09:45 28/03/2011

Báo động lãi suất tiền gửi không kỳ hạn

Nguyễn Hoài

Từ chỗ chỉ 2% - 3%/năm, thì nay, các ngân hàng dâng lãi suất không kỳ hạn tới 9% - 11%/năm để giành vốn của nhau

Có  vẻ như huy động tiền gửi không kỳ hạn  đang trở thành “xu hướng”.
Có vẻ như huy động tiền gửi không kỳ hạn đang trở thành “xu hướng”.
Từ chỗ chỉ 2% - 3%/năm, thì nay, các ngân hàng dâng lãi suất không kỳ hạn tới 9% - 11%/năm để giành vốn của nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên khống chế trần lãi suất loại tiền gửi này ở mức 2%/năm.

Kẹt cả hai đầu

“Chưa bao giờ cán bộ nguồn vốn lại khổ sở như lúc này. Cứ mở mắt là phải xem vốn khả dụng như thế nào. Khách hàng thì rút tiền, Ngân hàng Nhà nước thì thắt chặt, không hiểu làm ăn ra sao”, Giám đốc Ban Thông tin quản lý và Hỗ trợ ALCO của một ngân hàng lớn than thở.

Theo vị này, mấy hôm nay nhiều ngân hàng đồng loạt giở các “chiêu” mà phổ biến nhất là dâng lãi suất tới 9% - 11%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn để hút vốn. Vì thế, mặc dù ngân hàng này đang áp dụng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là 2,4%/năm - 3%/năm buộc phải nâng lên 8%/năm nhưng khách hàng vẫn “ỉ eo” đòi tiền về gửi ở ngân hàng khác. “Cứ đà này, lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn sẽ lên tới 14%/năm, bằng với trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước đưa ra!”, vị này nói.

Trước đây, ngân hàng trên vẫn thường xuyên hỗ trợ thanh khoản cho Agribank và các ngân hàng bạn, thì nay phải xoay xở nguồn vốn hết sức chật vật. Đến nỗi, lãnh đạo ngân hàng phải chỉ đạo tất cả các phòng ban, chi nhánh và toàn bộ cán bộ nhân viên tìm mọi cách đưa các quan hệ cá nhân về mở tài khoản tại ngân hàng mình để “được đồng nào hay đồng ấy”.

Khảo sát ở một số ngân hàng khác, tình trạng trên cũng tương tự. Lãnh đạo chi nhánh một số ngân hàng cho biết, đi kèm với khó khăn huy động vốn là nơm nớp nỗi lo “phạm quy”, tức vi phạm hệ số Q (tỷ lệ dư nợ/huy động vốn). Làm tín dụng, vốn dĩ ai cũng thích cho vay hơn là huy động. Khi bị khoán hệ số Q thấp thì buộc phải cho vay ít đi, cùng đó là nai lưng đi nhặt từng đồng. Bởi vậy, khi hội sở các ngân hàng giao khoán chỉ số Q thấp thì bị các chi nhánh kêu ca, than phiền.

Khó khăn huy động vốn đã vậy, các ngân hàng còn bị  một áp lực khác từ hệ số dự trữ thanh toán ở mức 15%/tổng tài sản nợ (cách đây vài năm, hệ số này chỉ từ 6% đến 7%). Tỷ lệ này càng cao thì đòi hỏi một lượng vốn bị “nhốt” càng lớn và vốn kinh doanh của ngân hàng càng ít đi.

Xập xí, xập ngầu

Trong khi nỗi khổ từ lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn khiến nhiều ngân hàng mất vốn chưa được giải quyết thì một loại sản phẩm khác là “tiền gửi có kỳ hạn” nhưng được “rút gốc linh hoạt” và “được hưởng lãi suất theo thời gian thực gửi” hay “tiết kiệm lãi suất thả nổi” bung ra như nấm, đang làm thị trường méo mó và phức tạp thêm.

