09:16 30/07/2007

Bảo hiểm cháy nổ: “Không dễ bán!”

Lan Hương

"Có ba lý do khiến cho việc khai thác tại các đơn vị bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ gặp nhiều khó khăn"

"Việc khai thác nguồn doanh thu từ bảo hiểm cháy nổ không đơn giản chút nào."
"Việc khai thác nguồn doanh thu từ bảo hiểm cháy nổ không đơn giản chút nào."
Ngày 28/7/2007, Quyết định số 28/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 ban hành Quy tắc và Biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn thắc mắc không những từ phía doanh nghiệp bảo hiểm mà cả những đối tượng thuộc diện phải mua bảo hiểm bắt buộc. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Những điểm chính cần lưu ý đối với quy định mới về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là gì, thưa ông?

Chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006, Thông tư liên tịch số 41/2007/TTLT-BTC-BCA ngày 24/4/2007 và Quyết định 28/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007. Quyết định 28/2007/QĐ-BTC được đăng công báo ngày 14/7/2007 và có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 28/7/2007.

Đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc gồm các cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ, mà cụ thể là người được sở hữu, được giao quản lý sử dụng, được kinh doanh khai thác các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ.

Đối tượng phải bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc gồm các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam đã được cấp phép kinh doanh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ bao gồm: sản xuất vật liệu nổ, khai thác chế biến dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hàng hóa khác cháy được có khối tích từ 5.000m3 trở lên, kho vật liệu nổ, dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt hóa lỏng, cảng xuất nhập vật liệu nổ, dầu mỏ sản phẩm dầu mỏ khí đốt hóa lỏng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu khí đốt hóa lỏng, nhà máy điện trạm biến áp từ 110 kw trở lên, chợ kiên cố.

Vậy khách hàng đã tham gia bảo hiểm cháy và mọi rủi ro thì có cần thiết phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nữa không, thưa ông?

Theo tôi, khi đã tham gia bảo hiểm cháy và mọi rủi ro thì không cần phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, vì trong mọi rủi ro đã có rủi ro cháy nổ.

Với trường hợp khách hàng thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc nhưng đã tham gia hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn hiệu lực của Quyết định 28 thì vẫn tiếp tục thực hiện theo hợp đồng bảo hiểm đó, cho đến khi nào hết hạn hợp đồng cũ, khách hàng sẽ mua theo hợp đồng mới.

Ông đánh giá thế nào về cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sau khi Quyết định 28 có hiệu lực?

Việc Nhà nước ban hành các văn bản hướng dẫn về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ là một tín hiệu khả quan cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm cháy, nổ Việt Nam, là cơ hội tăng trưởng doanh thu cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới.

Các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ tăng lên rất nhiều. Cả nước hiện có khoảng 40 nghìn cơ sở buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Nếu tất cả các cơ sở này đều đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo đúng quy định thì doanh thu bảo hiểm cháy nổ của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tăng thêm 500 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn doanh thu này không đơn giản chút nào.

Tại sao vậy, thưa ông?

Theo tôi có ba lý do khiến cho việc khai thác tại các đơn vị bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới:

Thứ nhất, danh sách các đơn vị phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại từng địa phương do cơ quan cảnh sát Phòng cháy chữa cháy ở địa phương đó giữ. Vấn đề là cần phải công khai danh sách này để bản thân đơn vị phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được rõ và cả các công ty bảo hiểm biết về đối tượng mình sẽ bán hàng.

Thứ hai, nếu các đơn vị chưa có đủ các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận của cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hoặc có đủ điều kiện rồi mà cơ quan cảnh sát Phòng cháy chữa cháy chưa cấp giấy chứng nhận thì công ty bảo hiểm cũng không thể bán bảo hiểm được.

Thứ ba, có rất nhiều đơn vị thuộc diện có nguy cơ cháy nổ cao và bắt buộc phải mua bảo hiểm nhưng lại hoạt động dựa trên ngân sách Nhà nước. Trong kinh phí hoạt động của các đơn vị này, kinh phí dành cho việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa có hướng dẫn và chưa được phân bổ nên ít nhất trong 6 tháng cuối năm 2007 các đơn vị này không lấy đâu ra nguồn tiền để mua.

Vậy với vai trò cầu nối, Hiệp hội Bảo hiểm có những giải pháp gì giúp doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn này?

Hiệp hội đang tiếp tục tập hợp các ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm để cùng với Vụ Bảo hiểm, Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hoàn thiện hơn chế độ bảo hiểm bắt buộc này.

Hiệp hội cũng sẽ sẵn sàng xử lý những gì bức xúc có thể xảy ra trong quá trình triển khai vì quy định mới nào khi đi vào thực tế sẽ có nhiều cái vấp.