Ban kiểm soát bị vô hiệu hóa như thế nào?
Trong các công ty cổ phần, đặc biệt là các công ty đại chúng và công ty niêm yết, vai trò của ban kiểm soát là hết sức quan trọng
Trong các công ty cổ phần, đặc biệt là các công ty đại chúng và công ty niêm yết, vai trò của ban kiểm soát là hết sức quan trọng.
Ngoài chức năng chính là giám sát hoạt động của hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc, nhằm ngăn chặn và phát hiện những trường hợp sai phạm, thiếu sót, bất minh, bất hợp lý, xung đột lợi ích… trong việc quản lý, điều hành công ty; ban kiểm soát còn đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất các biện pháp, giải pháp khắc phục, cải tiến để hoạt động quản lý, điều hành công ty đạt được hiệu quả cao nhất.
Trong một công ty hoạt động minh bạch, hoặc có mong muốn hoạt động minh bạch, hội đồng quản trị và tổng giám đốc/giám đốc công ty luôn nhìn nhận ban kiểm soát dưới góc độ vừa là người “thổi còi”, giúp hội đồng quản trị ngừng ngay các sai phạm, để không đi quá xa; vừa là người hỗ trợ tích cực cho các hoạt động cải tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực “nhạy cảm” như quản lý tài chính, quản lý đầu tư, quản lý quan hệ cổ đông…
Thế nhưng, ở không ít các công ty, ban kiểm soát chỉ đóng vai trò như con bù nhìn, được chính hội đồng quản trị và các cổ đông lớn dựng lên cho có và hoàn toàn bị vô hiệu hóa, thậm chí còn được xem là lực lượng hậu thuẫn, đứng sau, tiếp tay cho hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc dấn sâu vào những hoạt động sai phạm, xâm phạm lợi ích các cổ đông nhỏ lẻ.
Ban kiểm soát trong các công ty cổ phần thường bị vô hiệu hóa như thế nào?
Luật Doanh nghiệp, mặc dù có biện pháp bảo vệ cổ đông nhỏ thông qua điều khoản quy định tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên ban kiểm soát, nhưng các ràng buộc trong luật lại khá lỏng lẻo, còn nhiều kẽ hở.
Điều 122, Luật Doanh nghiệp, (khoản 1, mục a) quy định thành viên ban kiểm soát không được là “vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc và người quản lý khác”.
Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiết với các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc không chỉ là các thành phần trên mà còn nhiều quan hệ khác như chú, bác, cô, dì ruột, anh, em nhà chú bác, cô, dì, anh, em vợ (chồng)… Nhiều công ty đã lợi dụng kẽ hở này để đưa người thân vào ban kiểm soát nhằm có thêm tiếng nói ủng hộ hơn là để kiểm soát.
Khoản 2, điều 122 cũng quy định: “Thành viên ban kiểm soát không được giữ các chức vụ quản lý công ty”. Sự ràng buộc này càng không có ý nghĩa khi hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc đưa nhân viên cấp thấp vào làm thành viên ban kiểm soát để dễ bề sai khiến.
Rất dễ thấy lương, thưởng, hợp đồng lao động và các điều kiện thăng tiến của nhân viên cấp thấp đều trực tiếp do tổng giám đốc/giám đốc hoặc gián tiếp do hội đồng quản trị quyết định. Liệu có ai dám “kiểm soát” một người có quyền quyết định mức thu nhập và tương lai, sự nghiệp của mình?
Mặt khác, nếu không phải là người bà con họ hàng hay nhân viên trong công ty, hội đồng quản trị và tổng giám đốc/giám đốc vẫn có thể vô hiệu hóa ban kiểm soát thông qua việc không bỏ phiếu cho những người có khả năng và dũng khí để làm công tác kiểm soát.
Với số phiếu áp đảo, các thành viên hội đồng quản trị (thường là các cổ đông lớn) có quyền đề cử và bỏ phiếu cho người cùng phe cánh với mình vào ban kiểm soát và loại bỏ những người không cùng phe cánh với mình ra ngoài.
Nếu có ai đó không thuộc phe cánh của hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc mà may mắn được lọt vào trong thành phần ban kiểm soát, thì người này cũng sẽ bị làm khó, cản trở, không cho tiếp cận các thông tin nhạy cảm liên quan đến các sai phạm của hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc.
Trong các trường hợp trên, sự hiện diện của ban kiểm soát sẽ chỉ thêm tốn tiền của cổ đông (vì phải chi trả thu nhập cho các thành viên ban kiểm soát) mà không đem lại lợi ích gì. Không ngạc nhiên khi hầu hết các báo cáo của ban kiểm soát trong các cuộc họp đại hội cổ đông đều khen hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc, chứ không mấy khi thấy chê.
Cơ chế nào để ban kiểm soát thực sự là một tổ chức độc lập, làm đúng chức năng giám sát và kiểm soát mà không bị vô hiệu hóa hoặc được dựng lên như bù nhìn để hậu thuẫn sau lưng hội đồng quản trị và tổng giám đốc/giám đốc?
Cơ chế đơn giản và hiệu quả nhất là các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc không được quyền đề cử và không được quyền bỏ phiếu bầu thành viên ban kiểm soát. Điều này là hợp lý, bởi lẽ ban kiểm soát không tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, không có vai trò trong việc làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hay kém hiệu quả, mà chỉ đóng vai trò giám sát hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp của hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc.
Một trong những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng Luật Doanh nghiệp là hạn chế thấp nhất những xung đột lợi ích trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp. Khi một người có quyền đề cử, ủng hộ hoặc loại bỏ một người có quyền giám sát mình thì hành vi đó được xem là có xung đột lợi ích. Tương tự như trong nguyên tắc bỏ phiếu trong hội đồng quản trị, khi sự việc có liên quan đến lợi ích của thành viên nào thì thành viên đó không được quyền bỏ phiếu.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những thay đổi về luật, cổ đông nhỏ nên biết cách liên kết để tạo sức mạnh. Cần phải liên kết để đưa ít nhất một người vào trong ban kiểm soát thông qua việc thành lập nhóm cổ đông thiểu số để đề cử người và sau đó tập hợp phiếu bầu để bầu dồn phiếu cho người mà mình đề cử.
Thành viên ban kiểm soát phải là người có năng lực, phải am hiểu điều lệ công ty, phải am hiểu Luật Doanh nghiệp và một số luật liên quan khác như Luật Chứng khoán, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng…; và có những hiểu biết nhất định về tài chính, kế toán, về hệ thống quản lý và các nguyên tắc quản trị công ty.
Quan trọng nhất, thành viên ban kiểm soát phải có đủ dũng khí và bản lĩnh để đương đầu với sức ép và cả sự mua chuộc bằng nhiều cách, từ hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc đang cố ý làm trái.
Đằng sau các thành viên ban kiểm soát chân chính luôn có sự ủng hộ của Điều lệ công ty (thường theo đúng chuẩn mực luật pháp) và các quy định của luật pháp. Nếu tiếng nói cảnh báo, ngăn chặn chính đáng của mình bị coi thường hoặc bỏ qua, thành viên ban kiểm soát có quyền nêu vấn đề một cách độc lập (không phụ thuộc vào ý kiến của các thành viên khác trong ban kiểm soát) ra đại hội đồng cổ đông, ra các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan pháp luật, thậm chí có quyền khởi kiện ra tòa.
Thiết tưởng, một cơ chế chặt chẽ hơn để hạn chế sự lũng đoạn cố tình của hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc và các cổ đông lớn trong các công ty cổ phần là hết sức cần thiết trong bối cảnh hoạt động của ban kiểm soát, nhìn chung, chỉ mang nặng tính hình thức mà không mấy hiệu quả.
Ly Nguyễn (TBKTSG)
Ngoài chức năng chính là giám sát hoạt động của hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc, nhằm ngăn chặn và phát hiện những trường hợp sai phạm, thiếu sót, bất minh, bất hợp lý, xung đột lợi ích… trong việc quản lý, điều hành công ty; ban kiểm soát còn đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất các biện pháp, giải pháp khắc phục, cải tiến để hoạt động quản lý, điều hành công ty đạt được hiệu quả cao nhất.
Trong một công ty hoạt động minh bạch, hoặc có mong muốn hoạt động minh bạch, hội đồng quản trị và tổng giám đốc/giám đốc công ty luôn nhìn nhận ban kiểm soát dưới góc độ vừa là người “thổi còi”, giúp hội đồng quản trị ngừng ngay các sai phạm, để không đi quá xa; vừa là người hỗ trợ tích cực cho các hoạt động cải tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực “nhạy cảm” như quản lý tài chính, quản lý đầu tư, quản lý quan hệ cổ đông…
Thế nhưng, ở không ít các công ty, ban kiểm soát chỉ đóng vai trò như con bù nhìn, được chính hội đồng quản trị và các cổ đông lớn dựng lên cho có và hoàn toàn bị vô hiệu hóa, thậm chí còn được xem là lực lượng hậu thuẫn, đứng sau, tiếp tay cho hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc dấn sâu vào những hoạt động sai phạm, xâm phạm lợi ích các cổ đông nhỏ lẻ.
Ban kiểm soát trong các công ty cổ phần thường bị vô hiệu hóa như thế nào?
Luật Doanh nghiệp, mặc dù có biện pháp bảo vệ cổ đông nhỏ thông qua điều khoản quy định tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên ban kiểm soát, nhưng các ràng buộc trong luật lại khá lỏng lẻo, còn nhiều kẽ hở.
Điều 122, Luật Doanh nghiệp, (khoản 1, mục a) quy định thành viên ban kiểm soát không được là “vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc và người quản lý khác”.
Tuy nhiên, mối quan hệ thân thiết với các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc không chỉ là các thành phần trên mà còn nhiều quan hệ khác như chú, bác, cô, dì ruột, anh, em nhà chú bác, cô, dì, anh, em vợ (chồng)… Nhiều công ty đã lợi dụng kẽ hở này để đưa người thân vào ban kiểm soát nhằm có thêm tiếng nói ủng hộ hơn là để kiểm soát.
