22:47 22/03/2008

Bên trong cuộc “cách mạng” của FED

Kiều Oanh

Một số tờ báo của Mỹ đã gọi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke, là một “nhà cách mạng”

Ở một phương diện nào đó, Bernanke đang hành động theo những gì mà người tiền nhiệm của ông, cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan, đã làm.
Ở một phương diện nào đó, Bernanke đang hành động theo những gì mà người tiền nhiệm của ông, cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan, đã làm.
Sự phát triển cao và mức độ hiện đại của hệ thống tài chính Mỹ đòi hỏi Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) có những biện pháp can thiệp mang tính “cách mạng” để giải quyết khủng hoảng.

Nhưng những biện pháp này cũng có thể vô hiệu hoặc dẫn tới những tác dụng phụ ngoài sự mong đợi của FED.

Sự “tiến hóa” của hệ thống tài chính

Một tập đoàn tài chính khổng lồ và hiện đại như Bear Stearns - ngân hàng đầu tư lớn thứ 5 của nước Mỹ - phải mất nhiều năm mới xây dựng được. Nhưng Bear Stearns có thể đã phá sản hoàn toàn nếu FED không ra tay dàn xếp và cấp khoản vay 30 tỷ USD để JP Morgan Chase mua lại tập đoàn này.

Nhiều người cho rằng, việc FED cứu Bear Stearns và Phố Wall khỏi những sai lầm chính họ gây ra là một việc làm “nhân đạo” quá mức cần thiết. Nhưng trên thực tế, FED đã bỏ ra 30 tỷ USD ngân sách công vì lợi ích chung.

Bear Stearns có liên quan tới các hợp đồng nghiệp vụ phái sinh phức tạp có tổng trị giá lên tới 10.000 tỷ USD. Nếu Bear Stearns sụp đổ, rất nhiều đối tác của Bear Stearns ở Mỹ và trên khắp thế giới sẽ chao đảo, thị trường sẽ hỗn loạn trong cơn khủng hoảng niềm tin và khó có thể lường trước được hậu quả đáng sợ đối với kinh tế Mỹ. Bear Stearns không hẳn là một tập đoàn quá lớn, nhưng lại có sự ràng buộc quá lớn với những bộ phận khác trong hệ thống.

Mối quan hệ qua lại và ràng buộc lẫn nhau đã trở thành một đặc điểm chủ đạo trong nền tài chính hiện đại.

Vào những năm 1980, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán - bao gồm các loại cổ phiếu và trái phiếu - được thúc đẩy mạnh mẽ bởi lãi suất hạ, công nghệ mới và hoạt động cải tổ doanh nghiệp. Trong thập niên 1990, lãi suất thấp tiếp tục là một động lực tuyệt vời cho kinh tế Mỹ, giúp thúc đẩy đầu tư và công nghệ cao, đem đến năng suất và tăng trưởng cao hơn.

Nhưng bước sang thế kỷ 21, sự phát triển bùng nổ trước đó của thị trường chứng khoán và lĩnh vực công nghệ đã xẹp xuống. Các tập đoàn tài chính lúc này đã trở nên giàu có bắt đầu tìm kiếm các cách thức săn lợi nhuận mới. Nhờ công nghệ cao, họ thiết kế ra những nghiệp vụ phái sinh phức tạp, trong đó có đầu tư cho vay mua nhà và sử dụng danh mục nợ này để chứng khoán hóa, phát hành chứng khoán bất động sản bán ra thị trường. Lúc này, mức lãi suất thấp chủ yếu thúc đẩy hoạt động đi vay xây nhà để bán, đẩy giá nhà tăng cao, chứ không còn tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Cũng nhờ lãi suất thấp, các ngân hàng có thể vay nợ nhiều hơn, để cho vay nhiều hơn, và như thế, họ thu được nhiều lợi nhuận hơn và cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Kết quả, một hệ thống khổng lồ và phức tạp đã được tạo ra, với tầng tầng lớp lớp người cho vay và người đi vay, và ai trong số đó cũng phải gánh vô số rủi ro mà yếu tố quyết định là tình hình giá nhà.

Trong một thập kỷ trở lại đây, hệ thống này “phồng” lên mạnh mẽ, khiến thị trường bất động sản đã nóng lại nóng thêm. Tới năm 2007, ngành tài chính đã đóng góp 40% lợi nhuận doanh nghiệp ở Mỹ, trong khi chỉ thuê có 5% nhân công trong khu vực kinh tế tư nhân. Cùng với đó, lượng nợ của ngành này, từ chỗ chỉ tương đương có 5% so với nợ của khu vực phi tài chính, tới nay đã lớn bằng một nửa.

