09:02 16/05/2007

Bảo Việt cổ phần hoá: Doanh nghiệp trong nước tư vấn định giá?

Lan Hương

Nhà tư vấn cổ phần hoá cho Bảo Việt lại không phải là một nhà tư vấn nước ngoài như nhiều người hình dung

Buổi họp báo về việc tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Bảo Việt tại Khách sạn Melia, Hà Nội, ngày 15/5/2007.
Buổi họp báo về việc tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Bảo Việt tại Khách sạn Melia, Hà Nội, ngày 15/5/2007.
Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) đã trở thành doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên trong số 25 tổng công ty lớn nhất của Việt Nam tiến hành cổ phần hoá toàn bộ tổng công ty và bán đấu giá cổ phần ra công chúng.

Ngày 31/5/2007, 59,44 triệu cổ phần của Bảo Việt sẽ được bán đấu giá ra công chúng với giá khởi điểm là 30.500 đồng/cổ phần, một mức giá khá thấp đối với một doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu như Bảo Việt. 

Theo Quyết định số 310/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn ngày 28/11/2005, Bảo Việt sẽ tiến hành cổ phần hóa và thí điểm thành lập Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Việc cổ phần hóa của Bảo Việt sẽ theo hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng thông qua đấu giá, trong đó Nhà nước giữ tối thiểu 51% vốn điều lệ, các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu không quá 30% vốn điều lệ. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều được tham gia mua cổ phiếu.

Công ty mẹ - Tập đoàn Bảo Việt là công ty cổ phần, có chức năng đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết; kinh doanh dịch vụ tài chính và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật; giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, công nghệ, thương hiệu, thị trường.

Công ty mẹ được hình thành sau khi thực hiện cổ phần hoá Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam. Tập đoàn Bảo Việt kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Giá khởi điểm là 30.500 đồng

Theo ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Bảo Việt, giá khởi điểm 30.500 đồng được tính toán trên cơ sở giá trị doanh nghiệp có tính đến kết quả kinh doanh, lợi thế thương mại, cũng như tương quan với giá khởi điểm của các doanh nghiệp vừa thực hiện đấu giá trên thị trường.

Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh rằng mức giá này chỉ là giá tham khảo mà thôi.

Hiện nay, Bảo Việt đang phát triển với quy mô của một tập đoàn tài chính đa ngành với gần 5.000 cán bộ nhân viên, 48.000 đại lý bảo hiểm, hàng năm phục vụ trên 20 triệu khách hàng trên toàn quốc. Đặc biệt trong lĩnh vực phi nhân thọ, Bảo Việt đã và đang là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam nhìn chung vẫn do doanh nghiệp trong nước nắm giữ thị phần là chủ yếu, chiếm hơn 61,71% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2006 trong bảo hiểm phi nhân thọ, sân chơi chính thuộc về các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước với 94,86% tổng doanh thu phí.

Bảo Việt được đánh giá là có một vị trí tương đối vững chắc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Với doanh thu phí bảo hiểm đạt 34,94% toàn thị trường vào cuối năm 2006, Bảo Việt hiện là doanh nghiệp đang thống soái trên thị trường này.

Tuy nhiên, trong một số nghiệp vụ, Bảo Việt phải chịu sự cạnh tranh rất lớn, đặt biệt là từ các công ty bảo hiểm chuyên ngành là các công ty bảo hiểm thuộc các tổng công ty lớn nên có ưu thế về các hợp đồng bảo hiểm chuyên ngành có giá trị cao. Riêng lĩnh vực nhân thọ, Bảo Việt hiện đã phải lùi xuống hàng thứ 2 trên thị trường, xét theo doanh thu phí bảo hiểm.

Giai đoạn 2001- 2006, tình hình tài chính của Bảo Việt được đánh giá là lành mạnh, hoạt động kinh doanh tăng trưởng và phát triển tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm bình quân 5 năm đạt 23,7%/năm và mức trách nhiệm bảo hiểm phi nhân thọ được giữ lại (không nhượng tái bảo hiểm) là 79,5%, mức trách nhiệm bảo hiểm nhân thọ được giữ lại là 100%. Vốn chủ sở hữu tăng từ 910 tỷ đồng (năm 2001) lên 1.895 tỷ đồng (năm 2006). Lợi nhuận trước thuế tăng từ 119 tỷ đồng (năm 2001) lên 431 tỷ đồng (năm 2006).

Nhà tư vấn bí mật đến phút chót

Trong bản công bố thông tin của Bảo Việt, nhà tư vấn cổ phần hoá cho Bảo Việt lại không phải là một nhà tư vấn nước ngoài như nhiều người hình dung. Công ty Kiểm toán VACO, vừa đổi tên thành Deloitte Vietnam, đã được chọn là nhà tư vấn định giá doanh nghiệp cho Bảo Việt.

Theo ông Trương Mộc Lâm, cố vấn cao cấp của Bảo Việt, thực ra trong quá trình cổ phần hoá, Bảo Việt có khá đông nhà tư vấn nhưng đứng tên trước công chúng chỉ có VACO. Ông Lâm cũng bật mí rằng, Bảo Việt đã tổ chức lựa chọn nhà tư vấn nước ngoài phải đáp ứng được các yêu cầu của một nhà tư vấn cổ phần hoá gồm: tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn chọn cổ đông chiến lược nước ngoài.

“Bảo Việt đã tổ chức một cuộc đấu thầu hạn chế với các nhà tư vấn hàng đầu thế giới và đã lựa chọn được một nhà tư vấn. Tuy nhiên, do là doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá đầu tiên thuê tư vấn nước ngoài nên quá trình thương lượng diễn ra khá lâu và khó khăn. Sau một năm thương lượng, giữa Bảo Việt và nhà tư vấn vẫn chưa ký được hợp đồng. Cuối cùng, Bảo Việt phải báo cáo Bộ Tài chính để được phép lựa chọn một tổ chức tư vấn trong nước để định gia, đáp ứng được các yêu cầu”, ông Lâm cho biết.

Phần định giá doanh nghiệp đối với Bảo Việt, một doanh nghiệp kinh doanh cả hai lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, theo ông Lâm không hề đơn giản, đặc biệt là phần định giá hoạt động bảo hiểm nhân thọ. “Khó khăn nhất là đánh giá tính hiệu quả của ngành kinh doanh đặc thù như bảo hiểm. Tiếc rằng, trong hợp đồng ký với các nhà tư vấn, chúng tôi đã cam kết không công bố tên những nhà định giá, nếu không được họ đồng ý”, ông Lâm nói.

Ngoài VACO - tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) - tổ chức tư vấn đấu giá, Crédit Suisse (Thuỵ Sĩ) đã trở thành nhà tư vấn cho Bảo Việt trong việc lựa chọn đối tác chiến lược.