09:58 09/07/2008

BIDV hạ lãi suất VND và USD: “Làn sóng” mới?

Nguyễn Hoài

Liệu sau động thái hạ lãi suất của BIDV, mặt bằng mới về lãi suất nội và ngoại tệ sẽ được thiết lập?

Việc hạ lãi suất nói trên không phải vì BIDV đang dư vốn mà thậm chí còn bị lỗ hơn 300 tỷ đồng kể từ nay đến hết năm. Trong ảnh là một phòng giao dịch của BIDV.
Việc hạ lãi suất nói trên không phải vì BIDV đang dư vốn mà thậm chí còn bị lỗ hơn 300 tỷ đồng kể từ nay đến hết năm. Trong ảnh là một phòng giao dịch của BIDV.
Liệu sau động thái hạ lãi suất của BIDV, mặt bằng mới về lãi suất nội và ngoại tệ sẽ được thiết lập?

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố: kể từ 9/7/2008 đến 31/12/2008, sẽ giảm lãi suất cho vay VND, USD và cam kết cung ứng đủ ngoại tệ cho doanh nghiệp và người dân.

Lý do BIDV hạ lãi suất?

Theo đó, mức giảm 0,2%/năm, được áp dụng chung cho toàn bộ khách hàng. Đồng thời, giảm riêng 0,6%/năm cho vay ngắn hạn đối với các hợp đồng thuộc một số lĩnh vực và dự án ưu tiên như: dự án trọng điểm của Chính phủ; dự án tạo ra các cân đối lớn cho nền kinh tế như xăng dầu, xi măng, điện lực, sắt thép, than; sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu có thị trường tiêu thụ ổn định, có hợp đồng xuất khẩu điều chỉnh giá…

Cùng với hạ lãi suất VND, BIDV cũng tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngoại tệ đối với hai nhóm hàng. Nếu khách hàng vay ngoại tệ để phục vụ nhập khẩu các mặt hàng nhóm 1 (theo Quy định của Bộ Công Thương) là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu như: phôi thép, phân bón, xăng dầu, chất dẻo, sợi, bông, hóa chất nguyên liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng, dự án sản xuất tân dược… được hưởng mức giảm 2%/năm, tương ứng mức tối đa 8,8%/năm.

Còn đối với vay ngoại tệ nhập khẩu cho các nhóm hàng còn lại, được hưởng mức giảm 1%/năm, tương ứng mức tối đa 9,8%/năm.

Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cũng khẳng định: với vai trò là đơn vị tiên phong, góp phần ổn định tỷ giá và cung cầu trên thị trường ngoại tệ, BIDV cam kết cung ứng đủ ngoại tệ cho nhóm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Chẳng hạn, đối với thị trường liên ngân hàng, BIDV cung ứng kịp thời, thường xuyên và đều đặn trong các ngày giao dịch, trong đó dành khoảng 20% đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng nước ngoài, các doanh nghiệp và cá nhân.

"BIDV hạ lãi suất cho vay là hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm khuyến khích các ngành hàng ưu tiên, góp phần tạo ra cân đối vĩ mô tốt hơn", ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, việc hạ lãi suất nói trên không phải vì BIDV đang dư vốn mà thậm chí còn bị lỗ hơn 300 tỷ đồng kể từ nay đến hết năm.

Làn “sóng mới?

Liên quan đến vấn đề này, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho rằng, chưa thể nói đến chuyện hình thành mặt bằng lãi suất mới tại thời điểm này nhưng trong hoàn cảnh này, ngân hàng nào có thể "hạ" được lãi suất thì nên "hạ".

Cũng theo bà Hương, ngoài BIDV, những ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank hay Agribank đều có thể hạ lãi suất nhằm góp phần khắc phục hai vấn đề.

Một là, sau một thời gian dài đói vốn và chịu áp lực chi phí vốn do lãi vay quá cao, hiện tại nhiều doanh nghiệp đang rất cần vốn với giá thấp hơn. Giải quyết được mấu chốt này, sẽ kích thích nhiều hàng hóa phục vụ xuất khẩu và tạo thêm công ăn việc làm.

Hai là, nếu để lãi suất huy động quá cao, doanh nghiệp có tiền sẽ chẳng cần đầu tư sản xuất mà mang tiền gửi ngân hàng lấy lãi.

Rất có thể, việc hạ lãi suất từ những ngân hàng lớn sẽ buộc các ngân hàng thương mại nhỏ phải hạ theo và số này sẽ gặp khó khăn nhưng xét cho cùng, không thể vì khó khăn của những ngân hàng nhỏ mà để chi phí vốn doanh nghiệp bị ảnh hưởng lây.

Hơn nữa, sản xuất vẫn là chỗ dựa của ngân hàng, và như lời một chuyên gia kinh tế nói: "Doanh nghiệp chết thì ngân hàng sống với ai?".