Theo một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước, loại tiền gửi trên xét ở một chừng mực nhất định, chúng không khác gì tiền gửi không kỳ hạn hoặc tiền gửi thanh toán. Người này phân tích: Trong hoạt động của ngân hàng có 3 loại tiền gửi: thanh toán, không kỳ hạn và có kỳ hạn. Đối với tiền gửi thanh toán, xét về nguyên lý là chỉ dùng để thanh toán. Còn tiền gửi không kỳ hạn thì xuất phát từ thực tế không phải lúc nào dòng tiền này chảy vào ngân hàng bao nhiêu thì ra hết bấy nhiêu mà luôn đọng lại khoảng 25% - 30%. Vì thế, tiếp thu kiến nghị từ nhiều ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép họ được sử dụng 25% tổng lượng tiền gửi không kỳ hạn để kinh doanh.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của dòng sản phẩm  “tiền gửi kỳ hạn cho phép rút trước hạn nhưng vẫn được hưởng lãi suất theo thời gian thực nhận” như nói trên đã biến một bộ phận không nhỏ “tiền gửi kỳ hạn” thành “tiền gửi không kỳ hạn”. Ví dụ, khách hàng ký hợp đồng gửi 100 tỷ đồng thời hạn 3 tháng, lãi suất 14%/năm nhưng một tháng sau, hoặc vài tuần sau, khách hàng rút cả 100 tỷ đồng nhưng vẫn được hưởng lãi suất 14%/năm theo thời gian thực gửi. Và khi rút bất thình lình như thế, số tiền 100 tỷ đồng nói trên từ chỗ “có kỳ hạn” đã biến thành “không kỳ hạn”.

Có  vẻ như huy động tiền gửi không kỳ hạn  đang trở thành “xu hướng”, và dẫn đến hệ quả là trước đây, cơ cấu nguồn vốn không kỳ hạn ở các ngân hàng chỉ khoảng 10%/tổng nguồn huy động thì bây giờ, tỷ lệ này gấp  vài lần, thậm chí có ngân hàng lên tới 39% - 40%.

Họa đã hiện hình?

Một đặc điểm của nguồn vốn không kỳ hạn là đem lại giá trị “làm mềm” cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng do yếu tố linh hoạt của chúng đứng bên cạnh sự cứng nhắc của các loại tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, nếu chúng chiếm tỷ trọng quá lớn thì tính lỏng nguồn vốn càng cao. Kinh doanh trong tình trạng dòng vốn chập chờn, lúc có, lúc không, lúc nhiều, lúc ít một cách bất chợt như vậy không những làm cho ngân hàng rất khó lên kế hoạch tài chính, thường xuyên phải sống chung với “ăn đong” mà còn đe dọa thanh khoản của họ bất cứ lúc nào.

Có lẽ xuất phát từ thực tế này, Ngân hàng Nhà nước đã quy định tỷ lệ dự trữ thanh toán tới 15%/tổng tài sản nợ. Khi dự trữ thanh toán cao như vậy thì nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng càng bị phân tán, không thể tập trung nhiều cho kinh doanh và đầu tư.

Thứ hai, không ít ngân hàng lợi dụng việc triển khai “sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn cho rút trước hạn” như nói trên để lách luật nhằm giảm số tiền bị “nhốt” theo tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với VND kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% và trên 12 tháng là 1%/ tổng số dư huy động. Do đó, có những ngân hàng ký hợp đồng với khách hàng hợp đồng tiền gửi kỳ hạn 366 ngày và giảm được 2%/tổng số dư huy động đối với những hợp đồng “ma” kiểu này.

Thứ ba, một điều không mong muốn khác là các con số báo cáo tài chính trên sổ sách của ngân hàng thương mại đối với Ngân hàng Nhà nước bị sai lệch rất lớn do “có kỳ hạn”, biến thành “không kỳ hạn” và khi đó, nhà điều hành rất khó đưa ra các quyết định đối với thị trường một cách sát thực tế.

Khi nhận thấy bất cập của sản phẩm biến tướng nói trên, trong Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu: “tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo từng đồng tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn; mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn này là thấp nhất tại thời điểm tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, các ngân hàng đã “tương kế, tựu kế”, ở chỗ: lúc Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư này, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn khoảng 3%/năm nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước khống chế lãi suất “tiền gửi có kỳ hạn rút trước hạn” bằng “lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất” thì lập tức, ngân hàng dâng ngay lãi suất không kỳ hạn để … “một công đôi việc”!

Bởi vậy, nhiều ý kiến từ một số ngân hàng thương mại cho rằng, thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước nên khống chế ngay trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 2%/năm.

Thứ hai, mặc dù trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, đẩy tiền ra thị trường là quyết định rất khó khăn của Ngân hàng Nhà nước nhưng đề phòng mất thanh khoản cục bộ ở một số ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nên sẵn sàng tái cấp vốn trong một khoảng thời gian vài tháng ở mức cao hơn bình thường.

Thứ ba, thanh tra Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ sử dụng nguồn tái cấp vốn, không để tổ chức tín dụng đưa nguồn vốn này đẩy vào tín dụng bên cạnh kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới mức 20% theo đúng Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước.