09:13 22/09/2008

Bàn cách vượt khó cho thị trường tài chính

Hà Linh

Nhiều ý kiến quan trọng đã được đưa ra nhằm bàn cách vượt khó cho thị trường tài chính Việt Nam

Việt Nam đang tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ - Ảnh: Việt Tuấn.
Việt Nam đang tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ - Ảnh: Việt Tuấn.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai - vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 19/9 vừa qua - đã thu hút được sự quan tâm của gần 600 chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư trong nước và quốc tế..

Với chủ đề “Duy trì sự tăng trưởng”, diễn đàn tập trung vào những vấn đề chính là phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tài chính và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Tại đây, nhiều ý kiến quan trọng đã được đưa ra nhằm bàn thảo cách vượt khó cho thị trường tài chính Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Cùng hợp lực với Chính phủ

(Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng)

"Kinh tế thế giới suy giảm, giá dầu, giá lương thực tăng cao đã làm lạm phát gia tăng và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng tại các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Để hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã tập trung ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hướng tới tăng trưởng nhanh bền vững trong trung và dài hạn.

Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kiểm soát tỉ lệ nhập siêu, cắt giảm chi tiêu công, tăng cường hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo.

Những biện pháp đúng đắn của Chính phủ đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tốt đẹp cho tăng trưởng, ổn định dần nền kinh tế vĩ mô.

Việt Nam đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất của những tháng đầu năm 2008. Sau 9 tháng nhìn lại tốc độ tăng giá, tốc độ lạm phát đã được cải thiện đáng kể, an sinh xã hội được đảm bảo, tạo điệu kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư.

Trong điều kiện lạm phát cao nhưng triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn có thể đạt mức 6,5%-7%. Tuy nhiên con đường để vượt qua những khó khăn trước mắt về kinh tế vĩ mô, tạo sự ổn định vẫn còn nhiều khó khăn".

Những giải pháp trước mắt

(Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính)

“Trong những tháng cuối năm 2008 và năm 2009, các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn sẽ còn chịu tác động đáng kể từ chính sách thắt chặt tiền tệ và chính sách giảm chi tiêu công của Chính phủ và mức độ lạm phát cao.

Ảnh hưởng mang tính dây chuyền của chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt sẽ khiến cho một bộ phận doanh nghiệp không tích lũy đủ tiềm lực trước đó hoặc khả năng chịu đựng đã vượt quá giới hạn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể sẽ bị rơi vào thua lỗ, thu hẹp phạm vi sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí phá sản.

Việc thắt chặt chính sách tài chính, tiền tệ cũng có thể tác động đến các thị trường chứng khoán và các thị trường tài sản. Sự phục hồi nhẹ của thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu thực sự ổn định.

Chính sách lãi suất cho vay cao để duy trì lãi suất thực dương trong bối cảnh lạm phát cao có thể vẫn tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng như các tầng lớp dân cư trong thời gian tới.

Một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới bao gồm:

Một là, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài chính - tiền tệ thắt chặt để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; trong đó đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng linh hoạt các công cụ thị trường mở cùng với cắt giảm đầu tư công, bao gồm cả việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư của hệ thống doanh nghiệp Nhà nước.

Về kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, Chính phủ sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách giá cả theo cơ chế thị trường, linh hoạt theo lộ trình phù hợp.

Hai là về thị trường tài chính, tín dụng, thị trường chứng khoán, quan điểm quản lý nhà nước là không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà tập trung vào thực hiện chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính để tránh rủi ro hệ thống và khủng hoảng tài chính; tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, xem xét thời điểm phù hợp của các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp Nhà nước.

Ba là đối với thị trường bất động sản, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng bất động sản thông qua việc kiểm soát quy trình, giám sát nghiêm việc cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Bốn là giải quyết hợp lí bài toán nâng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cần được coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Về đầu tư công, trong thời gian gian tới cùng với nỗ lực cơ cấu lại chi tiêu công, tập trung cho an sinh xã hội, chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh lại cơ cấu chỉ đầu tư phát triển, trong đó tập trung vào khu vực nông nghiệp và nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kết hợp với khu vực tư nhân nhưng tránh đầu tư chồng chéo vào những lĩnh vực khu vực tư nhân có thể tự đầu tư và thu hồi vốn.

Năm là tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp là yếu tố cơ bản và gốc rễ của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, trong đó, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro về tỷ giá-lãi suất...

Sáu là đẩy mạnh cải cách hành chính là điều kiện quan trọng trong việc góp phần phát triển sản xuất, tăng cung và điều hòa thị trường trong nước, tăng cường pháp chế, chống tham nhũng và đảm bảo thực thi luật pháp nghiêm để tăng uy tín của Chính phủ.

Việc bảo đảm hệ thống hành chính hoạt động có chất lượng và hệ thống luật pháp thực thi hiệu quả có thể được coi là cú hích quan trọng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo cơ chế thị trường vận hành hiệu quả, góp phần đưa nên kinh tế thoát ra khỏi tình trạng khó khăn và hướng tới quỹ đạo phát triển bền vững”.

Cảnh giác với dòng vốn ngắn hạn

(Ông Noritaka Akamatsu, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)

“Việt Nam đang thiếu những nhà đầu tư có tổ chức như các công ty bảo hiểm. Việc làm thế nào để có những nhà đầu tư có tổ chức phải dựa trên những nền tảng tài chính. Các bạn phải nhìn vào thị trường chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu để hình thành những nhà đầu tư tài chính.

