23:42 26/02/2012

Bĩ cực ngân hàng nhóm 4

Nguyễn Hoài

Không được tăng tín dụng, bị đối thủ biến đó thành cơ hội giành khách hàng, không ít còn bị Ngân hàng Nhà nước giám sát đặc biệt

Phân nhóm là một phần trong kịch bản tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà nhà điều hành đang từng bước thực hiện.
Phân nhóm là một phần trong kịch bản tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà nhà điều hành đang từng bước thực hiện.
Không được tăng tín dụng, bị đối thủ biến đó thành cơ hội giành khách hàng, không ít đơn vị còn bị Ngân hàng Nhà nước giám sát đặc biệt. Những ngày này thực sự là bĩ cực với số ngân hàng rơi vào nhóm 4.

Chấp nhận thực tế này, các ngân hàng nhóm 4 đang gồng mình chịu đựng, nỗ lực phấn đấu và đếm từng ngày để được “thăng hạng” sau 6 tháng tới.

Khi những ngân hàng trong diện nhóm 1 đến nhóm 3 được công bố thì danh tính những ngân hàng nhóm 4 cũng dần lộ diện.

“Đánh bóng” và giành khách nhờ phân nhóm!

Cán bộ của một ngân hàng bị xếp vào nhóm 4 phân trần: “Những ngày này chúng tôi rất khó khăn, tín dụng không được tăng, còn bị ngân hàng khác cướp mất khách”.

Qua tìm hiểu, không ít ngân hàng thương mại cổ phần trong diện nhóm 1 và 2, bằng cách nào đó có được danh sách những ngân hàng nhóm 4, đã tranh thủ cơ hội đó để “vợt” khách hàng. Tại phòng giao dịch một ngân hàng nhóm một, nhân viên chìa danh sách những ngân hàng nhóm bốn cho khách gửi tiền và nói thẳng: “Gửi vào đây, đừng gửi vào những ngân hàng nhóm 4 đấy, kẻo mất cả chỉ lẫn chài!”.

Trong điều kiện lãi suất tiền gửi cùng 14%/năm, phần lớn khách hàng không muốn gửi vào nơi bất an nên nguồn tiền gửi của ngân hàng nhóm bốn cứ vợi dần.

Các ngân hàng nhóm 4 còn phải chịu đựng thêm một áp lực khác là bị áp dụng các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo của Ngân hàng Nhà nước. Cán bộ một ngân hàng trong diện này cho biết, một ngày sau khi nhận được thông báo phân nhóm, một tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đến ngồi kè kè, “canh” từng đồng ra, đồng vào. Mọi tài khoản giao dịch nhận tiền gửi, cho vay, thu hồi công nợ, cân đối sổ sách đều bị tổ giám sát canh chừng và “soi” rất nghiêm ngặt. Những hạch toán chi phí cũng bị để mắt tới, khiến công việc kinh doanh không được thoải mái như trước.

Đáng chú ý, một bộ phận khá lớn ngân hàng trong nhóm 3 (chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ 8% trong năm nay) cũng khổ sở không kém vì những lời đồn mà Habubank là một ví dụ.

Một cán bộ của ngân hàng này trần tình: “Habubank trong thời gian vừa qua gặp rất nhiều tin đồn không tốt. Trong thời điểm khủng hoảng, mặc dù giảm 45% doanh số so với cùng kỳ năm trước nhưng Habubank là ngân hàng đầu tiên công khai lợi nhuận lỗ quý 4/2011. Chúng tôi luôn đề cao sự minh bạch và tự nhìn nhận mình để tiếp tục cải tổ”.

Theo ông này, dù lỗ trong quý 4 nhưng cân đối cả năm 2011, lợi nhuận Habubank vẫn đạt trên 300 tỷ đồng.

Gồng mình chống cự

Theo Chỉ thị 01/CT-NHNN, những ngân hàng thuộc nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng. Theo đó, để duy trì hoạt động, chủ yếu phụ thuộc vào kết quả thu hồi công nợ.

Bởi vậy, họ bắt đầu thành lập hẳn ban xử lý công nợ và ráo riết truy thu những khoản nợ quá hạn và ngấp nghé đến hạn. Thậm chí như trước đây, có những hợp đồng quá hạn hẳn vài tuần đến một tháng mới bị ngân hàng thúc ép thì nay, những hợp đồng còn cả tuần mới đến hạn trả nhưng ngân hàng đã cho nhân viên đến rục rịch đánh động thu nợ.

Tuy nhiên, theo phó tổng giám đốc một ngân hàng, việc thu hồi nợ trong bối cảnh hiện nay không hoàn toàn đơn giản. Bởi, khi khoản nợ rơi vào nhóm 5 (nợ xấu có nguy cơ mất vốn) thì gần như chắc chắn, khách hàng không còn khả năng trả nợ, buộc ngân hàng phải thanh lý tài sản. Nhưng, quá trình thanh lý, phát mại tài sản không phải lúc nào cũng thuận lợi do thủ tục nhiêu khê của luật pháp. Với tài sản đảm bảo là nhà đất, không phải ngân hàng muốn bán ngay là được, nhất là trong điều kiện thị trường đình trệ như hiện nay.

Chưa kể, có nhiều trường hợp, con nợ ngoài việc không chịu giao tài sản đảm bảo, còn thuê luật sư kiện ngược và vụ việc phải đưa ra tòa. Thực tế, không ít hợp đồng tín dụng không kín kẽ về mặt pháp lý, cộng với yếu tố vi phạm đạo đức nghề nghiệp nên kết cục, nợ vẫn hoàn là nợ.

Cùng với thu hồi nợ, cơ cấu lại danh mục tài sản và lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản, những ngân hàng nhóm bốn bắt đầu xoay ra định hướng lại mục tiêu hoạt động, trong đó tập trung chủ yếu cho bán lẻ và nâng cao dịch vụ sản phẩm. Thế nhưng, bán lẻ là một quá trình, gắn với sự xác định mục tiêu hoạt động và kết quả của đầu tư, từ hệ thống core banking đến mạng lưới hữu hình, nên muốn nâng ngay doanh số hoạt động mảng này cũng không thể trong chốc lát.

Ngoài ra, để làm “đẹp lòng” Ngân hàng Nhà nước, một vài ngân hàng nhóm 4 cũng tích cực đưa ra các chương trình tín dụng cho “tam nông”, doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô tới cả nghìn tỷ đồng, với mong muốn để nhà quản lý hiểu rằng, họ đang tự chữa trị mình và nắn hoạt động theo đúng theo mục tiêu điều hành để hy vọng sau 6 tháng sẽ được “thăng hạng”!

Một vấn đề đặt ra ở đây, những khó khăn của ngân hàng nhóm 4 có lây lan cho cả hệ thống và làm khó Ngân hàng Nhà nước?

Một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình “chữa trị” khoảng chục ngân hàng nhóm 4, Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng ứng cứu kịp thời để đảm bảo thanh khoản chi trả tức thời và bảo vệ quyền lợi hợp pháp người gửi tiền. Và đó là một phần trong kịch bản tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà nhà điều hành đang từng bước thực hiện từ đầu năm 2012 và kéo dài khoảng 5 năm tới.