16:24 10/05/2007

Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2007: Mỹ dẫn đầu

Kiều Oanh

Vị trí dẫn đầu của Mỹ được nâng đỡ bởi sức mạnh của thị trường tài chính và khả năng đảm bảo an toàn vốn đầu tư

Bất chấp thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách khổng lồ, nền kinh tế Mỹ vẫn có sức cạnh tranh mạnh mẽ nhất thế giới.
Bất chấp thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách khổng lồ, nền kinh tế Mỹ vẫn có sức cạnh tranh mạnh mẽ nhất thế giới.
Kinh tế Mỹ tiếp tục là nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh mẽ nhất thế giới bất chấp mức thâm hụt thương mại khổng lồ và thâm hụt ngân sách gần đây đã đạt con số kỷ lục của nước này.

Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2007 của Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD), một trong những trường kinh doanh lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Lausanne, Thụy Sỹ. Bản báo cáo xếp hạng khả năng cạnh tranh của 55 quốc gia và vùng lãnh thổ này vừa được công bố ngày hôm qua (9/5).

Theo báo cáo, vị trí dẫn đầu của Mỹ được nâng đỡ bởi sức mạnh của thị trường tài chính nước này và khả năng đảm bảo an toàn vốn đầu tư phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Các nước và vùng lãnh thổ thuộc Top 10 trong bản báo cáo năm nay bao gồm Mỹ, Singapore, Hồng Kông, Luxembourg, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Iceland, Hà Lan, Thụy Điển và Canada.

Năm ngoái, Mỹ cũng đứng đầu báo cáo này, Singapore đứng thứ 3 còn Hồng Kông đứng thứ 2.

Bản báo cáo cũng nhấn mạnh rằng đang có những thay đổi lớn trong sức mạnh kinh tế. Các quốc gia đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã gia tăng khả năng cạnh tranh một cách nhanh chóng và đang gây thách thức đối với ưu thế cạnh tranh đã kéo dài bấy lâu nay của các quốc gia công nghiệp.

Trung Quốc đã vươn lên từ vị trí thứ 18 vào năm ngoái lên vị trí 15 năm nay nhờ sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ chỉ sau Mỹ. Chính sách hiệu quả của Chính phủ Trung Quốc và sự phát triển cơ sở hạ tầng của nước này cũng được IMD đánh giá cao.

Các chuyên gia IMD cũng tin tưởng rằng, xếp hạng sức cạnh tranh tổng thể của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai nhưng nước này cần phải giải quyết nhiều vấn đề trong nước như bảo vệ môi trường, phát triển cân bằng, vvv nếu muốn lọt vào top 10 quốc gia có sức cạnh tranh cao nhất.

Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 27 trong báo cáo năm nay. Năm ngoái, Nga đứng ở vị trí thứ 46 còn năm nay, nước này đã vươn lên vị trí thứ 43. Trong khi đó, Nam Phi tụt từ vị trí 38 trong năm ngoái xuống vị trí thứ 50.

Cũng theo báo cáo này, Venezuela, nước mới đây thực hiện chương trình quốc hữu hóa bắt buộc, là nước có nền kinh tế có khả năng kém nhất.

Theo GS. Stenphane Garelli, Giám đốc Trung tâm Cạnh tranh Quốc tế của IMD, sự vươn lên của các nền kinh tế đang phát triển có thể dẫn tới sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ tại châu Âu và Mỹ và khiến các mối quan hệ kinh tế kể từ năm nay trở đi sẽ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

IMD bắt đầu thực hiện Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu hàng năm kể từ năm 1989. Báo cáo này phân tích và xếp hạng khả năng của các nền kinh tế trong việc tạo ra và duy trì một môi trường có thể đảm bảo sự cạnh tranh bền vững của các doanh nghiệp và đóng góp vào việc nâng cao mức sống của người dân.