Big Tech chuyển mình bước vào kỷ nguyên lượng tử
Nhiều doanh nghiệp và tổ chức quốc tế coi năm 2025 là thời điểm vàng của công nghệ lượng tử…

Kỷ nguyên lượng tử đã chính thức bắt đầu, nếu chậm chân trong thế giới công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại phía sau, theo Business Insider.
Lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này tận dụng cơ học lượng tử để giải quyết các vấn đề phức tạp mà máy tính truyền thống không thể thực hiện. Công nghệ hứa hẹn tạo ra nhiều đột phá và cách mạng hóa mọi lĩnh vực từ y học cho đến bảo mật dữ liệu, thu hút đầu tư mạnh mẽ từ các chính phủ, tập đoàn công nghệ lớn và quỹ đầu tư.
Dù thông báo về chip lượng tử tiên tiến của Big Tech chỉ le lói giữa dòng tin tức dày đặc về chiến tranh thương mại và bất ổn chính trị, nhưng vẫn còn rất nhiều thứ đang diễn ra trong ngành công nghiệp lượng tử năm 2025 — năm được Liên hợp quốc tuyên bố là “Năm Quốc tế về Lượng tử”.
BIG TECH ĐẶT CƯỢC LỚN VÀO LƯỢNG TỬ
Sự hoài nghi về khả năng hiện thực hóa lời hứa trong ngành công nghiệp lượng tử đang dần nhường chỗ cho các cuộc thảo luận thực tế xoay quanh câu hỏi “khi nào” thay vì “có hay không”.
Theo nghiên cứu từ Boston Consulting Group (BCG), ngành lượng tử đã thu hút 1,2 tỷ USD đầu tư từ một số quỹ mạo hiểm trong năm 2023, bất chấp tổng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ giảm tới 50%. BCG dự báo máy tính lượng tử có thể tạo ra giá trị kinh tế toàn cầu từ 450 đến 850 tỷ USD và duy trì thị trường phần cứng, phần mềm lượng tử trị giá từ 90 đến 170 tỷ USD vào năm 2040.
Các ông lớn công nghệ đều đang đầu tư mạnh vào phát triển lượng tử trong nỗ lực bắt kịp IBM. Đây là cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực sở hữu nhiều nguyên mẫu chip khác nhau và hệ thống máy tính lượng tử thương mại dựa trên mạch điện đầu tiên, IBM Quantum System One, ra mắt vào tháng 1/2019.
Tháng 2/2025, Amazon công bố chip Ocelot, được đánh giá là bước đột phá trong việc xử lý lỗi và khả năng mở rộng - hai bài toán lớn từng làm chậm quá trình phát triển công nghệ lượng tử. Thông báo của Amazon đưa ra chỉ một tuần sau khi Microsoft giới thiệu chip Majorana và vài tháng sau khi Google trình làng chip Willow tháng 12/2024.
Nvidia cũng không đứng ngoài cuộc. Tại hội nghị GTC năm nay, hãng công bố kế hoạch xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu lượng tử mới tại Boston.
CHÍNH PHỦ CÁC NƯỚC CŨNG KHÔNG NGOẠI LỆ
Cơ quan Dự án Nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA), đơn vị nghiên cứu và phát triển thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, đã mở rộng Sáng kiến Đánh giá Lượng tử (Quantum Benchmarking Initiative) trong năm nay với mục tiêu có thể vận hành thực tế vào năm 2033.
Đầu tháng 4/2025, DARPA công bố lựa chọn 18 công ty để thử nghiệm và phát triển công nghệ tạo qubit - đơn vị cơ bản của máy tính lượng tử, bao gồm qubit siêu dẫn, qubit ion bẫy và một số phương pháp tiếp cận khác.
Microsoft và PsiQuantum hiện đang tiến vào giai đoạn ba, giai đoạn cuối cùng của chương trình lượng tử DARPA. IBM, IonQ và Rigetti Computing là những cái tên mới nhất tham gia sáng kiến này.
IBM dự kiến giới thiệu siêu máy tính lượng tử đầu tiên trên thế giới trong năm nay.

Hệ thống mới sử dụng kiến trúc IBM Quantum System Two dạng mô-đun, được thiết kế để dễ dàng mở rộng và nâng cấp. Công nghệ dự kiến tích hợp hơn 4.000 qubit và nhắm đến việc phá vỡ kỷ lục hiện tại, vượt qua quy mô của máy tính lượng tử lớn nhất hiện có, khoảng hơn ba lần.
Giám đốc Điều hành IBM, ông Arvind Krishna, chia sẻ với giới báo chí hồi tháng 3/2025 rằng điều “phi thường” sắp đến gần với công nghệ lượng tử, và IBM đang ở vị trí lý tưởng để tạo ra thế hệ công nghệ nền tảng tiếp theo.
Dù đang tiến gần đến cuộc cách mạng lượng tử, nhiều chuyên gia an ninh mạng từng cảnh báo công nghệ này mang theo nhiều rủi ro mới.
Không chỉ là quyền riêng tư dữ liệu cơ bản hay thông tin cá nhân bị lộ, từ bí mật quốc gia cho đến blockchain và nhiều lĩnh vực khác, toàn bộ dữ liệu mã hóa có thể dễ dàng bị truy cập và đáng lo ngại hơn là bị thao túng bởi bất kỳ ai sở hữu hệ thống lượng tử có khả năng sửa lỗi hoàn chỉnh.
“Khi bóc tách từng lớp, mọi thứ kết nối internet đều có thể gặp vấn đề”, chuyên gia Holmqvist phân tích. “Chúng ta thường tin rằng liên kết giữa các hệ thống là an toàn, dữ liệu được mã hóa là bất khả xâm phạm, nhưng nếu giả định đó không đúng, có vô số điểm xâm nhập mới vào hệ thống và điều đó thực sự đáng lo”.
Ông Karl Holmqvist, từng là cố vấn an ninh lượng tử cho nhiều cơ quan chính phủ lớn, bao gồm Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và NATO, hiện là Giám đốc Điều hành Lastwall, công ty cung cấp giải pháp an ninh mạng nhằm bảo vệ người dùng trước các mối đe dọa từ máy tính lượng tử.
TUYỂN DỤNG VIỆC LÀM TRONG NGÀNH LƯỢNG TỬ
Theo dữ liệu từ LinkedIn, mức lương cho các vị trí lĩnh vực máy tính lượng tử dao động từ 150.000 USD tới hơn 500.000 USD/năm, tùy theo vai trò và công ty, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn từ phía nhà tuyển dụng.
Ông Yaad Oren, Giám đốc Điều hành SAP Labs, một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới, cho biết nhà tuyển dụng lĩnh vực này đánh giá cao sự tò mò và tinh thần đổi mới.
“Tất nhiên, chúng tôi cần chuyên môn, lượng tử là lĩnh vực khoa học sâu rộng, đòi hỏi kiến thức vững chắc, nhưng nếu theo dõi ngành này, bạn sẽ thấy luôn có nhiều thay đổi”, ông Oren cho biết. “Chúng tôi thực sự tìm kiếm những người có khả năng tạo ra sự thay đổi, và tính tò mò là điều không thể thiếu, bởi chưa chắc công nghệ lượng tử hiện tại sẽ là thành tựu chiến thắng sau cùng”. Ông cho biết thêm: “Giống như việc xây một tòa nhà từ tầng trệt vậy”.