu là gói hỗ trợ lãi suất 4% vay vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh trong năm 2009. Qua đó cho thấy không phải ngẫu nhiên mà không mấy nước áp dụng mô thức “kích cầu” này.

Mục tiêu chính sách: khoảng cách giữa thực tế và mong muốn

Mỗi chính sách của Chính phủ đều có những mục tiêu tốt, nhưng tiếc thay luôn có những khoảng cách giữa mục tiêu mong muốn và thực tế đạt được.

Gói “kích cầu” thông qua hỗ trợ 4% lãi suất cũng không là ngoại lệ. Bên cạnh một số kết quả tích cực đã đạt được thì còn nhiều hệ quả mà có lẽ ngay khi thiết kế chính sách, người làm chính sách cũng đã không thể lường trước hết được, gây tốn kém nguồn lực cho xã hội.

Vấn đề thứ nhất: Ai được hưởng lợi 17.000 tỉ đồng?

Lẽ đương nhiên, đứng về phương diện mục tiêu chính sách, đó là các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, một số ý kiến đã cho rằng chính các ngân hàng cũng hưởng lợi không ít từ chính sách này, liệu có đúng không? Trong khi chính các quan chức Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định rằng, các ngân hàng chỉ đóng vai trò cho vay theo mức lãi suất thông thường, sau đó trừ đi 4% lãi suất được hỗ trợ để xác định mức lãi suất thực trả của khách hàng.

Quan điểm này cũng giống như ai đó đã từng cho rằng thuế giá trị gia tăng, một loại thuế gián thu, do người tiêu dùng chịu chứ không phải là doanh nghiệp. Thoạt nghe, điều này có vẻ hợp lý nhưng tiếc thay kinh tế học vi mô chỉ ra rằng vấn đề không phải như vậy. Khoản thuế giá trị gia tăng phải được chia sẻ giữa khách hàng và doanh nghiệp không phải cách này thì là cách khác. Vấn đề trợ cấp cũng tương tự như vậy, có điều hãy xem nó giống như một khoản thuế âm mà thôi.

Bài học từ hỗ trợ lãi suất - Ảnh 1

Thực tế thì khoản hỗ trợ 17.000 tỉ đồng được phân bổ làm ba phần, trong đó một phần đúng là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được nhận, một phần khác do chính các ngân hàng được hưởng, và phần còn lại là mất mát vô ích (dead weight loss). Tỷ phần lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng phụ thuộc vào độ co dãn của cung và cầu quỹ cho vay theo lãi suất (xem hình a và b).

Hình a cho thấy phần các doanh nghiệp được hưởng sẽ lớn hơn phần ngân hàng được hưởng nếu độ co dãn theo lãi suất của cầu quỹ cho vay kém hơn cung quỹ cho vay. Trong khi đó, hình b lại cho thấy điều ngược lại khi cầu quỹ cho vay co dãn theo lãi suất lớn hơn so với cung quỹ cho vay. Chưa có nghiên cứu định lượng đáng tin cậy để ước lượng hệ số co dãn của cung và cầu quỹ cho vay theo lãi suất ở Việt Nam.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu thực nghiệm ở Mỹ về mô hình cung cầu tiền tệ cho thấy hệ số co dãn của cầu tiền theo lãi suất khoảng từ -0,15 đến -0,7 tùy theo lãi suất ngắn hạn hay dài hạn, còn hệ số co dãn của cung tiền theo lãi suất khoảng từ 0,12-0,17 tùy theo phương pháp ước lượng (Teigen, 1965). Điều đáng lưu ý là trong cả hai trường hợp đều gây ra những mất mát vô ích mà cả doanh nghiệp và ngân hàng đều không nhận được.

Như vậy, mong muốn của Chính phủ là chuyển giao phần 17.000 tỉ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp chứ không phải là ngân hàng nhưng do tính chất co dãn của cung và cầu quỹ cho vay mà mục tiêu này không thể đạt được hoàn toàn. Người vay vốn đúng là được hưởng mức lãi suất (rD) thấp hơn mức lãi suất cân bằng (r0) nhưng khoảng chênh lệch đó không phải là 4% như kỳ vọng, trong khi đó ngân hàng sẽ nhận được mức lãi suất thực tế rS cao hơn r0. Đặc biệt, một phần của khoản hỗ trợ sẽ bốc hơi mà không ai được nhận cả.

Vấn đề thứ hai: Phân bổ vốn sai đối tượng

Bài học từ hỗ trợ lãi suất - Ảnh 2

Bây giờ giả sử nếu có sự gia nhập thêm vào đường cầu quỹ cho vay của nhóm đối tượng không thuộc diện được hỗ trợ lãi suất, tức là cho vay không đúng đối tượng, lúc đó sẽ làm cho đường cầu quỹ cho vay dịch chuyển sang phải, đẩy lãi suất cân bằng mới lên cao hơn so với lãi suất cân bằng trước đây.

