10:04 06/12/2007

Báo động tai nạn lao động trong xây dựng

Nguyễn Huyền

Do mức phạt không cao, phần lớn chủ thầu bằng lòng đóng phạt để khỏi phải bỏ tiền trang bị bảo hộ cho công nhân

Xây dựng dân dụng, xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông là lĩnh vực xảy ra tai nạn lao động chết người cao nhất, chiếm 34,43%.
Xây dựng dân dụng, xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông là lĩnh vực xảy ra tai nạn lao động chết người cao nhất, chiếm 34,43%.
Kết quả điều tra an toàn lao động tại các công trình xây dựng vừa và nhỏ của Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội cho thấy, 84% người lao động trên các công trường xây dựng là lao động nông nhàn. Trong đó, trên 90% chưa qua huấn luyện an toàn lao động.

Xây dựng dân dụng, xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông là lĩnh vực xảy ra tai nạn lao động chết người cao nhất, chiếm 34,43%.

Nạn nhân Lâm Thị Sắng, 44 tuổi, quê ở xã Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, là công nhân tại Đội xây dựng số 11, Chi nhánh 1, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc 3, đang thi công xây dựng công trình khu chung cư 12 tầng Tân Mỹ. Bà Sắng đã bị rơi từ tầng 6 trong khi đang làm việc và chết trên đường đưa đi cấp cứu.

Trong lúc làm việc bà Sắng không hề được trang bị bất cứ một phương tiện bảo hộ nào, đơn giản nhất là mũ bảo hiểm cũng không có. Sau khi tai nạn xảy ra mới biết nạn nhân Lâm Thị Sắng không hề được chủ thầu làm hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn. Khi vụ việc xảy ra, phía nhà thầu đã thương lượng với gia đình nạn nhân chịu chi phí đưa xác nạn nhân về quê, lo đám tang và bồi thường 20 triệu đồng.

Theo điều 16 và 44, Nghị định 126/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà, chỉ xử phạt từ 2 đến 4 triệu đồng đối với nhà thầu không trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động. Do mức phạt không cao, phần lớn chủ thầu bằng lòng đóng phạt để khỏi phải bỏ tiền trang bị bảo hộ cho công nhân.

Bên cạnh đó, phần lớn nhà thầu chỉ thuê lao động thời vụ nên hầu như người lao động không được tập huấn, không được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn lao động, cũng như phương tiện bảo hộ lao động, quan trọng hơn là họ không được mua bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế.

Theo báo cáo của Thanh tra Lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 5 năm, từ 2002-2006, tổng số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng là 4.347 vụ, chiếm 17,99% tổng số vụ, làm chết 609 người, chiếm 23,32% tổng số người chết do tai nạn lao động.

Theo thống kê, ở phía Nam các địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động là Tp.HCM; Đồng Nai; Bình Dương. Trong những tháng đầu năm 2007, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra hơn một vụ tai nạn lao động. Trong số vụ tai nạn lao động ở Tp.HCM, có gần một nửa xảy ra ở lĩnh vực xây dựng.

Tp.HCM là địa phương đứng đầu cả nước về số vụ tai nạn, thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp. HCM, trong 9 tháng của năm 2007, thành phố đã xảy ra 50 vụ tai nạn lao động, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng. Nguyên nhân tai nạn phần lớn là do vi phạm quy trình, biện pháp an toàn lao động và công nhân bất cẩn khi làm việc.

Đây là con số được báo cáo chính thức, ngoài ra còn có những vụ tai nạn lao động làm chết người, hoặc gây thương tích đã được nhà thầu thương lượng với gia đình nạn nhân, và vụ việc được giải quyết “ổn thỏa” giữa đôi bên. Khi xảy ra tai nạn mà nạn nhân là những người lao động nhập cư ngoài tỉnh có trình độ thấp, thiếu hiểu biết về an toàn lao động và là lao động thời vụ, nhà thầu thường ít quan tâm hơn.

Ngoài ra, nhà thầu còn lấy lý do lãi suất trong xây dựng ngày càng giảm nên né tránh không chịu trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân. Do vậy, khi xảy ra tai nạn thì chỉ có người tham gia lao động và gia đình họ là chịu thiệt!