14:44 12/01/2009

Bảo hiểm nông nghiệp loay hoay tìm đường

Đình Nam

Hộ nông dân nghèo, hộ nông dân nhỏ lẻ, hộ sản xuất lớn có những nhu cầu bảo hiểm khác nhau

Trong năm 2008, 10 cơn bão, 6 trận áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam đã gây thiệt hại trên 13.000 tỷ đồng, chưa kể những đợt dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi...
Trong năm 2008, 10 cơn bão, 6 trận áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam đã gây thiệt hại trên 13.000 tỷ đồng, chưa kể những đợt dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi...
Thường xuyên phải hứng chịu những trận thiên tai lớn, những rủi ro đến từ dịch bệnh trên gia súc, cây trồng..., là những nguyên nhân chính khiến nông nghiệp Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho hoạt động bảo hiểm nông nghiệp.

Tuy nhiên, để phát triển được loại hình này thì các doanh nghiệp bảo hiểm phải vượt qua rất nhiều khó khăn, do những nhược điểm của một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, manh mún.

Đầy rủi ro

Trong năm 2008, 10 cơn bão, 6 trận áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam đã gây thiệt hại trên 13.000 tỷ đồng, chưa kể những đợt dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi..., khiến đời sống của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng ngoài những hỗ trợ hạn chế từ ngân sách nhà nước, những nguồn vốn tín dụng nhỏ thì người nông dân không biết trông chờ vào đâu. Đây là câu chuyện cũ về khả năng ứng phó với rủi ro mà bao năm qua nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa tìm ra cách ứng phó hiệu quả.

TS. Jason Hartell, Công ty Bảo hiểm Global AgRisk (Mỹ) nhận xét, đặc điểm nông nghiệp Việt Nam là sở hữu mảnh đất nhỏ, sản xuất chủ yếu dựa vào sức lao động... Vì vậy sản xuất nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro từ thời tiết bất lợi, dịch bệnh, chi phí đầu vào không ổn định, biến động thị trường, chính sách bảo hộ còn thiếu và yếu, khả năng ứng phó với các loại rủi ro này là rất kém.

Những rủi ro từ dịch bệnh, thiên tai gây thua lỗ sản xuất sẽ khiến nông dân không mạo hiểm đầu tư vào những mô hình, công nghệ sản xuất hiện đại mà trung thành với những cây trồng, vật nuôi truyền thống vốn có giá trị lợi nhuận thấp.

Chọn loại hình nào?

Tại Việt Nam, thời gian qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) được coi là ngân hàng chủ chốt cho hàng triệu hộ nông dân vay, song việc cho vay vốn không phân biệt những rủi ro mà người nông dân có thể gặp phải.

Do đó, khi gặp thiên tai, thảm họa thì Agribank thường phải khoanh nợ, xóa nợ cho những hộ nông dân bị thiệt hại quá nợ.

Thực tế thì Agribank đã hoạt động như một nhà bảo hiểm nông nghiệp, nhưng chi phí chịu rủi ro lại lấy từ nguồn tiền của Chính phủ, thay vì do nông dân đóng. Điều này đã không tạo ra động lực để các hộ dân ứng xử chủ động và có kế hoạch đối với những rủi ro mà họ có thể gặp phải trong tương lai.

Tuy nhiên, với việc chuyển dần sang mô hình hoạt động của ngân hàng thương mại thì Agribank đã bắt đầu giảm những khoản vay như vậy, và người nông dân gánh chịu những chi phí rủi ro nhiều hơn.

Đây cũng là cơ hội để phát triển bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam, cho dù có rất nhiều thách thức do quy mô sản xuất quá nhỏ, thiếu cơ sở dữ liệu đánh giá các rủi ro, thiếu quy định pháp lý, kiến thức về bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân.

Phân tích các phân đoạn thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam, TS. Jason Hartell cho rằng có 3 đối tượng chính là hộ nông dân nghèo, hộ nông dân nhỏ lẻ, hộ sản xuất lớn, với những nhu cầu bảo hiểm khác nhau.

Hiện các nước đang phát triển thường áp dụng loại hình bảo hiểm cây trồng dựa trên sản lượng thực tế cũng như những thiệt hại cụ thể trong những rủi ro mang tính thảm họa hay có tính đặc thù của từng địa phương. Hạn chế của loại hình này là chỉ những hộ có khả năng chịu rủi ro cao nhất mới mua, thiếu cơ sở dữ liệu để định giá đúng rủi ro, chi phí quản lý và kiểm soát cao...

Thực tế những năm 90 của thế kỷ trước, Tập đoàn Bảo Việt đã thực hiện việc bảo hiểm cây trồng đa hiểm họa và đã phải tạm dừng do chi phí quá lớn.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, chính phủ thường hỗ trợ những khoản tiền lớn giúp nông dân đóng phí bảo hiểm để không phải chịu những rủi ro lớn.

Thống kê của một số nước như Nhật, Mỹ, Brazil... cho thấy tổng chi phí bồi thường và quản lý thường cao gấp 2-5 lần tiền phí bảo hiểm, trong khi về dài hạn phí bảo hiểm phải lớn hơn tổng số tiền bồi thường và chi phí quản lý.

Đây cũng chính là vấn đề mà các công ty bảo hiểm gặp phải khi phát triển những sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp mang tính đặc thù của Việt Nam.

Cấp độ vi mô

Tuy vậy, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia Đào Văn Hùng cho rằng loại hình bảo hiểm nông nghiệp ở cấp độ vi mô rất có tiềm năng.

“Việc phát triển loại hình bảo hiểm vi mô giúp tiết kiệm tối đa chi phí để quản lý, giám sát cùng với sự linh hoạt trong thu phí, bồi thường thiệt hại ở mức độ nhỏ cho các hộ nông dân. Khảo sát của chúng tôi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho thấy nhiều hộ nông dân sẵn sàng mua bảo hiểm nông nghiệp để đảm bảo sự an toàn cho hoạt động sản xuất”, ông Hùng nói.

Những khảo sát ban đầu cho thấy loại hình bảo hiểm nông nghiệp vi mô có rất nhiều khách hàng tiềm năng, tuy nhiên nó cũng cần có những khung pháp lý phù hợp để có thể triển khai được những sản phẩm cụ thể như bảo hiểm chỉ số hạn hán, lũ lụt, sản lượng thu hoạch...

TS. Jason Hartell cũng cho rằng, mỗi hợp đồng bảo hiểm cần phải căn cứ theo quá trình sản xuất của từng hộ gia đình, những rủi ro quá lớn cần phải được kiểm soát bằng sự giám sát và sử dụng khấu trừ/hợp tác bảo hiểm.

Kinh nghiệm có thể áp dụng cho Việt Nam là thay vì tài trợ phí bảo hiểm cho nông dân thì có thể sử dụng đầu tư vào cải thiện cơ sở hạ tầng rủi ro: luật, cơ sở dữ liệu, tăng năng lực cho các công ty bảo hiểm, nhận thức cộng đồng...