Bí ẩn sau công ty 50 tỷ USD chế tạo robot làm ra đủ loại hàng hoá
Là một trong những công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong ngành công nghiệp nhưng Fanuc ít được biết đến do hoạt động bí mật với đại bản doanh nằm sâu trong rừng
Theo Bloomberg, Fanuc, công ty chế tạo robot kín tiếng của Nhật, có thể là nhà sản xuất quan trọng nhất hành tinh bởi đang ngày đêm làm ra đủ loại robot công nghiệp.
Hoạt động sản xuất "bí ẩn"
Trụ sở Fanuc nằm dưới chân núi Phú Sĩ, Nhật Bản, trên khuôn viên rộng lớn với 22 nhà máy không cửa sổ và hàng chục toà nhà văn phòng. Mỗi nhà máy rộng gần 4.000 m2 này là đầy những con robot màu vàng chanh đang làm việc ngày đêm để chế tạo các loại robot sản xuất công nghiệp.
Từ đây, một số robot thành phẩm sẽ được chuyển đi khắp nơi tại Nhật Bản - nơi có chính sách nhập cư nghiêm ngặt và dân số đang già, khiến các nhà máy ở mọi quy mô của nước này đang phụ thuộc vào công nghệ tự động hoá. Tuy nhiên, phần lớn trong số robot này được chuyển sang Trung Quốc.
Đại bản doanh của Fanuc nằm trên các khu sườn dốc thấp của ngọn núi cao nhất Nhật Bản, bao phủ bởi khu rừng rậm rạp do CEO sáng lập công ty trồng từ hàng chục năm trước để giữ kín hoạt động kinh doanh khỏi những con mắt tò mò.
CEO Yoshiharu Inaba của Fanuc.
Kể từ khi lên giữ chức chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) công ty vào năm 2003, con trai của nhà sáng lập, Yoshiharu Inaba tiếp tục duy trì truyền thống "bí ẩn" đó. Một năm, ông xuất hiện 2 lần để trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư trong chiếc áo màu vàng chanh - biểu tượng cho hình ảnh của hãng robot này.
Màu vàng được dùng phổ biến tại các nhà máy của Fanuc, làm đồng phục nhân viên, màu sơn xe đưa đón kỹ sư và quản lý quanh khu vực. Theo ông Inaba cha, màu vàng được dùng để dễ dàng phát hiện những người xâm nhập từ bên ngoài, những kẻ làm việc cho các nhà đầu tư, phân tích chứng khoán muốn vén bức màn bí ẩn về công ty sản xuất đủ loại robot từ chế tạo ôtô cho tới làm iPhone này.
Các mẫu robot do Fanuc được dùng trong sản xuất hầu như mọi loại hàng hoá.
Phủ sóng các công xưởng của thế giới
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc, còn được gọi là "công xưởng của thế giới", bắt đầu nổi lên làn sóng tự động hoá, một phần vì mức lương và đời sống được nâng cao và người lao động không còn sẵn lòng làm những công việc đơn điệu và nguy hiểm như trước. Một lý do nữa là các nhà máy bắt đầu định hướng sản xuất với năng suất cao như các đối thủ nước ngoài.
Các robot của Fanuc có thể lắp ráp và sơn ôtô, chế tạo các động cơ phức tạp và sản xuất các phụ tùng phun đúc và linh kiện điện tử khác. Tại các công ty dược phẩm, robot của hãng này có thể phân loại và đóng gói thuốc. Còn ở công ty thực phẩm, chúng có thể cắt, rửa và đóng gói sản phẩm.
Đứng đầu trong tất cả các loại robot của Fanuc là Robodrill có khả năng gia công vỏ kim loại cho điện thoại iPhone của Apple. Năm 2010, khi Apple ra mắt iPhone 4, dòng smartphone đầu tiên dùng vỏ hoàn toàn bằng kim loại, số lượng Robodrill bán ra của Fanuc tăng gấp đôi.
