09:27 14/07/2008

“Bàn tay hữu hình” của Nhà nước

Trần Anh Phương

Mọi sự điều tiết của “bàn tay hữu hình” đó dù có hiệu quả cao đến đâu cũng chỉ là giải pháp tình thế

Sáu tháng đầu năm vừa qua tuy chưa phải là thời gian dài nhưng rõ ràng cũng đủ cho chúng ta suy ngẫm lại về bài học kinh nghiệm sử dụng sức mạnh điều tiết thị trường của Nhà nước.
Sáu tháng đầu năm vừa qua tuy chưa phải là thời gian dài nhưng rõ ràng cũng đủ cho chúng ta suy ngẫm lại về bài học kinh nghiệm sử dụng sức mạnh điều tiết thị trường của Nhà nước.
Sáu tháng đầu năm vừa qua tuy chưa phải là thời gian dài, nhưng với những kết quả vượt khó bước đầu cũng đủ cho chúng ta suy ngẫm về vai trò điều tiết thị trường của Chính phủ mà kinh tế học phát triển vẫn gọi đó là “bàn tay hữu hình” của Nhà nước.

Tìm đúng bệnh để chữa trị lạm phát

Nền kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay đã diễn biến khá phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức từ chính nội tại những hạn chế, bất cập bởi tình trạng tăng trưởng “nóng” của kinh tế trong nước dồn tích nhiều năm nay đã đến lúc nảy sinh hệ lụy do những ảnh hưởng tiêu cực đồng thời của khủng hoảng, suy thoái kinh tế Mỹ và thị trường quốc tế, khu vực...

Nhưng do Chính phủ đã kịp thời và kiên quyết chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nỗ lực thực hiện 8 nhóm giải pháp chống lạm phát để phấn đấu tăng trưởng kinh tế, thực hiện an sinh xã hội nên về cơ bản 6 tháng qua kinh tế - xã hội nước ta vẫn giữ được sự phát triển ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng khả quan và đã có những “điểm sáng” nổi bật trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế quan trọng như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, thương mại - dịch vụ...

Xem xét động thái kỹ động thái chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của kinh tế 6 tháng đầu năm ta thấy, do những nỗ lực phấn đấu như đã nêu trên nên trong hai tháng 3 và 4 chúng ta đã hạn chế được phần nào sự gia tăng của CPI so với mức 3,56% của tháng 2. Cụ thể tháng 3, CPI đã giảm xuống còn 2,99%, đến tháng 4 tiếp tục giảm xuống còn 2,2%.

Thế nhưng, như đã biết, đến tháng 5 thì CPI lại tiếp tục tăng vọt lên 3,91% so với tháng 4, khiến cho CPI của cả 5 tháng đầu năm đã tăng đến mức 15,96% so với cuối năm 2007, và nếu so với CPI của tháng 5/2007 thì CPI của tháng 5/2008 đã tăng 25%, cao nhất trong vòng 12 năm qua, vượt xa dự báo của nhiều chuyên gia, trong khi cùng kỳ năm 2007, con số tương ứng này chỉ là 4,32%.

Thế nhưng đến tháng 6 vừa qua, do những nỗ lực phấn đấu kiềm chế lạm phát, CPI đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 2,14%, thấp hơn nhiều so với chỉ số của tháng 5 là 3,91% và là con số thấp nhất từ đầu năm đến nay (tháng 1 là 2,38%, tháng 2 ở mức 3,56%, tháng 3 tăng 2,99%, tháng 4 là 2,2% và tháng 5 là 3,91%).

Điểm lại, ta thấy nhóm hàng có mức tăng CPI cao nhất trong tháng 5 là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 7,25% so với tháng 4); trong đó, hàng lương thực tăng 22,19%, thực phẩm: 2,28%, ăn uống ngoài gia đình: 2,56%; đồ uống và thuốc lá: 1,88%.

Trên thực tế, lương thực - thực phẩm vừa qua do bị tăng giá cao đột biến - có khi tới trên 200-300% đối với một số loại thiết yếu như gạo, thịt, rau, quả... so với giá cũ hồi cuối năm 2007 - đã là nhóm hàng có ảnh hưởng bất an nhất đến đời sống của người dân, nhất là với những người làm công hưởng lương.

