10:49 15/10/2008

Bất động sản ở Dubai lung lay

Khủng hoảng tín dụng không chừa Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, nơi có nền kinh tế dựa vào lĩnh vực bất động sản

Khủng hoảng tín dụng đang đe dọa làm giảm mức đầu tư vào các dự án bất động sản ở Dubai.
Khủng hoảng tín dụng đang đe dọa làm giảm mức đầu tư vào các dự án bất động sản ở Dubai.
Cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu không chừa Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, nơi có nền kinh tế dựa vào lĩnh vực bất động sản. Nhưng dự trữ ngoại tệ quá lớn sẽ cho phép quốc gia vùng Vịnh này hóa giải được xung chấn.

Thoạt nhìn, có vẻ Dubai vô cảm trước cuộc khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Bầu trời thành phố tua tủa cần cẩu (20% lượng thiết bị xây dựng này của thế giới đang tập trung ở Dubai) và báo chí đăng đầy quảng cáo các dự án bất động sản hoành tráng. Chính quyền thành phố cũng vừa công bố triển khai hai dự án khổng lồ với kinh phí 1.500 tỉ USD: một thành phố mới và một tháp cao hơn 1.000m.

Ngày 24/9 vừa qua, du khách trên toàn thế giới kéo đến xem khai trương Atlantis, một tổ hợp khách sạn đã được xây dựng với chi phí 1,5 tỉ USD trên một hòn đảo nhân tạo hình cây cọ. Nhiều người trong số này sẵn sàng bỏ ra 25.000 USD một đêm để có thể quan sát cá mập và cá đuối lượn lờ trong bể bơi hướng ra sảnh và ăn tối tại các nhà hàng sang trọng.

Nhưng với mối đe dọa suy thoái đang lãng vãng ở các nước phương Tây, những vết rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong tòa lâu đài thịnh vượng được xây nên từ tiền dầu hỏa và biến Dubai thành biểu tượng thế giới của mức tăng trưởng ào ạt.

Các ngân hàng thắt chặt cho vay khiến nguồn tài chánh của các công ty cũng như các dự án xây dựng bị ảnh hưởng ngay. Giá dầu thô giảm (chạm mức 80 USD/thùng tại London ngày 8-10) và các thị trường chứng khoán khu vực cũng tụt giảm từ tháng 6.

Ngày 22-9, sau khi lặp đi lặp lại rằng nhờ nguồn tài nguyên dầu hỏa mà vùng Vịnh “tránh” được cuộc khủng hoảng tài chánh của nước ngoài, Ngân hàng Trung ương của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã tháo khoán 13,6 tỉ USD để hỗ trợ thị trường tín dụng, hưởng ứng những biện pháp cứu nguy thông qua tại Mỹ. Nhưng một số ngân hàng cho rằng điều đó chưa đủ.

Một số dự án hoành tráng nhất - các trung tâm thương mại khổng lồ, các hòn đảo và khu trượt tuyết trong nhà - có nguy cơ bị bỏ dỡ nếu không tìm được nguồn tài chính. Khủng hoảng tín dụng cũng có thể làm hãm phanh nhu cầu vì những người có ý định mua nhà sẽ ngày càng khó vay được tiền ở ngân hàng.

Tình hình này sẽ càng tăng nặng thêm nếu như mọi chuyện xấu đi tại các nước phương Tây. Giá bất động sản bán và cho thuê sẽ nhanh chóng giảm. Song song đó, lòng tin của các nhà đầu tư đã bị lung lay do hàng loạt các xì-căng-đan trong giới kinh doanh, làm ảnh hưởng đến giấc mơ của Dubai trở thành thủ đô tài chính trong khu vực.

“Nhiều người lo ngại và chờ xem liệu có xảy ra chuyện tương tự ở Mỹ hay không”, Gilbert Bazi, một nhân viên bất động sản 25 tuổi người Lebannon đến làm việc ở Dubai được một năm cho biết. Khi anh đến đây, kiếm tiền là chuyện dễ đến mức gần như vô lý. “Người Iran, người Nga, người châu Âu, ai nấy cũng đều mua bất động sản”, anh nói tiếp. “Tôi chẳng cần liên lạc họ, mà chính họ gọi điện tôi”. Hiện nay, Bazi phải lãng vãng ở các sảnh khách sạn để tìm khách hàng mua nhà.

Khách quan mà nói, bầu không khí ở Dubai vẫn tiếp tục mang đến giấc mơ cho nhiều người khi so sánh với tình hình bi đát ở những nơi khác. Dù chưa có tài nguyên dầu hỏa như Abou Dhabi, Dubai vẫn có ngân sách và cán cân thanh toán rất thặng dư. Chính phủ của Liên đoàn các Tiểu vương quốc Arab thống nhất có khả năng và ý chí - cũng như các quốc gia láng giềng vùng Vịnh - bơm thật nhiều tiền vào hệ thống để giải quyết vấn đề tín dụng.

Những năm gần đây, Arab Xêút và Qatar kiếm USD từ dầu hỏa nhiều đến mức họ lo lắng tìm cách tiêu xài nó hơn là quản lý việc sụt giảm tiêu dùng có thể xảy ra. Tuy nhiên, họ có những thách thức kinh tế thực sự, dù họ rất khác với phương Tây.

Cho đến gần đây, khối lượng tín dụng ở Dubai tăng 49%/năm (theo Ngân hàng trung ương Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), một tỷ lệ cao gần gấp đôi mức tăng trưởng tiền ký gửi của ngân hàng. Điều này khiến một số chủ ngân hàng lo ngại sự sụp đổ.

“Tại Mỹ, thách thức đặt ra là làm thế nào để các ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động”, Mario Maratheftis, trưởng ban kinh tế ở ngân hàng Standard Chartered giải thích. “Ở đây, nền kinh tế đang quá nóng nên cần thiết phải điều chỉnh. Và vấn đề là đảm bảo cho nó vận hành một cách êm ái và đúng trật tự”.

Người ta có thể nghĩ rằng vấn đề chưa phải là quá lo ngại. Nhưng nếu nói thế thì chưa tính đến những rối rắm của thị trường bất động sản địa phương. Nhà đầu cơ thường vay tiền ngân hàng để trả 10% giá một bất động sản chưa được xây dựng, với mục đích bán lại cho ai đó để kiếm lãi cao. Và đến lượt người này bán lại cho người khác…

Kiếm tiền cách này thì rất dễ khi giá trị một số bất động sản tăng gấp nhiều lần chỉ trong vòng vài năm. Nhưng chính quyền ngày càng lo ngại nên đã thông qua một quy định mới nhằm hạn chế đầu cơ.

Theo một số nhà phân tích, kinh tế phát triển chậm lại ở Dubai - nếu không chuyển thành suy thoái - sẽ giúp thành phố tăng trưởng lành mạnh hơn bằng cách giảm sự lệ thuộc vào tiền vay và đầu cơ. Chính quyền cũng hy vọng rằng những vụ bắt giữ diễn ra sau những scandal tài chính sẽ đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang gậm nhấm nhiều quốc gia Arab.

Minh Trường (TBKTSG/New York Times)