11:04 12/06/2008

Báo động tình trạng "hàng chờ cảng"

Tình trạng hàng hóa ứ đọng tại các cảng của Tp.HCM trong thời gian gần đây đã gióng lên tiếng chuông báo động

Trong ảnh: tàu hàng container vào cảng Cát Lái
Trong ảnh: tàu hàng container vào cảng Cát Lái
Tình trạng hàng hóa ứ đọng tại các cảng của Tp.HCM trong thời gian gần đây đã gióng lên tiếng chuông báo động.

Hàng trăm ngàn tấn hàng chôn chân tại cảng do vướng ở khâu vận chuyển, nhiều tàu hàng phải nằm chờ để vào trả hàng là hậu quả của việc qui hoạch cảng biển không sát với thực tế... Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế trong tương lai.

Những ngày này, tuyến hành lang dành cho xe tải lưu thông từ ngoại thành vào khu vực cảng biển Tp.HCM trở nên tấp nập hơn trước, nhất là tuyến đường từ cầu Sài Gòn vào đường Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Tất Thành dẫn vào các cảng biển ở quận 4 và quận 7 để lấy hàng.

Cảng hết chỗ để hàng

Tương tự, trên đường liên tỉnh lộ 25B dòng xe tải tấp nập nối đuôi nhau để nhận hàng ở Tân Cảng Cát Lái. Theo các doanh nghiệp vận tải, từ sau tết Mậu Tý đến nay lượng hàng hóa về nhiều hơn nên các đơn vị vận tải phải tăng hết công suất mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng ra khỏi cảng.

Tại các cảng container Quốc tế (VICT), Tân Cảng, Bến Nghé... cũng đầy ắp hàng hóa. Ở cảng Lotus (quận 7), hàng về quá nhiều buộc cảng phải mở rộng mặt bằng để tiếp nhận. Còn ở cảng VICT, các container phải xếp chồng 6-7 tầng mới đủ chỗ để hàng. Tương tự, các cảng Tân Thuận Đông, Khánh Hội, hàng hóa - nhất là sắt thép, máy móc thiết bị - về đầy kín bãi và các container được xếp chồng lên rất cao...

Chưa hết, còn xảy ra tình trạng hàng chờ xe, theo ông Nguyễn Ngọc Lự - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp.HCM, nguyên nhân do gần đây nhiều xe chở hàng quá tải qua cầu Tân Thuận (quận 7) bị phạt nên không đủ xe chở hàng.

Mới đây, đơn vị quản lý cầu Đồng Nai lại hạn chế xe có tải trọng trên 25 tấn qua cầu, ngành hải quan qui định phải đưa container về đến cảng đích mới được nhận hàng khiến nhiều doanh nghiệp chậm nhận hàng...

Ông Roy Cummins, Tổng giám đốc Công ty Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), cho rằng phải đến giữa năm sau mọi chuyện mới có thể đi vào ổn định.

Thiếu cảng vì qui hoạch kém

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng hàng hóa bị ứ đọng ở các cảng là do qui hoạch khối lượng hàng hóa cho hệ thống cảng biển cả nước giai đoạn 2003-2010 không sát với thực tế.

Bộ Giao thông Vận tải qui hoạch đến năm 2010 các cảng biển khu vực Tp.HCM sẽ tiếp nhận 26,3 triệu tấn, nhưng đến năm 2006 đã tiếp nhận 45,5 triệu tấn. Tương tự, qui hoạch các cảng biển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Tp.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2010 bốc xếp 52,9 triệu tấn, nhưng đến năm 2006 đã đạt 52,61 triệu tấn.

Đại diện cảng VICT cho rằng lượng hàng hóa nhiều đến nỗi cứ mỗi năm thành phố phải xây thêm một cảng mới qui mô như cảng VICT mới đủ chỗ chất container. Còn theo một lãnh đạo Cục Hải quan thành phố, nhiều cảng nhưng qui mô nhỏ, công suất thấp nên ách tắc hàng hóa cũng dễ hiểu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Huệ - Phó cục trưởng Cục Hàng hải, khi làm qui hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn còn rất hạn chế nên chưa tạo được sự chủ động, phát triển đột phá cho cảng biển Việt Nam. Việc lập, phản biện, thẩm định và phê duyệt qui hoạch năm 2010 bị kéo dài, lại chậm triển khai. Tiến độ đầu tư các cảng tổng hợp, cảng container tại Bà Rịa - Vũng Tàu chậm nên chưa "chia lửa" cho Tp.HCM.

Còn theo Bộ Giao thông Vận tải, trong cơ cấu hệ thống cảng biển Việt Nam thì số lượng bến cảng tổng hợp và bến cảng chuyên dùng chiếm chủ yếu, bến container chiếm rất ít, trong khi xu hướng vận chuyển hàng hóa bằng container và nhu cầu sử dụng bến container đang tăng rất cao, đặc biệt tại các cảng biển khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện hàng hóa qua cảng chủ yếu tập trung ở 15 cảng chính là Tân Cảng, cảng Sài Gòn, Hải Phòng, Bến Nghé, VICT, Qui Nhơn, Cái Lân, Đà Nẵng...

Theo ông Phạm Anh Tuấn - giám đốc dự án, Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) - đơn vị tư vấn lập qui hoạch cảng biển Việt Nam, hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay tuy nhiều về số lượng nhưng thiếu về qui mô.

Điển hình là khu vực nhóm cảng biển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tính từ năm 2000 đến nay, ngoài Tân Cảng Sài Gòn mở rộng hoàn chỉnh cảng container tại Cát Lái, còn lại hầu như chưa có cảng tổng hợp hoặc container nào được xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động. Điều này làm tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cảng biển thành phố ngày càng trầm trọng.

Qui hoạch lại cảng biển

Gần đây, Thủ tướng đã chấp thuận giao Bộ Giao thông Vận tải qui hoạch hệ thống cảng biển quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đồng thời cho phép bộ này thuê tư vấn nước ngoài tham gia nghiên cứu hoặc thẩm định qui hoạch này.

Qui hoạch lần này sẽ điều chỉnh dự báo lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 sẽ đạt 230-250 triệu tấn, tăng gấp 200% so với trước và đến năm 2020 đạt 500-550 triệu tấn. Đối với cảng biển nhóm 5 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó khu vực cảng biển Tp.HCM được cập nhật lại dự báo lượng hàng hóa tương ứng với thực tế và nhu cầu phát triển sẽ đạt 100 triệu tấn, tăng 200% so với qui hoạch cũ.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, việc hoạch địch chiến lược phát triển cảng biển phải đề xuất các cơ chế chính sách thoáng hơn để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển.

Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn được đầu tư cảng tổng hợp hoặc cảng container tại những vị trí chưa có qui hoạch. Vì vậy, qui hoạch mới được duyệt sẽ mở đường cho một làn sóng các nhà đầu tư mới vào lĩnh vực cảng biển của Việt Nam.