11:51 19/03/2007

Bí quyết lãnh đạo của Jack Welch

Hãy mời những nhân viên không chia sẻ giá trị của công ty, dù hoàn thành nhiệm vụ, nghỉ việc

Tuy bị một số ý kiến phê bình phong cách lãnh đạo của ông, Jack Welch vẫn được coi là CEO thành công nhất - Ảnh: AFP.
Tuy bị một số ý kiến phê bình phong cách lãnh đạo của ông, Jack Welch vẫn được coi là CEO thành công nhất - Ảnh: AFP.
Jack Welch là cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) tập đoàn General Electric (GE). Ông có công lớn trong việc phát triển GE.

Năm 1981, năm ông trở thành CEO, doanh số của GE khoảng 25 tỉ đô la Mỹ, lợi nhuận 1,5 tỉ, giá trị thị trường khoảng 12 tỉ; năm 2001 là năm ông về hưu, doanh số của GE xấp xỉ 130 tỉ, lợi nhuận 12,7 tỉ, giá trị thị trường khoảng 400 tỉ.

Tuy bị một số ý kiến phê bình phong cách lãnh đạo của ông, Jack Welch vẫn được coi là CEO thành công nhất. Tạp chí Fortune tặng cho ông danh hiệu “CEO tạo ra giá trị cao nhất thế giới”. Giá trị thị trường của GE từ 1993 đến 1998 luôn đứng đầu và đã có lúc lên tới 598 tỉ. Những cuốn sách viết về những kinh nghiệm quản lý và lãnh đạo của ông luôn được người đọc, nhất là giới kinh doanh, đón nhận.

Dưới đây là tóm tắt một số bí quyết lãnh đạo của Jack Welch từ cuốn “29 Leadership Secrets from Jack Welch”.

Bí quyết 1: Tận dụng sức mạnh của sự thay đổi

Bí quyết quan trọng và đầu tiên là thay đổi trước khi quá muộn. Thế giới đang thay đổi và không gì có thể thay đổi sự thay đổi đó. Vì thế những nhà lãnh đạo kinh doanh “sợ” thay đổi sẽ không thành công lâu.

Nhà lãnh đạo giỏi phải dự đoán được xu thế thay đổi của thế giới, phải "dạy" cho nhân viên biết rằng sự thay đổi không bao giờ kết thúc và phải xem thay đổi là một cơ hội hay ít nhất là một thách thức hoàn toàn có thể vượt qua nếu như chúng ta làm việc chăm chỉ và thông minh.

Bí quyết 2: Đối diện với sự thật

Sự thật đôi khi không như mong muốn của chúng ta. Những nhà lãnh đạo thành công chấp nhận sự thật, phân tích nó và sẵn sàng thay đổi chiến lược, kế hoạch kinh doanh để phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Điều quan trọng là chúng ta phải làm điều này nhanh.

Bí quyết 3: Giảm cường độ mà tăng hiệu quả quản lý

Nhà quản lý phải tôn trọng và truyền cho nhân viên bên dưới sự tự tin. Hãy giảm bớt sự quản lý, giám sát và để cho họ tự chủ nhiều hơn; họ sẽ làm chúng ta ngạc nhiên vì những kết quả mà họ mang lại. Không chỉ thế, các cấp quản lý hãy suy nghĩ tầm cao và rộng hơn, đem đến cho công ty những ý tưởng có giá trị thay vì tăng giám sát, quản lý làm giảm hiệu quả và khả năng sáng tạo của nhân viên.

Bí quyết 4: Kiến tạo tầm nhìn và chỉ ra hướng đi

Người lãnh đạo phải biết cách lấy những thông tin quan trọng bằng việc luôn nghiên cứu động thái của thị trường, của đối thủ cạnh tranh trong ba năm vừa qua, và trong tương lai. Các nhà quản lý không có tài năng lãnh đạo thì hay làm phức tạp vấn đề và không tạo được cảm hứng cho người khác. Trong khi nhà quản lý có tài phải là người tạo ra cảm hứng cho người khác với tầm nhìn, hướng đi rõ ràng.

Bí quyết 6: Nuôi dưỡng những nhân viên chia sẻ giá trị cốt lõi của công ty

Hãy chia nhân viên theo hai tiêu chí: một là tạo ra kết quả, hoàn thành công việc và hai là chia sẻ giá trị cốt lõi của công ty.

Hãy hỗ trợ, khen ngợi, tạo điều kiện, phát triển mạnh mẽ nhân viên vừa hoàn thành công việc, vừa theo đuổi giá trị cốt lõi của công ty. Hãy đem tới cơ hội cho những nhân viên chưa hoàn thành nhiệm vụ nhưng cam kết theo đuổi giá trị cốt lõi của công ty. Có thể họ đang ở vị trí chưa thích hợp, hãy chuyển họ qua nơi thích hợp hơn.

Hãy mời những nhân viên không chia sẻ giá trị của công ty, dù hoàn thành nhiệm vụ, nghỉ việc. Việc làm này có thể khó nhưng chúng ta không còn cách nào khác.

Không thể cùng làm việc với những những người không chia sẻ giá trị cốt lõi, không cam kết với công ty. Họ không phải là tương lai của công ty.

Bí quyết 11 và 12: Tạo ra môi trường học hỏi lẫn nhau và luôn tìm kiếm ý tưởng hay

Nhà lãnh đạo phải tạo ra một môi trường ý tưởng. Ý tưởng phải được tạo ra và chia sẻ ở mọi cấp mọi nơi trong công ty. Phải bỏ ngay suy nghĩ rằng ý tưởng hay chỉ xuất phát từ cấp quản lý. Ý tưởng hay có thể xuất hiện ở mọi nơi, mọi cấp, ngay cả cấp thấp nhất. Khi tìm ra ý tưởng nhớ khen thưởng người có ý tưởng và đưa vào thực hiện ngay.

Bí quyết 18 và 19: Tạo động lực cho nhân viên

Cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động là “giải phóng” năng lượng, sự thông minh và tính tự tin của nhân viên. Quản lý nhân viên quá chặt, không tin họ… sẽ đem lại kết quả tồi: nhân viên sẽ bỏ ra hơn 90% thời gian công sức của họ để tìm lỗ hổng của cấp quản lý, và “phá” công ty.

Hãy biến nhân viên thành người chủ thật sự của công ty. Hãy tìm những chương trình để nhân viên tham gia sinh hoạt và xây dựng tinh thần đồng đội. Hãy tạo điều kiện và lắng nghe họ nói.

Bí quyết 21: Hãy cố gắng vượt mục tiêu nhiều lần

Nhà lãnh đạo tài năng phải tạo được cảm hứng cho nhân viên để họ “ráng” và đạt mức cao nhất có thể. Tiềm năng của con người và của tổ chức rất lớn nếu không nói là vô hạn. Nhà lãnh đạo tài năng phải đưa tổ chức của mình đạt đến những đỉnh cao. Tuy vậy phải cẩn trọng trong trường hợp nhân viên đã cố gắng hết mức mà không đạt được mục tiêu. Họ có thể rơi vào tình trạng mất động lực. Hãy công nhận, khen sự cố gắng của họ và xem xét lại mục tiêu.