08:52 03/05/2010

Bao giờ có hướng dẫn cho doanh nghiệp FDI lên sàn?

Lan Hương

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa thể niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dù hồ sơ hợp lệ

Theo ông Nguyễn Sơn, vấn đề xử lý sở hữu nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI cần phải xem xét thận trọng, đảm bảo vừa khuyến khích được dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán, nhưng cũng kiểm soát được vấn đề sở hữu nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Sơn, vấn đề xử lý sở hữu nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI cần phải xem xét thận trọng, đảm bảo vừa khuyến khích được dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán, nhưng cũng kiểm soát được vấn đề sở hữu nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa thể niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dù hồ sơ hợp lệ.

Nhiều cổ đông sáng lập của các doanh nghiệp FDI đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng phần cổ phiếu nắm giữ của các cổ đông sáng lập chưa được niêm yết, cũng chưa thể chuyển nhượng...

Trong cuộc trao đổi mới đây với chúng tôi, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán), cho biết tất cả những vướng mắc này đang được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý sớm, nhằm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp FDI lên sàn.

Một số doanh nghiệp FDI phản ánh là chưa thể niêm yết cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán do phải chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Vì sao lại có sự chậm trễ này, thưa ông?

Hiện có một thực tế tồn tại là doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi thành công ty cổ phần chưa thể thực hiện niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vì gặp phải một số vướng mắc về mặt pháp lý.

Trước đây, các doanh nghiệp FDI khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán thì thực hiện theo Nghị định 38/2003/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thí điểm việc chuyển đổi doanh nghiệp FDI sang công ty cổ phần và theo Quyết định 238/2005/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, do Nghị định 101/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp FDI theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư - thay thế Nghị định 38/2003/NĐ-CP, và Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam - thay thế Quyết định 238/TTg, có một số quy định thay đổi so với các văn bản trước đó và cần phải có văn bản hướng dẫn, nên các doanh nghiệp FDI chưa thể niêm yết.

Cụ thể là, Nghị định 101/CP không hạn chế tỷ lệ sở hữu bên nước ngoài khi thực hiện chuyển đổi sang công ty cổ phần, mà chỉ quy định nếu doanh nghiệp chuyển đổi muốn tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư thì bên nước ngoài phải nắm giữ tối thiểu 30% vốn điều lệ. Còn Quyết định 55/TTg thì không quy định cụ thể vấn đề sở hữu nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần, do vậy khi doanh nghiệp xin niêm yết tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở một số doanh nghiệp đã vượt tỷ lệ quy định là 49% vốn điều lệ.

Để xử lý vấn đề này, hiện nay Ủy ban Chứng khoán đã báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý đối với các doanh nghiệp FDI. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ đưa vào thông tư hướng dẫn Quyết định 55/TTg về vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần.

Từ thực tiễn nhu cầu niêm yết của doanh nghiệp FDI và vấn đề tồn tại của khung pháp lý hiện nay, quan điểm của Ủy ban Chứng khoán với việc xử lý những vướng mắc trên thế nào, thưa ông?

Xuất phát từ thực tiễn doanh nghiệp FDI khi chuyển đổi sang công ty cổ phần không bị hạn chế về sở hữu nước ngoài, do đó trước khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã có tỷ lệ sở hữu bên nước ngoài vượt quá 49% vốn điều lệ. Do đó, vấn đề xử lý sở hữu nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI cần phải xem xét thận trọng, đảm bảo vừa khuyến khích được dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán, nhưng cũng kiểm soát được vấn đề sở hữu nước ngoài.

Mặt khác, việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài không gây nên hiện tượng “ép cổ đông nước ngoài” phải “thoái vốn” đầu tư trong các công ty cổ phần.

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI trước khi chuyển đổi sang công ty cổ phần có thể sở hữu đến 100% vốn điều lệ, sau khi chuyển đổi tỷ lệ này có thể giảm xuống dưới 100%. Tuy nhiên, do nhu cầu sở hữu để nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp nên bên nước ngoài có thể mua vào cổ phiếu làm tăng tỷ lệ sở hữu, hoặc trường hợp doanh nghiệp phát hành tăng vốn điều lệ mà nhà đầu tư trong nước không mua, thì cũng làm gia tăng tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài.

Như vậy, trong trường hợp này, nếu các doanh nghiệp FDI chuyển đổi phải tuân thủ quy định tỷ lệ sở hữu tối đa 49% thì sẽ hạn chế nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Do đó, theo tôi, đối với các doanh nghiệp FDI chuyển đổi, không nên hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, kể cả khi giao dịch cũng như khi doanh nghiệp phát hành để tăng vốn điều lệ. Còn nếu yêu cầu doanh nghiệp FDI phải bán ra cổ phiếu để giảm xuống dưới 49% thì không khác gì chúng ta khuyến khích doanh nghiệp FDI “thoái vốn” đầu tư, đây là điều không nên làm trong điều kiện chúng ta đang kêu gọi vốn đầu tư, cả đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư gián tiếp.

Để giải quyết những bất cập cho việc niêm yết của doanh nghiệp FDI, hiện nay  Bộ Tài chính đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng đối với các doanh nghiệp FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần sẽ không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài (ngoại trừ  các lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành, hoặc theo danh mục quy định của Thủ tướng Chính phủ - ví dụ ngân hàng là 30%), ngoài ra khi niêm yết doanh nghiệp FDI chuyển đổi sẽ phải niêm yết toàn bộ cổ phiếu theo vốn điều lệ, số cổ phiếu nếu bị hạn chế chuyển nhượng (để hưởng ưu đãi đầu tư) sẽ được hạch toán vào tài khoản lưu ký hạn chế chuyển nhượng. Khi phát hành tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp FDI cũng không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Tuy nhiên, các vấn đề này cần phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó Bộ Tài chính mới đưa vào thông tư hướng dẫn Quyết định 55/TTg.

Sau khi văn bản hướng dẫn được ban hành, theo ông, thị trường sẽ chịu tác động thế nào?

Việc sớm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp FDI niêm yết sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, bởi số lượng doanh nghiệp FDI có nhu cầu niêm yết khá lớn.  Mặt khác, việc tham gia niêm yết của các doanh nghiệp này không những sẽ góp phần gia tăng mức vốn hoá cho thị trường chứng khoán, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của các doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội để thu hút các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán.

Với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát hoạt động của doanh nghiệp và kiểm soát được chu chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện tốt các vấn đề về quản trị công ty và công bố thông tin công khai của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển công khai, minh bạch.

Vậy thị trường có thể kỳ vọng bao giờ sẽ có hướng dẫn này, thưa ông?

Hiện nay, Bộ Tài chính đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định 55/TTg, theo đó các vấn đề sở hữu nước ngoài, phát hành tăng vốn và niêm yết của doanh nghiệp FDI sẽ được giải quyết.

Theo tôi, các vấn đề nêu trên là khá cấp bách và nhạy cảm, có tác động mạnh tới hoạt động của khu vực doanh nghiệp FDI, do đó Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Tài chính nên sớm hướng dẫn cho doanh nghiệp FDI ngay trong quý 2/2010 này.