17:38 21/03/2010

Bất ổn thị trường liên ngân hàng: Thanh tra là đủ?

Nguyễn Hoài

Xét cho cùng, khi mạng lưới không được mở rộng thì mong muốn huy động tốt ở thị trường 1 chẳng khác nào... đánh đố

Đã là kinh doanh ngân hàng thì lúc nào cũng phát sinh nhu cầu vốn nhưng nếu huy động tốt trên thị trường 1 thì ngân hàng không lạm dụng vốn huy động trên thị trường 2 và ngược lại - Ảnh: Quang Liên.
Đã là kinh doanh ngân hàng thì lúc nào cũng phát sinh nhu cầu vốn nhưng nếu huy động tốt trên thị trường 1 thì ngân hàng không lạm dụng vốn huy động trên thị trường 2 và ngược lại - Ảnh: Quang Liên.
Ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước phát đi “thông điệp” sẽ thanh tra tổ chức tín dụng có tỷ lệ vốn huy động trên thị trường 2 lớn hơn 20% vốn huy động trên thị trường 1.

Có gì bất thường, khiến Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra động thái khá đặc biệt như vậy?

Vì sao phải thanh tra?

Mặc dù bản tin trên phát đi ngắn gọn và giống bất kỳ một hoạt động nghiệp vụ đơn thuần từ cơ quan điều hành nhưng thực tế, đó được coi là động thái kiểm soát và chấn chỉnh lại trật tự trên thị trường liên ngân hàng (hay còn gọi là thị trường 2) vốn đang lộn xộn từ lâu nay.

Theo ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc TienPhongBank, cứ hình dung, nguồn vốn của các ngân hàng được huy động từ nhiều nơi nhưng quan trọng và ổn định nhất vẫn là từ dân cư và tổ chức kinh tế, hay còn goi là thị trường 1.

Song song, các ngân hàng thương mại còn kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng (tức thị trường 2) thông qua hoạt động vay mượn lẫn nhau để bù đắp khi thiếu thanh khoản tạm thời do tài trợ cho các nhu cầu thanh toán hay đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc… nhưng mang tính cấp bách và ngắn hạn.

Đã là kinh doanh ngân hàng thì lúc nào cũng phát sinh nhu cầu vốn nhưng nếu huy động tốt trên thị trường 1 thì ngân hàng không lạm dụng vốn huy động trên thị trường 2 và ngược lại.

Việc phân định rõ chức năng, bản chất từng thị trường như vậy nhằm hướng nguồn lực tài chính từ các định chế tài chính trung gian đến với sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều giá trị của cải cho xã hội; đồng thời, giữ vững an toàn hệ thống hoạt động của các ngân hàng.

Trở lại với động thái thanh tra nói trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) lý giải: phải làm như vậy là bởi Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy những mối lo từng xảy ra trong các năm 2006 và 2007.

Thời điểm đó, một số ngân hàng quy mô nhỏ, hoặc mới chuyển đổi mô hình, do sai lầm từ định hướng kinh doanh nên quá tập trung vào cho vay với mong muốn tạo ra sự đột biến trong tăng trưởng quy mô, hoặc tài trợ cho những lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Sự việc thái quá đến mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm vọt tới hàng chục phần trăm/năm. Gặp lúc thanh khoản bất ổn, khá nhiều ngân hàng lâm vào khó khăn và nguy cơ mất ổn định cả hệ thống trở thành hiện thực…

Còn hiện tại, đang có những ngân hàng thương mại do huy động vốn trên thị trường 1 bị hạn chế đã sử dụng nguồn vốn huy động trên thị trường 2 cho vay thị trường 1, tạo ra những rủi ro tiềm ẩn cho cả hệ thống. Đáng chê trách hơn, có những “ông chủ” cùng một lúc nắm mấy ngân hàng đã tiến hành giao dịch “đan chéo” lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng, gây nên tình trạng lộn xộn.

