Bao giờ có thể nhấp chuột để mua bán gạo?
Cư dân các diễn đàn mấy hôm nay vẫn bàn tán xôn xao về cơn sốt gạo cuối tháng Tư vừa qua
Cư dân các diễn đàn mấy hôm nay vẫn bàn tán xôn xao về cơn sốt gạo cuối tháng Tư vừa qua.
Câu chuyện sàn giao dịch gạo với các giao dịch dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, người mua và người bán có thể ngồi ngay tại nhà hay văn phòng công ty để đặt lệnh mua bán giao ngay, giao sau tương tự như các sàn giao dịch hàng hóa ở các quốc gia phát triển một lần nữa lại được đặt ra.
Thiếu thông tin
Không phải chờ tới cơn sốt gạo vừa qua mà từ nhiều năm trước, những người có liên quan tới lúa gạo đều than phiền là thiếu thông tin. Đã rất nhiều lần, sau khi đưa tin về giá lúa gạo và các loại nông sản thì y như rằng sau đó, chúng tôi nhận được thư, e-mail của bạn đọc hỏi xem ai và nơi nào có thể cung cấp thông tin giá lúa gạo cho nông dân và doanh nghiệp.
Quả đúng vậy. Thông tin giá lúa gạo hiện nay trên thị trường hầu như bỏ ngỏ, ai cũng có thể có thông tin nhưng không ai có trách nhiệm để làm việc này. Nếu có thì đa phần là thông tin lạc hậu, chậm nhiều ngày so với thực tế. Thế nên, nông dân dựa vào đó để mua bán lúa gạo thì có mà thua lỗ.
Trang chủ www.agroviet.gov.vn của Trung tâm Thông tin nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được xem là trang web có thông tin bao quát đầy đủ nhất về giá lúa gạo và các loại nông sản; và mỗi loại nông sản chủ lực, như gạo chẳng hạn, đều có chuyên trang riêng.
Tuy nhiên, những ai quan tâm tới thị trường lúa gạo trong nước khi vào trang web này sẽ có cảm giác hụt hẫng, vì tình hình lúa gạo trong nước ở đây chủ yếu cập nhập từ thông tin đăng tải trên báo chí trong nước và nguồn tin từ thông tấn xã, nên muộn hơn so với thực tế là điều chắc chắn.
Còn thông tin giá gạo giao dịch trên thị trường thế giới càng muộn hơn, thường dịch lại từ nguồn tin của Reuters nhưng chậm từ 1-3 ngày. Chẳng hạn ngày 5/5, vào trang web này chỉ thấy giá gạo thô giao dịch trên thị trường Chicago của Mỹ vào ngày 1/5, tức chậm tới bốn ngày.
Trên trang chủ www.vietfood.org.vn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tin tức càng tệ hơn. Cơn sốt giá gạo kéo dài gần cả tuần lễ vào cuối tháng Tư vừa qua nhưng trên trang web này chỉ là kết quả xuất khẩu gạo tới ngày 25/4, giá gạo nội địa ngày 18/4 hay giá gạo châu Á ngày 18/4.
Trung tâm Thông tin thương mại của Bộ Công Thương có trang web www.vinanet.com.vn, chuyên đưa tin thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng lúa gạo, cũng tương tự. Ở đây chỉ đưa lại các thông tin cũ đã được đăng tải trên báo chí trong nước hay dịch từ các trang web chuyên cung cấp thông tin thị trường thế giới của nước ngoài.
Ngoài những trang web nói trên, những người quan tâm tới thị trường lúa gạo đều có thể tìm thấy thông tin giá cả, sản lượng lúa gạo trong nước, thế giới ở nhiều nơi khác nhưng cũng gặp tình cảnh tương tự là thông tin “nguội” và không chuyên sâu.
Thiếu sàn giao dịch
Vào năm 2002, khi ông Vũ Khoan còn làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, đề án xây dựng các trung tâm giao dịch hàng hóa đầu mối, mà chủ yếu là nông sản, đã được hình thành, trong đó gạo được nhắc tới nhiều nhất.
Cũng trong năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) làm chủ đầu tư ba trung tâm giao dịch gạo ở Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang. Mục tiêu của các trung tâm giao dịch nông sản (được nhiều người gọi là chợ đầu mối) là gắn kết nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng kinh tế bao tiêu sản phẩm, thông qua sự hỗ trợ của ngân hàng, hệ thống nhà máy xay xát, kho tàng tại chợ đầu mối, hạn chế dần tình trạng giá gạo tăng giảm thất thường, và cũng chính từ các chợ đầu mối này, nhà nước, nhà khoa học có thể định hướng hay hướng dẫn nông dân trong khâu sản xuất lúa bằng giống mới, kỹ thuật cao.
Đó là trước mắt, còn về lâu dài, các trung tâm giao dịch gạo sẽ dần tiến tới việc nông dân có thể ký hợp đồng bán lúa gạo giao sau (hợp đồng tương lai), tương tự như các sàn giao dịch cà-phê, bông vải, đậu nành hay bắp của Anh, Mỹ hay Nhật.
Ba chợ đầu mối gạo của Vinafood 2 (có vốn đầu tư ít nhất là 8 tỷ đồng, cao nhất là 23 tỷ đồng) đã đi vào hoạt động từ năm 2005, nhưng đến nay chẳng còn thấy nông dân nào quan tâm tới chúng, bởi đơn giản chúng chẳng khác gì một chợ quê thông thường. Còn “giấc mơ” về một sàn giao dịch mà “nông dân ngồi ở nhà có thể nhấp chuột bán gạo” thì càng quá xa vời.
Vậy nên mới có chuyện cư dân mạng, dân chơi chứng khoán đồn nhau rằng sắp tới, việc mở sàn giao dịch gạo sẽ hấp dẫn nhà đầu tư. Người ta hy vọng với các nhà đầu tư tư nhân thì sàn giao dịch gạo có thể thành hiện thực, như sàn giao dịch vàng mà Ngân hàng ACB đã làm, vì đơn giản bây giờ là thời của gạo, cái ăn vẫn là trên hết.