13:45 26/09/2011

“Bão nợ châu Âu nghiêm trọng hơn khủng hoảng 2008”

An Huy

Châu Âu hiện nay không có được những cơ chế mà nước Mỹ đã dùng để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ba năm trước

Cuộc khủng hoảng nợ công mà châu Âu đang đương đầu càng trở nên nguy hiểm hơn.
Cuộc khủng hoảng nợ công mà châu Âu đang đương đầu càng trở nên nguy hiểm hơn.
Theo nhà đầu tư lừng danh, tỷ phú George Soros, châu Âu hiện nay không có được những cơ chế mà nước Mỹ đã dùng để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ba năm trước, khiến cuộc khủng hoảng nợ công mà khu vực này đang đương đầu càng trở nên nguy hiểm hơn.

Hồi năm 2008, Bộ Tài chính Mỹ đã tìm tới những giải pháp “vô tiền khoáng hậu” để bơm những lượng thanh khoản khổng lồ vào thị trường, tái cấp vốn cho các nhà băng và trấn an giới đầu tư khi thị trường lo ngại về khả năng chi trả của các nhà băng. Tuy nhiên, hiện nay, không ai có thể biết điều gì sẽ xảy ra nếu các ngân hàng châu Âu ồ ạt bị rút vốn. Điều này càng làm gia tăng độ bất ổn trong cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu.

“Bão nợ châu Âu nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Hồi năm 2008, Mỹ có cơ chế để giải quyết khủng hoảng”, tỷ phú Soros phát biểu tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra cuối tuần vừa rồi tại Washington, Mỹ.

Với nhận định trên, nhà đầu tư lừng danh này khuyến nghị nhiều biện pháp để đẩy lui cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, bao gồm việc thành lập một Bộ Tài chính chung cho khu vực này. “Tôi rất hy vọng các nhà lãnh đạo của Eurozone sẽ nhận ra điều này. Đó là một hướng mở để đưa cuộc khủng hoảng về vòng kiểm soát”, ông Soros nói.

Theo ông, các nhà chức trách châu Âu cần sáng tạo hơn nữa ngoài việc thành lập Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, vì quỹ này ít có khả năng cung cấp đủ thanh khoản cho thị trường trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, đẩy một loạt quốc gia nặng nợ khác ở Eurozone tiến sát bờ vực vỡ nợ. Bên cạnh đó, tỷ phú này tiếp tục kêu gọi các biện pháp bảo vệ tiền gửi cho người dân ở các nhà băng, có thể là thông qua một quỹ bảo hiểm hoặc bảo lãnh.

Cũng tại cuộc họp thường niên của WB và IMF, các nhà lãnh đạo hai định chế này cảnh báo, một thảm họa tài chính nữa sẽ tác động cùng lúc tới nhiều khu vực của thế giới, nhất là những nền kinh tế mới nổi hiện đang được xem là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch WB Robert Zoellick cho rằng: “Việc Mỹ và châu Âu không thể đưa ra những quyết định cứng rắn có thể tạo ra một cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu đang hiện rõ. Các nền kinh tế đang phát triển có thể chịu chấn động lớn. Những con số phát đi từ các nền kinh tế đang phát triển trong tháng qua, tuần qua, đang ngày càng xấu đi”.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarge nhận định: “Giải quyết cuộc khủng hoảng ở các nền kinh tế phát triển phải là ưu tiên chính, vì cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng tới mọi quốc gia, không chỉ các nền kinh tế phát triển mà cả thế giới”.

Tuy nhiên, trong cuộc họp này, WB và IMF cũng không đưa ra được một hướng giải quyết khủng hoảng cụ thể nào.

Trong khi đó, quan chức các định chế tài chính hiện diện tại cuộc họp WB và IMF cho biết, họ đã sẵn sàng cho việc Hy Lạp vỡ nợ, đồng thời cho rằng, ảnh hưởng của việc Athens vỡ nợ có thể sánh ngang với vụ phá sản của Lehman Brothers hồi năm 2008. Giới tài chính cho hay, hy vọng lớn nhất của họ lúc này là châu Âu có thể dựng lên những “tường lửa” đủ mạnh và đủ sớm xung quanh hệ thống ngân hàng để ngăn chặn những đổ vỡ trong hệ thống này lan rộng khắp các quốc gia trong Eurozone.

Tuy nhiên, cho tới lúc này, các nhà chức trách của Eurozone vẫn loay hoay với việc nên hay không nên gia tăng quy mô của Quỹ bình ổn tài chính khu vực và vẫn chưa đi tới được một giải pháp rõ ràng nào.

Hãng định mức tín nhiệm Standard&Poor’s vừa lên tiếng cảnh báo, một khi quy mô của quỹ này tăng lên, các nước Eurozone sẽ đối mặt nguy cơ bị hạ điểm tín nhiệm, nhất là Đức và Pháp, vì cách làm này có thể sẽ rất tốn kém cho ngân sách của các thành viên trong khối.