13:14 11/04/2008

Bất ngờ lợi nhuận ngân hàng cổ phần

Minh Đức

Những con số vừa công bố gây bất ngờ về hiệu quả hoạt động của khối ngân hàng cổ phần trong quý 1/2008

Giao dịch tại Sacombank, ngân hàng có mức lợi nhuận 435 tỷ đồng trong quý 1/2008.
Giao dịch tại Sacombank, ngân hàng có mức lợi nhuận 435 tỷ đồng trong quý 1/2008.
Những con số vừa công bố gây bất ngờ về hiệu quả hoạt động của khối ngân hàng cổ phần trong quý 1/2008.

Quý 1/2008, thị trường ngân hàng chứng kiến nhiều biến động lớn, ảnh hưởng xấu đến mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.

Lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước triển khai một loạt biện pháp mạnh thắt chặt tiền tệ, như nâng dự trữ bắt buộc, tăng các lãi suất chủ chốt, phát hành tín phiếu bắt buộc khối lượng lớn… Những chính sách này đã tác động đến chi phí đầu vào của các ngân hàng; lãi suất trên thị trường biến động chưa từng có.

Bên cạnh đó, tỷ giá biến động mạnh, cung ngoại tệ dư thừa và ứ đọng những tháng đầu năm gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh ngoại hối. Thị trường chứng khoán suy thoái, hoạt động đầu tư tài chính của ngân hàng cũng gặp khó khăn…

Với những trở ngại trên, một số dự báo đã đề cập đến khả năng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ sụt giảm mạnh; thời hoàng kim của các nhà băng đang trôi qua.

Tuy nhiên, những kết quả bước đầu được công bố lại cho thấy những con số khả quan.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là thành viên đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý 1/2008: lợi nhuận đạt 435 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2007; tổng tài sản đạt 75.205 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ.

435 tỷ đồng, một con số vượt trội so với hầu hết các thành viên trong hệ thống, nhưng khá thấp nếu so với mức bình quân mỗi quý theo mục tiêu cả năm 2.000 tỷ đồng của Sacombank. Nhưng điểm thường thấy là tốc độ lợi nhuận của các ngân hàng chỉ thực sự tăng mạnh từ quý 2 hàng năm.

Nếu đầu tàu Sacombank (về quy mô vốn điều lệ) đều đặn công bố kết quả kinh doanh hàng tháng, thì kết quả của Ngân hàng Á châu (ACB) lại nằm trong sự suy tính của nhà đầu tư.

Những suy tính đó có thể nghiêng về ảnh hưởng của bối cảnh chung của nền kinh tế, của khó khăn cả hệ thống trong quý đầu năm này; bên cạnh đó còn là những hạn chế trong hoạt động đầu tư tài chính. Nhưng dữ liệu về kết quả kinh doanh quý 1/2008 của ACB vừa xuất hiện đã xóa tan những nghi ngại đó.

Ngày 10/4, nhà đầu tư ngắm cổ phiếu ACB trên sàn đang bàn đến con số lợi nhuận 501 tỷ đồng trong quý 1 của ngân hàng này, tăng gấp 1,2 lần so với cùng kỳ 2007. Theo ACB, “kết quả lợi nhuận đạt được rất ấn tượng trong 3 tháng đầu năm là một động lực rất lớn để ACB hoàn toàn tin tưởng sẽ đạt chỉ tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng vào cuối năm 2008”.

Sau hai ngân hàng cổ phần đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng có thông báo về kết quả kinh doanh kỳ tương ứng.

Kết thúc quý I, lợi nhuận MB đạt 240 tỷ đồng, bằng 31.2% so với kế hoạch 2008. Theo MB, đây là bước tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh thị trường ngân hàng gặp nhiều khó khăn từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, cũng như cuộc đua lãi suất căng thẳng những tháng đầu năm…

Kế đến là Ngân hàng Kỹ thương Techcombank. 3 tháng đầu năm, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng và tiếp tục khẳng định mục tiêu lãi gấp đôi năm 2007 (dự kiến đạt khoảng 1.500 tỷ đồng).

Như vậy, bước đầu số liệu công bố cho thấy cỗ máy lợi nhuận của những ngân hàng cổ phần lớn vẫn đang vận hành đúng tốc độ, bỏ lại sau lưng những hoài nghi và lo ngại. Còn lại, sự khẳng định hiện vẫn đang hướng về những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, hoặc mới thành lập.

Về con số lợi nhuận của những ngân hàng trên, hiện có những hướng giải thích khác nhau.

Với Sacombank, quy mô vốn và mạng lưới dẫn đầu khối cổ phần là một thế mạnh. Và theo giải thích của lãnh đạo ngân hàng này, trong bối cảnh khó khăn chung, “Sacombank có điểm khác biệt là có chiến lược, kế hoạch quản trị mang tính dự phòng chuẩn mực nên mức độ ảnh hưởng nằm trong tầm kiểm soát”. Ngân hàng này cũng được biết đến ở nỗ lực đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm trước đó và cả kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh trong thời gian tới.

Với ACB, điểm mà nhiều nhà đầu tư tính đến là khả năng sinh lợi lớn từ hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt sôi động trong hai tháng đầu năm. Ngoài ra, nguồn thu của ACB đang tách dần sự lệ thuộc từ tín dụng, chuyển dịch mạnh sang dịch vụ, hạn chế được những bất ổn chung trên thị trường trong thời gian qua.

Tương tự, MB và Techcombank cũng đang đẩy mạnh phát triển công nghệ và tăng nguồn thu từ dịch vụ. Với MB, mục tiêu cải tổ chiến lược phát triển giai đoạn 2004 – 2008 đang được hoàn tất. Trong khi Techcombank đang bám sát mục tiêu có nguồn thu dịch vụ dẫn đầu khối cổ phần.

Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn đầu năm, đặc biệt về chi phí vốn đầu vào, lợi thế tăng thu nhập đã thuộc về những ngân hàng chủ động vốn, cho vay ra trên thị trường liên ngân hàng để hưởng “siêu lãi suất” hấp dẫn. Ngược lại, đây cũng là bất lợi lớn đối với một số thành viên khác, hiện đang chờ kiểm chứng ở kết quả kinh doanh quý 1/2008, dự kiến sẽ sớm được công bố.