Các nhà đầu tư tài chính có thể hợp tác với nhau để tài trợ cho các dự án dài hạn và đáp ứng vốn dài hạn của nền kinh tế. Đó là những thách thức về trung và dài hạn của Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân đối với thách thức này đó là Việt Nam đang cố gắng neo giá đồng tiền của mình theo USD. Điều đó có nghĩa là khi một lượng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước phải bơm ra rất nhiều tiền để mua lại ngoại tệ này để ổn định được tỉ giá hối đoái.

Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ra để ổn định tỉ giá hối đoái thì có nghĩa lượng cung tiền quá lớn. Rõ ràng đây là nguyên nhân lạm phát tiền tệ. Tốc độ tăng cung tiền của Việt Nam rất ấn tượng trong năm 2007.

Như vậy lý thuyết về bộ ba bất khả thi cho thấy chúng ta không thể duy trì một chính sách tiền tệ độc lập trong khi cố định tỉ giá hối đoái của mình và duy trì tự do hóa dòng chảy tài khoản vốn.

Một thách thức nữa là đầu tư gián tiếp trong đó bao gồm cả vốn ODA. Năm 2007 dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam là 2,4 tỉ USD, khoảng cách giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp có sự chênh lệch. Chúng ta không biết chắc chắn được dòng tiền đó khi chảy Việt Nam có ở lại với thị truờng Việt Nam lâu hay đảo ngược dòng, chảy ra bên ngoài.

Tôi nghĩ rằng dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể dễ dàng chảy ra khỏi Việt Nam bởi vì các dòng vốn vào Việt Nam theo định hướng dài hạn hơn ngắn hạn do thị trường Việt Nam còn nhỏ, kể cả thị trường trái phiếu cũng như cổ phiếu.

Tính thanh khoản của thị trường cũng hạn chế nên không thể dễ dàng rút ra khỏi thị trường Việt Nam. Nếu họ muốn rút ra một cách nhanh chóng thì sẽ phải chịu thiệt lớn. Nhiều quỹ đầu tư trên thế giới hiểu tình thế này. Vì vậy hầu hết các nhà đầu tư đến đây đều hướng mục tiêu dài hạn.

Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh không phải nhà đầu tư nào cũng có định hướng dài hạn. Chính phủ Việt Nam phải hết sức cảnh giác với những dòng vốn ngắn hạn đó. Thách thức ở đây là làm thế nào để phân biệt dòng vốn dài hạn và ngắn hạn. tôi nghĩ sẽ rất khó khăn để phân biệt vì chúng ta thiếu thông tin”.

Không thực hiện thái quá chính sách thắt chặt tiền tệ

(Ông Supachai Panitchpakdi, Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển - UNCTAD)

“Việt Nam đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Nhưng tôi cho rằng không nên thực hiện một cách thái quá vì hiện trên thị trường quốc tế cũng như trong nước, việc giảm sức mua đã xuất hiện. Việc thực hiện chính sách tiền tệ kiềm chế lạm phát luôn phải đi song song với các chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách hỗ trợ như tăng thu nhập cho người dân.

Hiện tượng lạm phát ở Việt Nam là lạm phát về giá và lương. Nếu giá và lương đua nhau tăng sẽ tác động rất xấu đến khả năng kiểm soát lạm phát.

Việc thắt chặt quá mức sẽ tác động tiêu cực đến các sáng kiến của khu vực kinh tế tư nhân. Chính sách phải cân bằng giữa thắt chặt với thúc đẩy đầu tư, chẳng hạn cắt giảm một số hạng mục thuế để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Ngược lại khu vực sản xuất cũng phải đa dạng hóa mặt hàng”.

Cải thiện tính minh bạch tài chính

(Ông Donald Hanna, Giám đốc điều hành, Tập đoàn Citigroup)

“Trong dịch vụ tài chính, có hai lĩnh vực mà Việt Nam có thể tập trung để giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững lâu dài:

Thứ nhất là cải thiện sự minh bạch, tính tiên liệu và sức bền của thị trường tài chính.

Theo đó, Việt Nam cần tập trung vào việc tiếp tục phát triển và triển khai việc bảo hộ các nhà đầu tư nước ngoài một cách minh bạch, thực thi và công bằng. Điều này đặc biệt quan trọng khi khối kinh tế tư nhân chiếm phần lớn nền kinh tế và các nhà đầu tư cần dựa vào hệ thống luật pháp để bảo vệ quyền lợi của họ.

Thực thi các chuẩn kế toán trong nước nhất quán hơn, kiểm soát sổ sách tốt hơn thông qua cơ chế kiểm toán tốt và nhất quán. Bất kỳ quyết định nào cũng chỉ tốt khi có thông tin tốt. Nếu không có thông tin kế toán chính xác và rõ ràng, các quyết định đầu tư sẽ càng mang tính rủi ro hơn.

Thứ hai là phát triển các dạng thị trường tài chính đa dạng và tinh tế hơn, nhưng phải tăng trưởng theo sát với cải thiện về hạ tầng thị trường và năng lực hành pháp. Điều này sẽ cung cấp cho Việt Nam một nền tảng tài chính đa dạng để hỗ trợ tăng trưởng.

Các nhu cầu cụ thể bao gồm: cơ cấu thị trường trái phiếu: quy tắc hành xử, các thông lệ thị trường, hướng dẫn quản lý rủi ro, thỏa thuận chuẩn: tất cả cần để kích thích phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đối với thị trường ngoại hối: khuyến khích định giá theo thị trường và cho phép thị trường ngoại hối hoạt động như một cơ chế tự nhiên giúp điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại...”.