Robot sản xuất do Fanuc chế tạo.
iPhone 8 mới ra mắt của Apple mới đây cũng đẩy doanh số Robodrill của hãng này tăng mạnh, kéo theo đơn hàng từ các nhà sản xuất smartphone lớn của Trung Quốc như Xiaomi, Vivo, Oppo Electronics, và Huawei Technologies. Không chỉ vậy, ngành công nghiệp khắp thế giới cũng bắt đầu tham gia bởi tự động hoá hứa hẹn mang lại năng suất cao và tiết kiệm chi phí lao động.
Trong làn sóng trỗi dậy mạnh mẽ đó, Fanuc rõ ràng là công ty được hưởng lớn. Công ty 50 tỷ USD này hiện đang kiểm soát phần lớn thị trường tự động hoá sản xuất và robot công nghiệp toàn cầu.
Trên thực tế, đây có thể là công ty sản xuất quan trọng nhất trên thế giới thời điểm này, bởi công ty này đang chế tạo thứ mà mọi công ty khác đang dùng để sản xuất ra gần như mọi hàng hoá trên thế giới, Bloomberg nhận định.
Nắm giữ 25% thị phần robot công nghiệp toàn cầu
Đầu năm 2017, trong một cuộc họp công khai hiếm hoi của Fanuc, Phó chủ tịch Kenji Yamaguchi cho các nhà đầu tư biết rằng khoảng 80% quy trình lắp ráp của công ty đang được tự động hoá. "Chỉ có duy nhất việc lắp mạch điện được thực hiện bởi các kỹ sư", ông nói. Và khi bạn có rất nhiều robot có thể sản xuất ra các con robot khác, bạn có thể bán chúng với giá rẻ - khoảng 25.500 USD một robot Robodrill.
Trong số khoảng 4 triệu hệ thống điều khiển máy công nghiệp (CNC) và nửa triệu robot công nghiệp được lắp đặt trên khắp thế giới, Fanuc chiếm khoảng 25%, vượt qua nhiều đối thủ như Yaskawa Motoman và ABB Robotics của Đức (mỗi công ty có khoảng 300.000 robot công nghiệp trên toàn cầu). Robot Robodrill của Fanuc hiện chiếm 80% thị phần robot sản xuất smartphone trên thế giới.
Quý 1/2017, các hãng sản xuất tại Bắc Mỹ đã chi 516 triệu USD để mua robot công nghiệp, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Một khảo sát của Viện Brookings Institution cho thấy các robot này được dùng tại các trung tâm sản xuất ôtô và thép như Indiana, Michigan, và Ohio.
Theo báo cáo này, cứ 1.000 công nhân tại Toledo và Detroit thì có khoảng 9 robot, tỷ lệ tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Phần nhiều trong số này là do Fanuc sản xuất, trong siêu nhà máy Gigafactory của Tesla, hay các nhà kho khổng lồ của Amazon.
Số lượng robot được đưa vào dùng trong sản xuất công nghiệp của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên 160.000, trên tổng số hơn 400.000 robot dự kiến ra đời vào năm 2019.
Tuy nhiên, năm ngoái, vượt qua Mỹ, lượng đơn hàng robot của Trung Quốc là khoảng 90.000, tương đương 1/3 tổng lượng đơn trên khắp thế giới của Fanuc. Doanh thu từ Trung Quốc chiếm khoảng 55% trong doanh số 5 tỷ USD của công ty này trong quý 1/2017.
Hiệp hội Robot quốc tế dự báo, tới năm 2019, lượng đơn hàng robot của Trung Quốc sẽ tăng lên 160.000 và Fanuc dự định sẽ mở hẳn một nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
CEO Yoshiharu Inaba cho biết công ty này sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường Trung Quốc. Ông cho rằng robot là công cụ giúp cuộc sống con người tốt và dễ dàng hơn nhờ giảm nhẹ công việc hàng ngày và có thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc kiểm soát và quản lý.
"Robot sẽ không thể thay thế con người hoàn toàn. Mọi quy trình tự động hoá sẽ giúp con người rảnh tay và rảnh cả trong tâm trí", Tanaka nói