Việc phân tích lợi ích của các nhóm trong trường hợp này cũng tương tự như trên nhưng tại điểm cân bằng mới. Trường hợp này ngân hàng càng hưởng lợi nhiều hơn so với trường hợp trước đây, trong khi đó lợi ích của nhóm đối tượng được hỗ trợ sẽ giảm đi, thậm chí trong một số trường hợp còn bị thiệt hại do lợi ích đã chuyển vào túi những nhóm đối tượng không thuộc diện được hỗ trợ nhưng vẫn tiếp cận được vốn vay.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2009, tổng số dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 420.000 tỉ đồng (tính đến ngày 19/11/2009 là 416.737 tỉ đồng), trong khi chỉ khoảng trên 20% trong tổng số doanh nghiệp, tức khoảng 78.000 trong tổng số khoảng 390.000 doanh nghiệp tiếp cận được vốn hỗ trợ.

Như vậy, tính bình quân mỗi doanh nghiệp vay được hơn 5 tỉ đồng vốn hỗ trợ. Con số này không nói được điều gì cả và con số 20% cũng không đủ để kết luận nhưng phải thừa nhận rằng không phải tất cả 78.000 doanh nghiệp này đều thuộc diện được hỗ trợ và cần thiết phải hỗ trợ. Trong khi số còn lại chưa hẳn là không cần hỗ trợ hay có thể họ là đối tượng đáng được hỗ trợ nhưng lại không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

Điều này cho thấy, sự tham gia của nhóm đối tượng bên ngoài có khả năng chèn lấn lợi ích của nhóm đối tượng bên trong.

Có nhiều nhóm đối tượng rất cần được hỗ trợ để vượt qua khó khăn, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (SMEs) và những hộ nông dân sản xuất nhỏ, nhưng trong thực tế do những thủ tục vay vốn quá phức tạp và nhiều lý do khác làm cho họ khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, việc cho vay sai đối tượng hoặc cho vay trùng lắp với giá trị hàng ngàn tỉ đồng được Ngân hàng Nhà nước báo cáo cũng chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi.

Vấn đề thứ ba: Sử dụng vốn sai mục đích và các bong bóng tài sản

Ngoài những vấn đề trên thì việc sử dụng vốn sai mục đích cũng là một trong những vấn đề chính làm giảm hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất. Vấn đề đảo nợ là một ví dụ. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không cho phép đảo nợ nhưng thực tế việc đảo nợ được phản ánh là đã và đang diễn ra.

Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước cho rằng qua thanh tra họ chưa phát hiện có hiện tượng đảo nợ. Đây có lẽ là tin vui cho doanh nghiệp hơn là cho Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, một số trục trặc nảy sinh như tình trạng găm giữ ngoại tệ gây áp lực lên tỷ giá, hiện tượng đầu cơ đẩy giá vàng lên cao... liệu có phải được đóng góp một phần từ nguồn lực của gói hỗ trợ lãi suất không? Chỉ số chứng khoán trên cả hai sàn HOSE và HNX đều có tương quan đồng biến với số dư nợ tín dụng hỗ trợ lãi suất trong cùng thời gian, làm nảy sinh một số nghi vấn rằng liệu có vốn kích cầu chảy vào chứng khoán không?

Nếu việc tăng trưởng của chỉ số chứng khoán phản ánh vốn kích cầu đã phát huy tác dụng đối với ít nhất các doanh nghiệp niêm yết thì quả là một thành công đáng mừng, nhưng nếu đây là dấu hiệu của những bong bóng chứng khoán thì thật nguy hiểm. Chi phí kinh tế khi những bong bóng chứng khoán như vậy nổ tung là rất tốn kém.

Bài học năm 2007 vẫn còn mới. Không có gì tệ hơn việc lợi dụng nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ để đầu cơ trục lợi trong điều kiện nền kinh tế còn muôn vàn những khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, không thể trách cứ và kêu gọi nhà đầu tư hãy sống bằng lương tâm được, bởi hành vi của họ là duy lý. Thay vào đó, chính phủ phải kết hợp hài hòa giữa những biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính để điều chỉnh những hành vi của nhà đầu tư, sửa chữa những thất bại của thị trường.

Tóm lại, gói “kích cầu” thông qua việc hỗ trợ lãi suất được phân tích như một khoản trợ cấp của chính phủ cho các doanh nghiệp bằng con đường tài khóa. Phân tích mô hình kinh tế vi mô giản đơn cho thấy tự mô thức của gói “kích cầu” đã có trục trặc làm cho đối tượng thụ hưởng chính sách không đạt được hết lợi ích kỳ vọng. Mô hình chứng minh không những nhóm đối tượng được hỗ trợ lãi suất mục tiêu mà còn là hệ thống ngân hàng và cả các nhóm ngoài đối tượng hỗ trợ cũng được hưởng lợi.

Tất nhiên, nếu đứng ở một góc độ khác là toàn bộ nền kinh tế thì điều này không hẳn là hoàn toàn xấu. Thế nhưng, điều quan trọng liên quan đến cách thức hỗ trợ lãi suất đã tạo ra những mất mát vô ích cho nền kinh tế mà lẽ ra không đáng có trong điều kiện các nguồn lực đang rất hạn hữu như hiện nay.

Đỗ Thiên Anh Tuấn (TBKTSG)