Bán đinh sang… Mỹ
Nói tới Lư Sùng Hy, giới doanh nhân ĐBSCL nhiều người phải nể phục về bản lĩnh kinh doanh của ông, một nhà đầu tư tự tìm lối đi riêng cho mình
Nói tới Lư Sùng Hy, giới doanh nhân ĐBSCL nhiều người phải nể phục về bản lĩnh kinh doanh của ông, một nhà đầu tư tự tìm lối đi riêng cho mình.
Ngành sản xuất mà ông Hy - Giám đốc Công ty TNHH Liên hiệp Kim Xuân -đang theo đuổi thuộc loại có một không hai ở ĐBSCL, đó là đinh dây công nghiệp, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đầy khó tính.
Trong cuộc gặp, ông cho hay, vừa đi khảo sát thị trường Mỹ về và không có lý do gì không đẩy mạnh sản xuất. Hiện mỗi tháng Mỹ cần nhập khẩu 2.000 container đinh dây các loại. Tôi làm hết ga cũng được 50 container/tháng. 5 khách hàng thường xuyên đánh giá mặt hàng của Kim Xuân chất lượng rất ổn định, đảm bảo uy tín. Điều này khiến họ gắn bó với tôi mấy năm qua”, ông nói.
Gian nan khởi sự
Trong chuyện xuất đinh dây sang Mỹ, Lư Sùng Hy không bao giờ quên Jacob - tên nhà nhập khẩu thuộc Công ty STO - chuyên kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng. Giờ đây ông và Jaccob là bạn rất thân.
Công ty TNHH Liên hiệp Kim Xuân thành lập năm 1999, tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ), vốn chỉ vỏn vẹn 300.000 USD huy động từ bà con người Hoa ở Cần Thơ. Tài sản chủ lực gồm 17 máy dập đinh và 5 máy hàn cuốn chuyên dập đinh đầu lớn.
Thiết bị do Chiujunli - một doanh nhân Đài Loan cung cấp và cam kết bao tiêu sản phẩm. Phía Kim Xuân trả trước 50% tiền mua máy, số còn lại trả dần trong 5 năm. Nhưng chỉ một năm sau khi công ty của Lư Sùng Hy hoạt động, nhà bao tiêu liên tục ép giá, không trả tiền mua hàng mà lộ rõ ý định lấy hàng trừ tiền. Chiujunli còn muốn thôn tín Kim Xuân bằng cách lập một nhà máy tên Three Top ngay bên cạnh, cũng sản xuất đinh dây nhằm đưa Lư Sùng Hy vào chỗ chết.
Công ty gần như đình trệ sản xuất. Ông chủ cùng 50 công nhân trong trạng thái căng thẳng hơn bao giờ hết. Không thể chịu thua, tại sao mình không tự tìm đầu ra? Chỉ có cách đó mới thoát khỏi phá sản - Lư Sùng Hy quả quyết. Thế là ông cùng các nhân viên ngày đêm lên Internet tìm… đầu ra!
Gởi email chào hàng khắp thế giới và thấp thỏm chờ hồi âm. Mấy ngày sau, nhận được phản hồi từ Mỹ. Cả công ty vui như hội. Đối tác yêu cầu gởi hàng qua trước, nếu chất lượng đáp ứng mới trả tiền và tính chuyện làm ăn lâu dài. Để biết thông tin về khách hàng, ông yêu cầu fax hợp đồng sang Việt Nam.
Qua địa chỉ email, số tài khoản, địa chỉ nhà nhập khẩu, ông nắm được tình hình đối tác từ các ngân hàng họ giao dịch. Kết quả là tin tưởng được nhưng công ty không còn tiền mua nguyên liệu. Một lần nữa, Lư Sùng Hy lại vay mượn để sản xuất 2 container đinh dây gởi sang Mỹ.
Nửa tháng sau, khách hàng e-mail cảm ơn: Sản phẩm rất tốt và được chú ý nhiều tại triển lãm ngành đinh dây công nghiệp toàn nước Mỹ. “Họ trả đủ tiền trước khi tiêu thụ hết, đặt hàng tiếp tục rồi nhiệt tình giới thiệu cho các nhà nhập khẩu khác ở các miền trên nước Mỹ. Không ai khác, đó chính là Jacob!”, Lư Sùng Hy nhớ lại.
Lật ngược thế cờ
Năm 2000, khi mới thành lập, công ty xuất hàng đạt vỏn vẹn 30.000 USD. Sang năm 2001 tăng gấp 10 lần, 300.000 USD và năm 2002 là 670.000 USD. Và trong chuyện làm ăn có những điều không ai ngờ tới. Nước cờ “thôn tính” được lật ngược lại của Công ty Kim Xuân đối với Công ty Three Top.
Công ty của Lư Sùng Hy làm ăn ngày một tiến bộ cũng là lúc Công ty Three Top của Chiujunli dấn sâu vào thua lỗ, phá sản với khoản nợ gần 1,5 triệu USD (nợ vay bên ngoài 400.000 USD). Sau khi cân nhắc, Lư Sùng Hy quyết định mua lại Three Top với giá 1,7 triệu USD theo phương thức tiếp nhận nợ ngân hàng trả dần. Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất hỗ trợ bảo lãnh phần nợ bên ngoài.
Phía Three Top cam kết sửa chữa hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất mới bàn giao. Thế nhưng Chiujunli lại dở trò, bỏ về Đài Loan ngay khi các biên bản được ký kết. Kim Xuân rơi vào thế kẹt, vì toàn bộ máy móc đặc chủng, thiết bị thay thế phải qua tận Đài Loan mới có, tốn rất nhiều chi phí…
Không chịu thua, Lư Sùng Hy lại cùng các nhân viên bắt tay vào nghiên cứu, đặt hàng các công ty cơ khí trong nước sản xuất phụ tùng thay thế. Dây chuyền mới vận hành ngon lành trở lại vào cuối năm 2003. Năm 2004, Công ty Kim Xuân đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu đạt 2,8 triệu USD, lợi nhuận hơn 10%... Các khoản nợ lần lượt được thanh toán hết.
Đến nay, đơn vị còn tích lũy đầu tư thêm 9 máy dập đinh, 5 máy hàn cuốn để nâng cao năng lực sản xuất lên 10.000 tấn sản phẩm/năm. Độc đáo là số máy móc thiết bị này đều đặt hàng các công ty cơ khí trong nước sản xuất, tiết kiệm 2,5 tỷ đồng nếu như nhập từ Đài Loan.
Sau 6 năm, công ty phát triển lên 5-6 lần và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh ở Khu công nghiệp Trà Nóc. Hiện nay, ngoài thị trường Mỹ, các sản phẩm đinh dây mang thương hiệu Kim Xuân đã đặt chân được ở một số nước châu Âu, châu Á.
Ông chủ Lư Sùng Hy bật mí: “Đến nay đã có 5 khách hàng trong nước là các công ty công nghiệp, xây dựng tin dùng… Việt Nam gia nhập WTO, việc kinh doanh của chúng tôi chắn chắn sẽ thuận lợi hơn. Phía Mỹ đang tăng cường “ăn hàng”. Nhiều khả năng chúng tôi thu về 4 triệu USD từ thị trường này trong năm nay".