Vì thế, việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá của nhóm hàng này là hết sức cần thiết. Kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy, để tìm được nguyên nhân giá lương thực - thực phẩm tăng, ngoài việc xác định những nguyên nhân trên đây, cần thiết phải rà soát chi phí “đầu vào” của nhóm hàng này là giống và phân bón. Cả hai chi phí này đều có thể dễ dàng kiểm soát, bởi nguồn cung cấp chủ yếu ở trong nước và ít chịu ảnh hưởng của giá thế giới.

Đây là điều mà theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài và kể cả các chuyên gia của một số cơ quan nghiên cứu và chỉ đạo thực tiễn kinh tế đầu ngành của Việt Nam đã lưu ý là chúng ta cần chủ động có các biện pháp kịp thời điều chỉnh cho đúng đắn, phù hợp.

Thứ hai, giá tăng cao các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong những tháng đầu năm, nhất đã có thời điểm đột biến tăng rất cao vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 ngoài các nguyên nhân cơ bản như đã nêu trên, còn do một nguyên nhân “ảo” do người tiêu dùng gây ra, phần vì ảnh hưởng tâm lý về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu đang diễn ra nhưng phần quan trọng và chủ yếu nhất vẫn là vì tâm lý lo xa “tích cốc phòng cơ” của người Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, lại xuất hiện không ít kẻ lợi dụng để nâng giá bán hàng hưởng lợi nhuận phi lý. Tuy nhiên, như đã thấy, bước sang tháng 6 thì CPI đã “hạ nhiệt” và giảm xuống mạnh đến chỉ số 2,14%, thấp nhất trong cả 6 tháng qua.

Chính sách ổn định tiền tệ, hạn chế nhập siêu

Cùng với tình hình khả quan này là động thái các hoạt động ngoại thương nước ta, trước hết là xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong khi đó nhập siêu vốn là “căn bệnh nan giải” của kinh tế nước ta trong nhiều năm qua cũng đã có những chuyển biến bước đầu khả quan hơn.

Cụ thể là, nếu như trong quý 1/2008 nhập siêu đã lên tới 8,3 tỷ USD thì đến quý 2 chỉ còn 6,4 tỷ USD, riêng tháng 6 nhập siêu giảm mạnh còn 1,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 2,85 tỷ USD trong tháng 5.

Trong khi đó, xuất khẩu của tháng 6 đã đạt rất cao, khoảng 6,3 tỷ USD, vượt kỷ lục 5,15 tỷ USD của tháng 5, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả 6 tháng đầu năm ước đạt tới 29,7 tỷ USD, tăng rất mạnh, 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái... Tình hình khả quan trên đây có thể lý giải như sau.

Thứ nhất, chính sách tiền tệ của Chính phủ đã phát huy tác dụng, thể hiện rõ nhất là tổng phương tiện thanh toán đã giảm nhiều so với trước đây, trong khi lạm phát có liên quan rất nhiều đến phương tiện thanh toán.

Thực tế là, Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết một tín hiệu tốt: số dư tiền gửi của hệ thống ngân hàng tính bình quân đến thời điểm cuối tháng 6 đã vượt qua mức dự trữ bắt buộc phải có để có thể vận hành bình thường.

Sau khi điều chỉnh để tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 2% (kể từ ngày 10/6), Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá theo hướng tương đối ổn định, đồng thời, tích cực bán ngoại tệ can thiệp để đảm bảo thanh khoản cho thị trường. Công bố gần đây từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, với lượng dự trữ ngoại tệ là 20,7 tỷ USD, Chính phủ có thể bảo đảm thế chủ động can thiệp thị trường ngoại hối trong mọi tình huống.

Thị trường chứng khoán sau nhiều tháng suy giảm liên tục, thậm chí đã có thời điểm có nguy cơ tan vỡ, song đến nay, cuối tháng 6 và đầu tháng 7 này đã hồi phục theo xu hướng tăng dần. Cụ thể là sau một tháng ngự trị dưới mốc 400 điểm, VN-Index đã từng bước lấy lại dần số điểm đã mất, đồng thời khôi phục lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Phiên giao dịch ngày 1/7 là phiên thứ 7 tăng điểm liên tiếp với chỉ số VN-Index tăng 10,21 điểm (2,56%), đóng cửa ở mức 409,61 điểm.