“Việc thanh tra trên là rất cần thiết nhằm xem cấu trúc nguồn vốn ngân hàng thương mại có an toàn hay không và nếu không an toàn, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng những biện pháp hạn chế hoạt động đối với họ. Và điều này còn gián tiếp thúc đẩy các ngân hàng chuyên cho vay trên thị trường liên ngân hàng thay đổi hành vi, tích cực hướng dòng vốn nhiều hơn đến thị trường 1”, ông Bảo nhấn mạnh.

Giải quyết vấn đề từ nhiều phía

Một băn khoăn đặt ra, nếu thị trường 1 luôn đem lại sự ổn định, phát triển bền vững cho ngân hàng thì tại sao họ không chú trọng phát triển kênh vốn này mà lại “kiếm ăn trên lưng của nhau” ở thị trường 2? Như vậy, sự bất thường đang ở thị trường 1 chứ không chỉ ở thị trường 2?

Ông Đào Trọng Khanh nhận xét rằng, dòng vốn từ thị trường 1 hiện nay chưa thực sự phát triển bền vững là một thực tế và điều này xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng trước hết là do mạng lưới cũng như các kênh tiếp cận nguồn vốn trên thị trường 1 của các ngân hàng bị hạn chế.

Trên thị trường, ngoài 4 ngân hàng thương mại lớn của nhà nước như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank có hệ thống mạng lưới rộng rãi hàng nghìn điểm thì số ngân hàng sở hữu mấy trăm điểm hiện diện thương mại như Sacombank hay ACB là không nhiều. Thay vào đó, chủ yếu trên thị trường là mỗi ngân hàng sở hữu khoảng vài trăm đến vài chục điểm hiện diện thương mại.

Tiếp theo, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn dòng tiền từ thị trường 1 chảy vào ngân hàng như mong đợi. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác (chứng khoán, vàng) lại cạnh tranh rất dữ dội đối với kênh đầu tư tiền gửi, khiến người dân trước lúc mang tiền đến ngân hàng luôn so đo hơn thiệt.

Còn theo nhận xét của bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì một yếu tố khác không kém phần quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường 1 hoạt động ổn định là định hướng và chỉ đạo của hội đồng quản trị và ban lãnh đạo.  Nếu chỉ nhìn thấy những mục tiêu ngắn hạn thì họ sẽ chỉ tập trung vào huy động và cho vay vào các kênh đầu tư nhiều rủi ro; còn nếu họ xác định một tầm nhìn chiến lược dài hơi và bền vững thì họ tập trung vào thị trường 1.

Ông Bảo cho rằng, trong kinh doanh ngân hàng hiện nay, nếu ngân hàng nào biết kiềm chế ham muốn tăng trưởng nóng, triển khai nhiều hoạt động nghiệp vụ ở thị trường 1 thì ngân hàng đó phát triển bền vững.

Còn một vấn đề nữa liên quan đến ổn định thị trường 1, đó là quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mở rộng mạng lưới ngân hàng thương mại theo kiểu lấy vốn điều lệ làm chuẩn. Quy định này được hiểu “nôm na” là giả định một ngân hàng thương mại có 2 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ, nếu mở ở đô thị chỉ được 10 chi nhánh và ở nông thôn là 20 chi nhánh (mỗi chi nhánh ở đô thị tương đương 200 tỷ đồng và ở nông thôn là 100 tỷ đồng).

Do đó, ngân hàng thương mại muốn thêm chi nhánh thì phải… “thêm” vốn điều lệ và chừng nào vốn điều lệ chỉ giữ ở mức 2.000 tỷ đồng như ví dụ trên thì chỉ có thế.

“Quy định như vậy là cứng nhắc, những ngân hàng nhỏ như chúng tôi không phải lúc nào muốn tăng vốn điều lệ là có thể!”, Tổng giám đốc một ngân hàng nói.

Như vậy, phải chăng để thị trường 1 phát triển bền vững, ngoài các yếu tố ổn định vĩ mô để hướng tới lãi suất thực dương cho bên gửi tiền, xác định chiến lược phát triển bền vững của các ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nhà nước nên bớt cứng nhắc, tạo điều kiện nhiều hơn cho các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hoặc mới ra đời mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch?

Bởi xét cho cùng, khi mạng lưới không được mở rộng thì mong muốn huy động tốt ở thị trường 1 chẳng khác nào... đánh đố.