09:35 21/06/2007

Báo chí không chỉ có nhiệm vụ thông tin

Dương Ngọc

Có một chức năng khác, có một tầm khác trên tầm thông tin, đó là cảnh báo, phản biện

Hiện có rất nhiều vấn đề kinh tế cần được cảnh báo, phản biện - Ảnh: Việt Tuấn.
Hiện có rất nhiều vấn đề kinh tế cần được cảnh báo, phản biện - Ảnh: Việt Tuấn.
Báo chí là thông tin - đó không là vấn đề còn phải bàn cãi, bởi báo chí là phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, báo chí không chỉ là thông tin, bởi nếu chỉ thông tin thì rất nhiều báo sẽ đưa trùng nhau về một tin và có những thông tin không đáng đưa cũng đưa,... 

Báo chí không chỉ là thông tin, mà có một chức năng khác, có một tầm khác trên tầm thông tin, đó là cảnh báo, phản biện, đây là tính trí tuệ, là lòng dũng cảm, là tính chiến đấu, là chức năng đắc dụng nhất của báo chí. Có lẽ chính vì cái tầm cao hơn này mà trong những năm gần đây báo chí nói chung và một số tờ báo nói riêng đã được độc giả đánh giá cao.

Riêng về lĩnh vực kinh tế, hiện có rất nhiều vấn đề cần được cảnh báo, phản biện. Nhưng trong khuôn khổ một bài báo, ở đây chỉ có thể "xới" hoặc nêu lên một số vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Bệnh viện, trường học công lập có nên cổ phần hóa để vừa huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế, vừa cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, đào tạo; nhưng nếu cổ phần hóa như doanh nghiệp thì liệu có chạy theo lợi nhuận? Có nên thành lập công ty cổ phần mua bán điện duy nhất như đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)?

Đã nhiều năm qua, Đảng đề ra thành phần tư bản tư nhân, nhưng cho đến nay chưa có văn bản nào quy định về tư bản tư nhân. Vậy có nên gọi là tư bản tư nhân không hay chỉ nên gọi là kinh tế tư nhân; nếu có tư bản tư nhân thì tư bản tư nhân là ai?

Ai cũng đánh giá thị trường chứng khoán phát triển, thậm chí đạt được hầu hết các kỷ lục về tốc độ tăng số công ty niêm yết, số nhà đầu tư, giá trị vốn hóa thị trường và tỷ lệ giá trị vốn hóa thị trường so với GDP, chỉ số giá chứng khoán,... nhưng mục tiêu trở thành kênh huy động vốn dài hạn chủ yếu liệu có đạt được, khi mà vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp tăng trưởng không tương ứng mà chỉ là chuyển từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư kia, sự thắng lợi hay giàu có của nhà đầu tư này là sự thua lỗ, thậm chí phá sản của nhà đầu tư kia?

Nguồn vốn nào đổ vào thị trường chứng khoán? Giữa nguồn vốn từ ngân hàng thương mại và nguồn vốn trên thị trường chứng khoán có hình thành "bình thông nhau" hay không, nếu vậy thì nguy hiểm như thế nào và tại sao Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức khống chế cho vay chứng khoán không được vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng thì nhiều ngân hàng thương mại. Thậm chí nhiều bài báo lại phản đối, thậm chí cho rằng đó là "quả bom tấn"?

Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam là bao nhiêu (nguồn vốn gốc và giá trị vốn hóa); tác động của nguồn vốn này ra sao; việc quản lý và kiểm soát như thế nào để giữ chân đầu tư lâu dài, tránh việc vào nhanh, ra nhanh sẽ tác động xấu đến thị trường, thậm chí còn gây ra khủng hoảng như đã từng xảy ra với khu vực cách đây mười năm?

Xuất khẩu tăng chậm hơn nhập khẩu nên nhập siêu gia tăng so với cùng kỳ năm trước cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về kỷ lục nhập siêu. Cảnh báo này là rất cần thiết trong điều kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu thực hiện không tốt việc tận dụng thời cơ, khắc phục thách thức, thì nhập siêu sẽ còn gia tăng!

Gia nhập WTO theo dự đoán là người tiêu dùng sẽ có lợi về nhiều mặt, trong đó có giá cả, nhưng thực tế, sau 5 tháng, giá tiêu dùng đã tăng cao hơn so với cùng kỳ (4,3% so với 3.6%) và khả năng cả năm nay sẽ tăng cao hơn năm trước (6,6%) và đây sẽ là năm thứ tư liên tiếp giá tiêu dùng của Việt Nam tăng cao (năm 2004 tăng 9,5%, năm 2005 tăng 8,4%, năm 2006 tăng 6,6%, khả năng cả năm 2007 tăng 7,5%) (Trung Quốc chỉ tăng trên dưới 2%/năm, Mỹ chỉ tăng trên dưới 2%,...).

Báo chí một mặt thông tin về quy mô khổng lồ của thị trường Mỹ với mức nhập khẩu lên đến khoảng 1.600 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ mới chiếm khoảng 0,5%. Ngay dệt may là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất cũng mới chiếm 3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ, nhưng chỉ có Trung Quốc (đứng thứ nhất) và Việt Nam (đứng thứ 8) phải chịu sự giám sát theo Chương trình giám sát của Mỹ.

Điều đó một mặt cần phải tiếp tục đấu tranh để thoát ra khỏi sự giám sát không công bằng của chương trình trên; mặt khác cũng cần rút ra bài học "không nên bỏ trứng vào một giỏ".

Về mặt xã hội, tuy đạt nhiều thành tựu về xóa đói giảm nghèo, về một số ngành, lĩnh vực, nhưng chênh lệch giàu nghèo gia tăng (năm 2004, hệ số chênh lệch thu nhập giữa 20% giàu nhất so với 20% nghèo nhất đã lên đến 8,4 lần, tương đương với mức của Mỹ năm 2000 - một nước đã trải qua mấy trăm năm phát triển tư bản!

Trong tổng số hơn 4 vạn người chết trong một năm, thì số người chết vì tai nạn giao thông lên đến trên 1 vạn, nghĩa là quá một phần tư tổng số người chết, vươt xa các nguyên nhân khác. Tổng giá trị thiệt hại và khắc phục lên đến gần 1 tỷ USD, trong khi năm 2006 GDP mới đạt khoảng 61 tỷ USD.