Qua thời gian, hệ thống tài chính bắt đầu rời xa dần chức năng nhiệm vụ ban đầu của mình là quản lý và giao dịch các dòng tiền cho nền kinh tế. Thay vào đó, hệ thống này dần trở thành một “sòng bạc” với những “ván bạc” dành cho hoạt động săn đuổi lợi nhuận và đầu cơ.

Cuộc “cách mạng” của FED

Với quy chế quản lý lỏng lẻo, thay vì phải duy trì dự trữ để đề phòng những tình huống xấu, các tập đoàn đã dốc sạch vốn để đầu tư. Và cũng nhờ quy chế lỏng lẻo, việc “mua” một cơ quan xếp hạng tín dụng để có được mức xếp hạng cao cũng không phải là một việc khó.

Nhưng đến lúc này, trò chơi đã kết thúc. Giá nhà quay đầu rơi tự do đã khiến số nợ xấu tăng vọt, các khoản thâm hụt tài sản và thua lỗ cũng vì thế mà phình ra, trong khi tính thanh khoản sụt giảm. Đáng sợ hơn, các bên đối tác trong hệ thống đã mất niềm tin ở nhau. Và trong một thị trường với sự tương tác qua lại lớn như hiện nay, sự mất niềm tin này đã lan rộng ra khắp thị trường.

Để cứu vãn cuộc khủng hoảng tài chính được coi là lớn nhất kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng, FED đã phải thực hiện những biện pháp can thiệp mang tính “cách mạng”. Một số tờ báo của Mỹ đã gọi Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke là một “nhà cách mạng”.

Vào ngày 16/3, cùng với việc rót vốn cho JP Morgan Chase để mua lại Bear Stearns và cắt giảm lãi suất chiết khấu, FED đã quyết định cho vay trực tiếp các ngân hàng đầu tư cũng như các công ty môi giới chứng khoán đang kẹt vốn. Đây là biện pháp can thiệp thị trường hiếm gặp trong lịch sử của FED. Sau đó vào ngày 18/3, FED lại một lần nữa cắt giảm lãi suất cơ bản và lãi suất chiết khấu.

Trước cánh cửa đóng chặt của các tổ chức cho vay ngắn hạn, FED đã trở thành địa chỉ cầu viện cuối cùng, không chỉ của các ngân hàng thương mại mà cả những ngân hàng đầu tư khác. Sự can thiệp này đã nâng mối quan hệ của FED với thị trường tài chính lên một nấc mới và cho thấy rõ, Chủ tịch Bernanke sẽ còn thực hiện bất kỳ biện pháp nào có thể để ngăn chặn một “thảm họa” tài chính.

Vẫn là suy thoái…

Nhưng biện pháp này cũng chỉ giúp Phố Wall thoát khỏi tình trạng kẹt vốn tạm thời, vì những tập đoàn tài chính ở đây vẫn có thể phải gánh thêm những khoản lỗ lớn và rơi vào cảnh vỡ nợ. Khả năng thua lỗ này phụ thuộc vào khả năng “được trả lại” của các khoản vay cầm cố và vay tiêu dùng. Đến phần mình, khả năng trả nợ lại phụ thuộc và độ rơi sâu của giá nhà và số vụ tịch biên tài sản.

Tính toán mới nhất của Goldman Sachs cho thấy, giá nhà ở Mỹ sẽ giảm khoảng 1/4 so với mức đỉnh trước khi dừng lại. Mức giảm này tương đương với khoản thua lỗ sau thuế 1.100 tỷ USD, tương đương với 8% GDP của nước Mỹ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài và các hãng bảo hiểm cũng phải gánh một phần khoản lỗ này, do đó, các công ty tài chính Mỹ sẽ lỗ khoảng 300 tỷ USD, bằng 2% GDP, tương đương 20% vốn tự có của các tổ chức này.

Nhiều người cho rằng, khi mà thế giới tràn ngập tiền tiết kiệm như hiện nay, các ngân hàng có thể huy động vốn và vay tiền dễ dàng. Nhưng tiếc thay, mọi việc không đơn giản như vậy.