Thứ hai, việc thực hiện tiết kiệm chi tiêu công trong 6 tháng qua đã được coi trọng để góp phần kiềm chế lạm phát. Các bộ ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tiết kiệm được khoảng 2.700 tỉ đồng, bằng 25% tổng dự phòng ngân sách nhà nước năm 2008; tiến hành rà soát các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 26/6/2008, tổng số công trình, dự án đình, hoãn, ngừng triển khai thực hiện và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 1.736 dự án, với tổng số vốn là 5.625 tỉ đồng, giảm 77,9% so với kế hoạch đã giao. Trong đó, số dự án đình hoãn và ngừng triển khai là: 1.089 dự án với tổng số vốn kế hoạch năm 2008 là 2.140 tỉ đồng. Số dự án dãn tiến độ thực hiện là 647 dự án với số vốn là 3.484,5 tỉ đồng.

Thứ ba, vụ đông xuân năm nay ở cả các tỉnh phía Bắc và phía Nam đều được mùa lớn. Năng suất lúa tăng hơn so với năm 2007. Như đã biết, trong cơ cấu rổ hàng hoá cơ bản khiến cho CPI gia tăng mạnh dễ dẫn tới lạm phát của nước ta hiện có tới 42,8% là nhóm lương thực, thực phẩm. Vì được mùa lương thực nên đã làm giảm áp lực, lo lắng về tình trạng thiếu gạo và trấn an tâm lý người dân, xoá bỏ tệ đầu cơ dẫn đến đẩy giá lương thực - thực phẩm tăng cao khiến cho CPI “hạ nhiệt” giảm mạnh trong tháng 6 như đã biết.

Thứ tư, việc Chính phủ cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo cũng là một chính sách có tác động tích cực cho thị trường, nhất là yếu tố tâm lý người dân. Chính phủ đã tuyên bố ngay từ tháng 6 rằng, sẽ tăng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm lên 4,5 triệu tấn.

Thứ năm, tốc độ xây dựng cơ bản trong quý 2 đã chậm, chủ yếu do trượt giá, nên nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng không còn sôi nổi như năm ngoái. Điều này khiến giá cả thị trường bớt nóng hơn so với giá thế giới, khiến thị trường tạm bình ổn.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân không kém phần quan trọng là tâm lý người dân đã bình ổn hơn, an sinh xã hội vì thế về cơ bản đã được duy trì...

Đôi điều về “bàn tay hữu hình”

Sáu tháng đầu năm vừa qua tuy chưa phải là thời gian dài nhưng rõ ràng cũng đủ cho chúng ta suy ngẫm lại về bài học kinh nghiệm sử dụng sức mạnh điều tiết thị trường của Nhà nước.

Từ đầu năm 2008 đến nay Chính phủ đã thực thi các giải pháp mạnh như đã kể trên. Như thế là chúng ta đã chủ động điều tiết “bàn tay vô hình” của thị trường tự do buộc phải “tuân theo định hướng chủ quan” của chúng ta, vì thế một số mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm cho đầu vào sản xuất và cả tiêu dùng như xăng dầu, điện, nước, phân bón... trong suốt 6 tháng đầu năm vừa qua về cơ bản vẫn được giữ nguyên không tăng hoặc có tăng cũng chỉ ở mức độ thấp, trong khi giá cả của các sản phẩm này trên thị trường thế giới đều đã tăng cao hơn nhiều.

Điều này đã có tác động tích cực là bảo đảm cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động bình thường và với nhân dân thì không gây ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, góp phần ổn định an sinh xã hội như mục tiêu của Chính phủ đã đề ra; ngoài ra cũng vì thế đã góp phần kiềm chế được một phần sự gia tăng của CPI, của lạm phát.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của thế giới và kể cả Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, nhất là bằng kinh nghiệm từng trải của chúng ta về chống lạm phát thành công trong những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 đã cho thấy, cũng cần hết sức lưu ý rằng, mọi sự điều tiết của “bàn tay hữu hình” đó dù có hiệu quả cao đến đâu cũng chỉ là giải pháp tình thế có tính thời đoạn nhất định.

Không thể coi đó là giải pháp có tính bền vững quá mức cho phép, vì nếu cứ kéo dài mãi sẽ là chủ quan duy ý chí, phá vỡ các quy luật khách quan khoa học vốn có của kinh tế thị trường cùng với thực tiễn yêu cầu phát triển sinh động của kinh tế - xã hội nước ta.