17:44 14/02/2008

Bán thân... đúng giá

Đức Hiển

"Tôi không nhận lương, nhưng tôi muốn ông trả cho tôi 40% lợi nhuận của công ty"

Bước ngoặt của sự thành đạt là quyết định “bán thân đúng giá”.
Bước ngoặt của sự thành đạt là quyết định “bán thân đúng giá”.
Tết về quê, ngang làng nho, tôi vẫn ngóng vào ngôi nhà nhỏ ven bờ ruộng. Hai mươi năm nay nó vẫn thế. Cũng như anh, hai mươi năm không già đi tí nào. Người bé loắt choắt, mặt mũi thư sinh trắng trẻo như một cậu học sinh lớp 10.

Hồi đó, nhà nuôi heo, anh em tôi một buổi đến trường và một buổi vác bao đi hái rau, chặt thân chuối về bằm. Nhà của anh là cái “trạm nghỉ” dọc đường, khi mỏi chân và khát khô cổ sau những giờ lội ruộng, hái rau. Nhà anh cũng đông anh em và nghèo như nhà tôi, ngoài giờ học, cả nhà xúm vào lột vỏ tôm hùm cho công ty đông lạnh. Nhung anh em nhà anh, ai cũng học giỏi.

Rồi ra trường, anh ra Nha Trang học Thủy sản, tôi vào Sài Gòn. Mười mấy năm không gặp nhau. Ngày nọ, anh xuất hiện trước cổng tòa soạn vào buổi tối.

Dưới ánh đèn đường lờ mờ bị khuất tàn cây, thấy anh vẫn như xưa. Quái chiêu là đi xe ôm và chở theo một... cây nước đá: “Mai nó mới tan hết, đừng lo, giờ rảnh thì đi lai rai. Lâu quá không gặp nên gửi cậu ít quà!”.

Thấy tôi khó hiểu, anh giải thích: "Năm ký vừa tôm vừa bạch tuộc xuất khẩu, mình cho đúc trong cây nước đá và gửi xe tải lên đây. Cậu về chặt nước đá ra, để vô tủ cấp đông, ăn dần”.

Hai thằng ra quán. Giờ anh làm gì? Mình làm giám đốc một công ty thủy sản. Công nhân đông không? Hơn hai trăm người, năm tới sẽ gấp đôi. Lương khá không? Lương không ăn thua, lương lính mình mới cao, nhưng lợi nhuận rất khá.

Lợi nhuận khá sao nó trả lương giám đốc bèo hơn lương lính? Tôi vừa hỏi vừa cảm thấy tội nghiệp anh, đi làm mười mấy năm mà vẫn áo thun và đi dép. Kể ra phận thằng trai quê miền Trung ly hương này chẳng khá gì.

Anh cười: không phải thế, đây là công ty của mình.

Tốt nghiệp Đại học Thủy sản, khoa chế biến, về quê không xin được việc làm, anh lội ngược ra Nha Trang xin làm thuê cho một công ty đông lạnh mới thành lập. Thi công xong hệ thống kho lạnh thì giám đốc nói hết việc dành cho anh. Lại đi xin ở công ty mới. Sau một thời gian, anh trở thành trưởng phòng kỹ thuật rồi phó giám đốc một công ty chuyên thi công kho lạnh. Làm việc với khách hàng, lâu ngày anh học được những bí quyết kinh doanh của họ.

Một chủ doanh nghiệp tư nhân tìm đến anh. Ông ta mở một công ty chế biến thủy sản xuất khẩu ở Kiên Giang, nhờ anh thiết kế và thi công hệ thống kho lạnh. Năm tháng sau, công trình hoàn thành. Anh trở về Nha Trang.

Một tháng sau đó, ông ta quay ra Nha Trang: “Tôi muốn mời anh làm Phó giám đốc, lương khởi điểm hai ngàn!”.

Mức lương cao gấp bốn lần thu nhập của anh.

- Dĩ nhiên là tôi từ chối. Anh trả lời trước sự ngạc nhiên của ông ta.

- Anh không chấp nhận mức lương, môi trường làm việc hay là...?

- Không, lương trả cho giám đốc mới như thế là cao. Nhưng nếu trả cho tôi thì như thế là thấp.

- Ý anh sao?

- Tôi không nhận lương, nhưng tôi muốn ông trả cho tôi 40% lợi nhuận của công ty. Xem như sự có mặt của tôi đã góp vào đó bốn phần mười tổng vốn.

Vị này tưởng anh đùa, bảo anh nghĩ lại. Anh dứt khoát: Ông có nghĩ thì nghĩ, còn tôi không nghĩ lại.

Một tuần sau, họ gặp lại. Anh đưa cho ông ta bản kế hoạch kinh doanh và chấp nhận làm ăn lương hai tháng đầu. Từ tháng thứ ba, anh không nhận lương. Yêu cầu 40% lợi nhuận được chấp thuận.

Công ty từ ngày có anh liên tục phát triển. Ba năm sau nữa, giữa lúc lợi nhuận đang cao, anh nói lời chia tay với ông chủ công ty. Ông hỏi: Đã đến lúc cậu làm ông chủ phải không? Anh gật đầu. Ông bảo: Tôi biết, cám ơn anh vì sự cộng tác mấy năm qua. Anh lựa hướng đi đúng rồi!

Anh xúc tiến thành lập công ty chế biến thủy sản của riêng mình.

Ngồi nhậu, anh cứ kè kè túi xách to đùng, trong đó là chiếc laptop. Chốc chốc lại nghe điện thoại vè chuyện giao hàng, xuất hàng. Xe hơi chưa mua, đi đâu thì Phó giám đốc đi taxi, còn anh thì suốt ngày dưới xưởng.

Lần sau lên Sài Gòn, anh rủ tôi đi ăn ở một nhà hàng khá sang, với một doanh nghiệp Hàn Quốc, đối tác của anh. Ông người Hàn bảo hai năm nay, ông ta thu hết mối làm ăn với các doanh nghiệp khác, giao cho anh.

Anh bảo: mỗi tháng, mình xuất gần chục container hàng, giờ ổn rồi. Công ty bắt đầu có uy tín với bạn hàng.

Đi công tác Cà Mau với Tổng và Phó tổng biên tập, khi xe qua phà Tắc Cậu về Kiên Giang, tôi rủ hai sếp ghé thăm anh. Anh hồ hởi khoe vừa có một phái đoàn từ châu Âu qua kiểm tra quy trình chế biến trước khi đặt hàng: “Mình lùi xùi thế này nhưng nhà xưởng thì phải hiện đại và sạch sẽ”. Rồi anh dẫn chúng tôi tham quan công ty, đi khắp nhà máy, nhưng không hề nghe mùi hôi.

Hỏi anh quyết định “bán thân” với giá 40% lợi nhuận của công ty dạo nọ, có là .. quá đáng? Anh cười: Cái chính là liên tục những năm trước đó, mình cố gắng học hỏi và làm việc như điên để gia tăng giá trị cho mình. Cuối cùng phải định giá đúng bản thân mình, biết ai là người có thể mua và bán đúng giá.

Anh chàng hái rau heo, bóc vỏ tôm ngày nào; thằng học trò quê gò lưng đạp xe cả chục cây số đi học ngày nào; chàng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày nào, giờ là ông giám đốc thành đạt.

Bước ngoặt của sự thành đạt là quyết định “bán thân đúng giá”.

Bài viết được VnEconomy biên tập, đăng lại từ blog của tác giả.