16:01 22/05/2007

Bình Dương - nơi không có cò tín dụng

Hữu Thời

Những thành tích ngoạn mục trong hoạt động tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương

Cán bộ tín dụng phải có "trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch".
Cán bộ tín dụng phải có "trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch".
Nói đến Bình Dương, nằm tiếp cận với Tp.HCM trong vùng động lực kinh tế phía Nam, là người ta nghĩ ngay đó là một địa phương rất năng động và sáng tạo trong cơ chế thị trường, là nơi khởi xướng đầu tiên của cả nước về "Trải thảm đỏ mời đón các nhà đầu tư", đặc biệt là các nhà đầu tư lớn quốc tế.

Hiện tại, Bình Dương đã có 23 khu công nghiệp được Chính phủ cho phép thành lập, với tổng diện tích gần 6.000 ha, trong đó có 1/3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Nhiều khu công nghiệp đã được lấp đầy diện tích, vận hành ổn định cho nhiều loại sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao. Và, điều đáng mừng hơn là hầu hết các sản phẩm do các doanh nghiệp, công ty liên doanh đóng trong các khu công nghiệp phần lớn đều dùng nguyên liệu trong nước sản xuất như điều, tiêu, cao su, gỗ, đất, đá, cá, tôm...

Chính vì có lợi thế đó mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước cứ ồ ạt đổ về Bình Dương lập nghiệp.

Cả tỉnh là một "đại công trường"

Bình Dương không còn là tỉnh nông nghiệp thuần tuý, liên tục nhiều năm nay luôn dẫn đầu cả nước về các chỉ số cạnh tranh. Năm 2006, Bình Dương đạt tốc độ tăng GDP 15% so với năm trước, trong đó lĩnh vực công nghiệp có tốc độ đóng góp tăng cao nhất 25,2% và chiếm tỷ trọng 64,1%, kế đến là thương mại - dịch vụ 29%, còn lại gần 7% là nông nghiệp. Với cơ cấu kinh tế đó, chúng ta có thể nói cả tỉnh Bình Dương là một "Thành phố công nghiệp lớn".

Sự bứt phá phát triển của các ngành công nghiệp, dịch vụ đòi hỏi phải có một loại hình dịch vụ, tài chính - tiền tệ phát triển tương xứng. Thực sự, trước đòi hỏi đó của đông đảo các doanh nghiệp công nghiệp hiện đại trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hàng loạt các tổ chức tín dụng, công nghệ thông tin đồng loạt mở ra, đi vào hoạt động, cạnh tranh quyết liệt để thu hút khách hàng chiếm lĩnh thị phần.

Đây là một thử thách không nhỏ đối với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương. Thế nhưng, hàng năm, chi nhánh Bình Dương vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra. Cụ thể, năm 2006 tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt hơn 4500 tỷ đồng. Tổng dư nợ gần 5.500 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chỉ chiếm 0,25%, thực sự đây là một tỷ lệ quá thấp, tuyệt vời ít nơi đạt được. Nhờ vậy mà chênh lệch thu - chi 197 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch đề ra và tăng 24% so với năm 2005. Tính bình quân đầu người số tiền chênh lệch trong năm là 752 triệu đồng...

Những kinh nghiệm hay của chi nhánh ngân hàng

Tại sao Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương lại đạt được những thành tích ngoạn mục như vậy? Xin nêu một số giải pháp quản trị điều hành, triển khai đồng bộ như sau.

Một là, về tổ chức, thường xuyên cải tiến phong cách tác nghiệp, đặc biệt là đối với cán bộ trực tiếp giao dịch nhằm tạo ấn tượng tốt đối với khách hàng, tăng uy tín và giá trị thương hiệu Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chi nhánh đã chú ý làm tốt công tác bố trí cán bộ có đủ năng lực "cắm" tại một số doanh nghiệp có doanh số hoạt động lớn, nhu cầu thường xuyên để phối hợp xử lý nhanh các giao dịch tín dụng về thanh toán đặc biệt là thanh toán quốc tế, qua đó vừa nắm bắt kịp thời các nhu cầu biến động của khách hàng vừa khơi tăng được nguồn vốn huy động.

Hai là, thực hiện chặt chẽ việc khoán các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể như huy động vốn, tăng trưởng dư nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu..., đến từng người lao động, qua đó lãnh đạo chi nhánh theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện để có hướng chỉ đạo kịp thời. Tạo mối quan hệ tốt với địa phương, các chủ đầu tư đang triển khai các dự án khu công nghiệp, khu dân cư..., theo quy hoạch của tỉnh, nắm bắt nhanh các thông tin về khách hàng có đất được đền bù giải toả, tiến độ đền bù, phối kết hợp nhịp nhàng để tổ chức huy động vốn tại chỗ.

Một điều không kém phần quan trọng nữa quyết định đến tốc độ và kết quả huy động vốn là phải thường xuyên theo dõi diễn biến các sản phẩm, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tổ chức tín dụng khác trên địa bàn, từ đó đưa ra những sản phẩm huy động có tính cạnh tranh, lãi suất hấp dẫn và phù hợp với tình hình cung cầu vốn trên thị trường và tâm lý của khách hàng. Đối với các doanh nghiệp có nguồn thu thường xuyên như bưu điện, điện lực thì ngân hàng thực hiện tốt dịch vụ thu chi, luôn luôn có chính sách ưu đãi hợp lý đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ cao để khai thác nguồn vốn nhàn rỗi.

Ba là, về nghiệp vụ tín dụng, luôn được chú trọng kết hợp giữa định hướng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với thực tế tại địa phương nhằm sử dụng hiệu quả vốn tín dụng góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, giữ vững thị trường truyền thống nông thôn, mà trước hết là tập trung vào các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

Kết gắn việc cho vay khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu để mở rộng các quan hệ về thanh toán quốc tế và mua bán ngoại tệ. Chất lượng tín dụng luôn gắn kết với việc thanh tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro, qua đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót, kiên quyết không hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng, theo đó là thực hiện các chính sách khách hàng, thu hút khách hàng tiềm năng và loại được khách hàng có nguy cơ rủi ro cao, bảo toàn vốn, tăng lợi nhuận.

Tóm lại, để thực hiện mục tiêu xuyên suốt nâng cao năng lực tài chính sức cạnh tranh trên thương trường, tập thể cán bộ cán bộ công nhân viên Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương luôn lao động hết mình vì sự nghiệp chung, tạo độ tin cậy cao và ổn định đối với khách hàng.

Đặc biệt, đối với cán bộ tín dụng phải có "trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch" nhằm hạn chế tới mức thấp nhất rủi ro do nguyên nhân chủ quan gây ra, không để phát sinh việc lợi dụng vay ké, cò tín dụng hoặc tham nhũng "con sâu làm rầu nồi canh", tự mình làm mất khách hàng, mất thị phần trong cuộc chạy đua trên thương trường làm lu mờ vai trò "bà đỡ cho nền kinh tế" tỉnh nhà.