Những người vay tiền mua nhà sẽ không thể nhanh chóng bán nhà và thoát khỏi khoản nợ của mình để cắt lỗ. Mặt khác, các cổ đông của các ngân hàng rất có thể sẽ muốn cắt giảm hoạt động cho vay thay vì huy động vốn mới. Lý do là việc huy động thêm vốn sẽ rất tốn kém và làm giảm cổ phần của họ xuống.

Cho tới khi Tổng thống Mỹ, có thể là ông Bush hoặc một vị tổng thống tiếp theo, vạch ra một kế hoạch xóa giảm nợ xấu vay cầm cố, tiêu dùng ở Mỹ - lĩnh vực chiếm 2/3 GDP của nước này - sẽ tiếp tục trì trệ.

Từ năm 2000 đến nay, dân Mỹ đã vay quá tay 3.000 tỷ USD và phải mất 3, 4 năm để giảm số nợ này xuống. Mặt khác, nhiều ngân hàng cho vay đã bị “thôn tính” nên người tiêu dùng sẽ rất khó để vay thêm tiền. Countrywide Financial, ngân hàng cho vay cầm cố lớn nhất nước Mỹ và đã cho vay 2.000 tỷ USD mua nhà từ năm 2000 đến 2006, sẽ bị Bank of America mua lại.

Và cắt giảm cho vay sẽ giống như giọt nước tràn ly, đẩy kinh tế Mỹ rơi thẳng vào suy thoái.

…hay “bong bóng” mới?

Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp của FED sẽ mở đầu cho một chu kỳ “bong bóng” mới. Với mức lãi suất thấp, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng trở lại, nhưng giá bất động sản sẽ lại tăng cao và áp lực lạm phát càng thêm mạnh mẽ.

Ở một phương diện nào đó, Bernanke đang hành động theo những gì mà người tiền nhiệm của ông, cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan, đã làm. Ông Greenspan vẫn cho rằng, FED không nên làm “bong bóng” vỡ trước khi bản thân nó tự vỡ, mà thay vào đó nên làm tấm nệm cho nền kinh tế khi tình trạng “bong bóng” tới hồi kết. Nhưng Bernanke đang tiến xa hơn Greenspan trong việc phản ứng với “bong bóng” vỡ bằng cách sáng tạo ra những biện pháp can thiệp mới như nói ở trên.

Với lãi suất thấp cộng với lượng tiền nhiều hơn trong hệ thống tài chính, nước Mỹ khó tránh khỏi một chu kỳ “bong bóng” mới.

Khi người bệnh đã uống một loại kháng sinh nào đó, các bác sỹ khuyến cáo họ nên uống hết liều để căn bệnh khỏi quay lại với một mức độ mạnh hơn. Trong chính sách tiền tệ cũng vậy, việc dùng đủ liều - tức FED nên cắt giảm thêm lãi suất - là điều tất yếu.

Sau khi thời kỳ suy thoái 2001 kết thúc vào tháng 11 năm đó, Chủ tịch Greenspan vẫn phải tiếp tục việc cắt giảm lãi suất trong vòng 2 năm sau đó để tránh tình trạng giảm phát (giá cả đi xuống).

Nếu lãi suất USD tiếp tục hạ, lạm phát sẽ tăng mạnh, giá trị USD bị xói mòn và có thể dẫn tới một đợt tháo lui khỏi loại ngoại tệ mạnh nhất thế giới này. Năm qua, USD đã mất giá 10% so với đồng tiền của các đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Mặt khác, sự mất giá quá nhanh và quá sâu của USD sẽ khiến các khoản đầu tư tại Mỹ của các doanh nghiệp nước ngoài co lại, có thể khiến họ ồ ạt rút khỏi khỏi thị trường này, đẩy USD mất giá sâu hơn. Và trong trường hợp này, FED không thể bảo vệ được USD nữa. Vũ khí để FED bảo vệ hệ thống tài chính là in thêm tiền, nhưng càng in thêm tiền thì USD càng mất giá.

Để tránh kịch bản tồi tệ này, đòi hỏi phải có sự phối hợp hành động giữa các ngân hàng trung ương trên thế giới. Một số nhà kinh tế lạc quan cho rằng, một cuộc khủng hoảng USD chưa chắc sẽ xảy ra vì lãi suất của hai đồng tiền mạnh là Franc Thụy Sỹ và Yên Nhật đều đang duy trì ở mức thấp. Giờ chỉ cần đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất đồng Euro.

(Theo Business Week, Economist)