Bảo vệ lao động nữ: Nhiều quy định lợi bất cập hại
Một số quy định riêng đối với lao động nữ nhằm mục tiêu bảo vệ họ nhưng trên thực tế lại đem lại tác động bất lợi
"Một số quy định riêng đối với lao động nữ mục tiêu bảo vệ họ nhưng thực tế đem lại tác động bất lợi với phụ nữ như cấm lao động nữ làm một số công việc, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn nam 5 năm. Các quy định như vậy không còn phù hợp với cách tiếp cận hiện đại về bình đẳng giới", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh tại Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ Luật Lao động sáng 19/10.
Hội thảo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án Đầu tư cho Phụ nữ (Investing in Women), một sáng kiến của Chính phủ Úc và cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền năng phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam.
Xoá bỏ khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ
Nhóm chuyên gia của Economica Việt Nam đánh giá, Bộ Luật lao động năm 2012 về cơ bản thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới tuy nhiên, một số nội dung cần cải thiện như khoảng cách trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa các giới còn khá rộng. Điều 187 của Bộ Luật lao động quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ.
Quy định khác biệt này không đảm bảo bình đẳng với nữ vì làm giảm thời gian làm việc của họ so với nam và gây bất bình đẳng với lao động nam vì kéo dài thời gian làm việc so với lao động nữ. Điều này có thể dẫn đến nhiều hình thức phân biệt đối xử về phát triển nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến và khả năng tích luỹ lương hưu sau này.
Trên thế giới, ngày càng nhiều quốc gia đã loại bỏ sự phân biệt về độ tuổi nghỉ hưu đối với nam và nữ. Chẳng hạn như Lào đã thay đổi quy định về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ là 60 tuổi, nữ có thể nghỉ sau 55 tuổi nếu có nhu cầu. Tương tự, tại Campuchia hay Singapore đều có những thay đổi thể hiện xu thế bình đằng trong tuổi nghỉ hưu của nữ và nam giới.
"Giải pháp này cũng sẽ hỗ trợ cho việc cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn", nhóm chuyên gia Economica Việt Nam nêu rõ.
Tuy nhiên, nhóm này cũng cảnh báo, khi triển khai chính sách cần cân nhắc tới tác động khác. Trong thực tế, nhiều lao động không muốn kéo dài thời gian làm việc mà muốn được nghỉ hưu ở tuổi hiện hành để hưởng lương hưu hàng tháng sau đó có việc làm thêm thì họ có hai khoản thu nhập. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng không phù hợp với lao động trong các ngành nghề lao động nặng nhọc như công nhân cạo mủ cao su, làm đường, dệt may, da giày…
"Do vậy, việc thay đổi độ tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình đảm bảo không có sự thay đổi quá nhanh, đột ngột. Đồng thời, nghiên cứu quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp, sớm hơn đối với một nhóm đối tượng ở một số khu vực, ngành nghề đặc thù", nhóm chuyên gia này kiến nghị.
Chuyển quan điểm từ "bảo vệ lao động nữ" sang "thúc đẩy bình đẳng giới"
Cũng theo nhóm chuyên gia của Economica, việc Bộ Luật lao động chứa nhiều quy định mang tính có lợi hơn cho lao động nữ so với lao động nam làm xuất hiện tình trạng doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ vì làm tăng chi phí doanh nghiệp do phải thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ.
Thậm chí, còn có những quy định hạn chế quyền làm việc của lao động nữ trong một số công việc dù là với mục đích bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Điều 159, Bộ Luật lao động năm 2012 quy định: Lao động nữ được nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội khi thực hiện biện pháp tránh thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau. Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các thế độ thai sản trên và chế độ ốm đau áp dụng cho cả lao động nam và nữ.
Chính sự thiếu đồng bộ trên dẫn đến nhiều trường hợp người sử dụng lao động từ chối giải quyết cho lao động nam nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ ốm đau.
Nhiều nước trên thế giới được khảo sát quy định chế độ nghỉ chăm sóc con nhỏ là quyền được chia sẻ giữa cha và mẹ. Như tại Phần Lan, tăng thời gian nghỉ chăm sóc con của người cha từ 18 ngày lên 54 ngày làm việc vào năm 2013. Tại Úc, người chăm sóc chính cho con mới sinh được nghỉ và trả lương trong 18 tuần và người chăm sóc chính có thể chuyển cho vợ hoặc chồng của mình.
Theo nhóm chuyên gia, đảm bảo được quyền này sẽ có tác động tích cực đối với lao động nam. Đồng thời, lao động nữ có thể giảm bớt nghỉ làm việc để chăm nuôi con vì được chồng chia sẻ trách nhiệm, có nhiều thời gian tạo thu nhập, phát triển nghề nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh; giải phóng triệt để hơn sức lao động của lao động nữ, nâng cao vị thế của lao động nữ...
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định: "Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để chúng ta xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận "bảo vệ lao động nữ" của các quy định hiện hành sang cách tiếp cận "thúc đẩy bình đẳng giới".
Theo bà Hà, những quy định trên có tác động, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến hàng ngàn doanh nghiệp và hàng chục triệu lao động nam và lao động nữ trên trên thị trường lao động của nước ta, nên cần được nghiên cứu, thảo luận một cách rộng rãi và kỹ lưỡng.
"Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để có một bản dự thảo Bộ luật Lao động có chất lượng, thể hiện ý chí của đại đa số nhân dân, phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế", bà Hà khẳng định.