Khoản 2, điều 122 cũng quy định: “Thành viên ban kiểm soát không được giữ các chức vụ quản lý công ty”. Sự ràng buộc này càng không có ý nghĩa khi hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc đưa nhân viên cấp thấp vào làm thành viên ban kiểm soát để dễ bề sai khiến.
Rất dễ thấy lương, thưởng, hợp đồng lao động và các điều kiện thăng tiến của nhân viên cấp thấp đều trực tiếp do tổng giám đốc/giám đốc hoặc gián tiếp do hội đồng quản trị quyết định. Liệu có ai dám “kiểm soát” một người có quyền quyết định mức thu nhập và tương lai, sự nghiệp của mình?
Mặt khác, nếu không phải là người bà con họ hàng hay nhân viên trong công ty, hội đồng quản trị và tổng giám đốc/giám đốc vẫn có thể vô hiệu hóa ban kiểm soát thông qua việc không bỏ phiếu cho những người có khả năng và dũng khí để làm công tác kiểm soát.
Với số phiếu áp đảo, các thành viên hội đồng quản trị (thường là các cổ đông lớn) có quyền đề cử và bỏ phiếu cho người cùng phe cánh với mình vào ban kiểm soát và loại bỏ những người không cùng phe cánh với mình ra ngoài.
Nếu có ai đó không thuộc phe cánh của hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc mà may mắn được lọt vào trong thành phần ban kiểm soát, thì người này cũng sẽ bị làm khó, cản trở, không cho tiếp cận các thông tin nhạy cảm liên quan đến các sai phạm của hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc.
Trong các trường hợp trên, sự hiện diện của ban kiểm soát sẽ chỉ thêm tốn tiền của cổ đông (vì phải chi trả thu nhập cho các thành viên ban kiểm soát) mà không đem lại lợi ích gì. Không ngạc nhiên khi hầu hết các báo cáo của ban kiểm soát trong các cuộc họp đại hội cổ đông đều khen hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc, chứ không mấy khi thấy chê.
Cơ chế nào để ban kiểm soát thực sự là một tổ chức độc lập, làm đúng chức năng giám sát và kiểm soát mà không bị vô hiệu hóa hoặc được dựng lên như bù nhìn để hậu thuẫn sau lưng hội đồng quản trị và tổng giám đốc/giám đốc?
Cơ chế đơn giản và hiệu quả nhất là các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc không được quyền đề cử và không được quyền bỏ phiếu bầu thành viên ban kiểm soát. Điều này là hợp lý, bởi lẽ ban kiểm soát không tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, không có vai trò trong việc làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hay kém hiệu quả, mà chỉ đóng vai trò giám sát hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp của hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc.
Một trong những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng Luật Doanh nghiệp là hạn chế thấp nhất những xung đột lợi ích trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp. Khi một người có quyền đề cử, ủng hộ hoặc loại bỏ một người có quyền giám sát mình thì hành vi đó được xem là có xung đột lợi ích. Tương tự như trong nguyên tắc bỏ phiếu trong hội đồng quản trị, khi sự việc có liên quan đến lợi ích của thành viên nào thì thành viên đó không được quyền bỏ phiếu.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những thay đổi về luật, cổ đông nhỏ nên biết cách liên kết để tạo sức mạnh. Cần phải liên kết để đưa ít nhất một người vào trong ban kiểm soát thông qua việc thành lập nhóm cổ đông thiểu số để đề cử người và sau đó tập hợp phiếu bầu để bầu dồn phiếu cho người mà mình đề cử.
Thành viên ban kiểm soát phải là người có năng lực, phải am hiểu điều lệ công ty, phải am hiểu Luật Doanh nghiệp và một số luật liên quan khác như Luật Chứng khoán, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng…; và có những hiểu biết nhất định về tài chính, kế toán, về hệ thống quản lý và các nguyên tắc quản trị công ty.
Quan trọng nhất, thành viên ban kiểm soát phải có đủ dũng khí và bản lĩnh để đương đầu với sức ép và cả sự mua chuộc bằng nhiều cách, từ hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc đang cố ý làm trái.
Đằng sau các thành viên ban kiểm soát chân chính luôn có sự ủng hộ của Điều lệ công ty (thường theo đúng chuẩn mực luật pháp) và các quy định của luật pháp. Nếu tiếng nói cảnh báo, ngăn chặn chính đáng của mình bị coi thường hoặc bỏ qua, thành viên ban kiểm soát có quyền nêu vấn đề một cách độc lập (không phụ thuộc vào ý kiến của các thành viên khác trong ban kiểm soát) ra đại hội đồng cổ đông, ra các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan pháp luật, thậm chí có quyền khởi kiện ra tòa.
Thiết tưởng, một cơ chế chặt chẽ hơn để hạn chế sự lũng đoạn cố tình của hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc và các cổ đông lớn trong các công ty cổ phần là hết sức cần thiết trong bối cảnh hoạt động của ban kiểm soát, nhìn chung, chỉ mang nặng tính hình thức mà không mấy hiệu quả.
Ly Nguyễn (TBKTSG)