Bình đẳng và đa dạng giới đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Bình đẳng và đa dạng giới hiện nay đang là xu hướng mà các công ty đa quốc gia, tập đoàn nước ngoài quan tâm và đưa vào chiến lược kinh doanh
Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành của Navigos Search, chính vì những lợi ích cụ thể đối với sự tăng trưởng của doanh nghiệp cho nên, bình đẳng và đa dạng giới hiện nay đang là xu hướng mà các công ty đa quốc gia, tập đoàn nước ngoài quan tâm và đưa vào chiến lược kinh doanh.
Là nhà tuyển dụng hàng đầu hiện nay của Việt Nam, Navigos nhận xét như thế nào về tác động của chính sách bình đẳng giới đến các ứng viên cũng như người sử dụng lao động? Các ứng viên thường quan tâm đến những yếu tố nào về bình đẳng giới, nhất là nữ ứng viên?
Theo một báo cáo về chủ đề bình đẳng giới của Navigos Group, người lao động bao gồm nam giới và nữ giới cho biết họ có nghe nói về bình đẳng giới, tuy nhiên chỉ có 44% cho biết công ty họ có quy định về bình đẳng giới, 32% cho rằng công ty không có bất một quy định nào về chính sách này. Cũng chỉ 48% ứng viên cho biết lãnh đạo của công ty có quan tâm đến bình đẳng giới, điều này cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này.
Từ góc độ quản trị nhân sự, lao động nam và nữ có những khác biệt về tư duy và thể chất, và họ có những ưu điểm cũng như rào cản riêng trong việc phát triển sự nghiệp. Việc áp dụng chính sách bình đẳng cho cả hai giới không chỉ giúp người lao động có một chế độ làm việc phù hợp cho mỗi giới, đảm bảo được sự cân bằng giữa công việc cuộc sống, mà còn tạo ra một môi trường làm việc có sự đa dạng trong những kỹ năng chuyên môn, trong tư duy sáng tạo và xử lý vấn đề, điều mà các doanh nghiệp đều muốn hướng đến.
Một doanh nghiệp có sự bình đẳng và đa dạng về giới cũng được đánh giá là hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ đối tượng khách hàng đa dạng hơn cũng như có cơ hội thu hút và giữ chân lao động giỏi một cách hiệu quả hơn.
Liên quan đến kỳ vọng đối với chính sách "bình đẳng giới" tại doanh nghiệp, các ứng viên thường quan tâm đến một số yếu tố như "sự công bằng trong tuyển dụng"; "khoảng cách về lương thưởng và phúc lợi"; "sự thăng tiến công bằng cho cả hai giới"; "những chính sách dành riêng cho nữ giới về sức khỏe và đào tạo";...
Theo bà, khó khăn lớn nhất khi thực hiện chính sách bình đẳng giới ở các doanh nghiệp nói chung là gì? Mức độ quan tâm của lãnh đạo nam, nữ đến vấn đề này như thế nào theo nghiên cứu của Navigos?
Theo quan sát của tôi, có những nhóm ngành nghề khá đặc thù, rất khó để đạt được cân bằng về giới mặc dù doanh nghiệp có chính sách bình đẳng về tuyển dụng và phúc lợi. Đơn cử như trong các lĩnh vực khoa học - công nghê - kỹ thuật – sản xuất, hay còn gọi là STEM. Đây là lĩnh vực mà nhóm nam giới thường nổi trội hơn hẳn, rất ít nữ giới theo đuổi sự nghiệp trong những ngành nghề này. Tuy nhiên, cần khẳng định rắng đây không phải là ngành "chỉ dành riêng chon am giới" vì vẫn có rất nhiều phụ nữ tài năng trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Việt Nam là đất nước có nền văn hóa Á Đông còn mang những thành kiến như "đi làm là việc của đàn ông, phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình" hay "việc nặng là của đàn ông, việc nhẹ nhàng là của phụ nữ", nên trong xã hội ngày nay vẫn còn tồn tại một số thành kiến nhất định về những công việc mà phụ nữ "nên hoặc không nên làm" tại gia đình, xã hội, và tại chính doanh nghiệp.
Chính vì vậy, thách thức lớn nhất khi thực hiện các chính sách về bình đẳng và đa dạng giới là việc thay đổi nhận thức và tư duy của người lao động cũng như người sử dụng lao động. Việc đề xuất áp dụng các chính sách về bình đẳng giới trước hết nên được sự đồng thuận của các cấp cao nhất, vì quan điểm của người lãnh đạo cao nhất sẽ ảnh hưởng đến hành xử của toàn bộ tổ chức. Thay đổi nhận thức và văn hóa doanh nghiệp chỉ có thể thành công khi áp dụng song song mô hình "quản trị từ trên xuống dưới", thông điệp xuyên suốt trong chiến lược truyền thông nội bộ.
Ngoài ra, nhóm lao động nữ giới cũng nhận định rằng rào cản trong việc thăng tiến của họ là vì quan niệm của gia đình, xã hội và của chính họ về trách nhiệm đối với gia đình. Có đến 52% ứng viên trong khảo sát cho biết nam giới có sự tự do tương đối trong việc phấn đấu với công việc tại cơ quan, còn nữ giới có những hạn chế liên quan đến việc chăm sóc gia đình.
Vì vậy, nhóm lao động nữ giới cũng cần được có những chính sách hỗ trợ riêng trong công việc, các khóa đào tạo riêng dành cho lãnh đạo nữ, cũng như sự hậu thuẫn hỗ trợ từ gia đình.
Về mức độ quan tâm của doanh nghiệp về bình đẳng giới, chỉ 48% ứng viên tham gia khảo sát của Navigos Group cho rằng lãnh đạo tại doanh nghiệp họ rất quan tâm đến chính sách này. Con số này cho thấy mặc dù có tín hiệu khả quan về sự quan tâm của doanh nghiệp, việc thật sự triển khai quy định về bình đẳng giới, hoặc truyền thông trong nội bộ doanh nghiệp vẫn chưa được tiến hành một cách hiệu quả.
Vậy nếu người sử dụng lao động quan tâm thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới thì nó sẽ tác động như thế nào tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, thưa bà?
Như đã đề cập ở trên, việc bình đẳng và đa dạng giới đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Theo một số thống kê trên thế giới cho thấy việc áp đụng da dạng giới có liên quan đến hiệu suất của doanh nghiệp, đơn cử như thống kê của tập đoàn McKinsey, việc áp dụng đa dạng về giới trong một quý giúp tăng đến 27% biên lợi nhuận kinh tế.
Chính vì những lợi ích cụ thể đối với sự tăng trưởng của doanh nghiệp, bình đẳng và đa dạng giới hiện nay đang là xu hướng mà các công ty đa quốc gia, tập đoàn nước ngoài quan tâm và đưa vào chiến lược kinh doanh.
Tại Việt Nam, cũng theo khảo sát của Navigos Group cho thấy lãnh đạo nữ cũng đang đảm nhiệm nhiều vị trí cấp cao trong doanh nghiệp, đặc biệt là giám đốc nhân sự chiếm 58%; giám đốc tài chính chiếm 39% và giám đốc điều hành chiếm 33%.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng nhìn thấy được vai trò quan trọng của nữ giới và cởi mở hơn trong việc để nữ giới đảm nhiệm vai trò làm lãnh đạo.