07:22 17/06/2009

Blue-chip đồng loạt giảm điểm, Phố Wall lại đổ dốc

Duy Cường

Ngày 16/6, cổ phiếu nhiều lĩnh vực tiếp tục đi xuống đẩy chứng khoán Mỹ có ngày giảm điểm thứ hai liên tiếp

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm phiên thứ hai trong tuần - Ảnh: AP.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm phiên thứ hai trong tuần - Ảnh: AP.
Ngày 16/6, cổ phiếu nhiều lĩnh vực tiếp tục đi xuống đẩy chứng khoán Mỹ có ngày giảm điểm thứ hai liên tiếp.

Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số nhà mới khởi công ở nước này trong tháng 5/2009 đã tăng 17,2%, lên 532.000 đơn vị (ngôi nhà, căn hộ), từ 454.000 đơn vị trong tháng 4/2009. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, số nhà mới khởi công đã giảm tới 45,2%.

Trong khi đó, số lượng giấy phép xây nhà trong tháng 5 cũng tăng 4% lên 518.000 đơn vị - mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2008. So với cùng kỳ năm ngoái, số giấy phép xây dựng nhà xin cấp mới cũng giảm 47%.

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) trong tháng 5/2009 đã giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/1949.

Nếu loại trừ giá năng lượng và thực phẩm thì chỉ số PPI cơ bản đã giảm 0,1% trong tháng 5, từ mức tăng 0,1% trong tháng 4. Trong tháng 5, giá thực phẩm đã tăng 1,6%, giá xăng tăng 13,9%.

Một thông tin quan trọng khác cũng vừa được công bố hôm thứ Ba, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết sản xuất công nghiệp ở nước này trong tháng 5 đã giảm 1,1% - giảm mạnh hơn so với dự báo của giới phân tích, từ mức giảm 0,7% trong tháng 4.

Chứng khoán giảm điểm ngày thứ hai liên tiếp

Thị trường chứng khoán Mỹ hôm thứ Ba đón nhận hai thông tin tốt xấu lẫn lộn trong khi giới đầu tư không khỏi lo ngại về sức khỏe thực của nền kinh tế có tạo nên sự phục hồi nhanh hay không.

Thị trường mở cửa với mức tăng 0,4% so với phiên trước đó nhờ thông tin tích cực liên quan đến số nhà mới khởi công và giấy phép xây dựng tăng vọt. Các chỉ số tiếp tục duy trì đà tăng đến khoảng 11h20 (giờ địa phương).

Nhưng thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp xuống thấp hơn so với dự báo của giới phân tích, đã sớm đẩy thị trường đi xuống. Sức cầu càng về cuối càng giảm trong khi lệnh bán thì vẫn gia tăng - dù không còn xuất hiện tình trạng bán tháo như phiên đầu tuần.

Đến phiên buổi chiều thì xu hướng giảm điểm được hình thành rõ nét hơn cả khi cổ phiếu khối ngân hàng, hàng hóa cơ bản đồng loạt đi xuống kéo theo chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm khá mạnh vào phút cuối ngày giao dịch.

Sau 3 tháng tăng điểm, chỉ số S&P 500 có lúc đã phục hồi 40% so với thời điểm thị trường xuống thấp nhất trong năm. Giới phân tích nói nền kinh tế đang cần những số liệu để chứng minh về tiến triển thực tế của kinh tế nhằm hỗ trợ cho đà lên của chứng khoán.

Tuy vậy, cứ sau mỗi tin tốt thì lại đi kèm theo một thông tin không khả quan. Diễn biến trái chiều giữa thông tin số nhà khởi công tăng mạnh, nhưng sản xuất công nghiệp lại suy giảm đáng kể trong tháng 5, là một ví dụ điển hình.

Bên cạnh sự giảm điểm của các chỉ số chứng khoán, khối lượng giao dịch trên sàn New York cũng tiếp tục ở mức thấp khi chỉ có 1,18 tỷ cổ phiếu được giao dịch thành công - thấp hơn gần 21% so với mức trung bình/phiên của năm ngoái.

Hầu như tất cả các lĩnh vực đều giảm điểm trong phiên hôm thứ Ba nhưng mức giảm lớn nhất thuộc về khối ngân hàng, bán lẻ và hàng hóa cơ bản.

Số cổ phiếu blue-chip giảm điểm trong chỉ số Dow Jones áp đảo so với cổ phiếu tăng điểm khi có 28 cổ phiếu giảm điểm và chỉ có 2 cổ phiếu của Microsoft và Pfizer lên điểm với biên độ không đáng kể.

Những cổ phiếu giảm điểm mạnh và có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường phải kể đến: cổ phiếu của Alcoa hạ 2,77%, cổ phiếu Bank of America xuống 4,5%, cổ phiếu GE mất 2,81%, cổ phiếu Disney trượt 3,13%, cổ phiếu P&G hạ 2,4%, cổ phiếu Exxon Mobil giảm 1,62%.
Blue-chip đồng loạt giảm điểm, Phố Wall lại đổ dốc - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 16/6 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 16/6: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 107,46 điểm, tương đương -1,25%, chốt ở mức 8.504,67.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 20,2 điểm, tương đương -1,11%, chốt ở mức 1.796,18.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 11,75 điểm, tương đương -1,27%, đóng cửa ở mức 911,97.

Những thông tin đáng chú ý tuần tới:

Thứ Tư: Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke có bài phát biểu quan trọng; công bố số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI); công bố kết quả kinh doanh của FedEx.

Thứ Năm: Công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; công bố kết quả kinh doanh của nhà sản xuất điện thoại BlackBerry - Research In Motion.

VN-Index giảm mạnh nhất châu Á

Ngày 16/6, khắp các thị trường chứng khoán đều giảm điểm trước những hoài nghi về triển vọng phục hồi kinh tế thế giới.

Sau phiên giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Á lại tiếp tục giảm điểm trên diện rộng phiên thứ hai trong tuần.

Sau những ngày lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế trong nhiều tháng qua, các thông tin gần đây từ Mỹ lại khiến giới đầu tư hoài nghi về triển vọng đó. Chính vậy, chứng khoán thế giới phiên đầu tuần xuất hiện đà giảm điểm với biên độ lớn.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã có phiên giảm điểm mạnh nhất trong 1 tháng qua khi mất 1,6% xuống 101,92 điểm.

Ghi nhận thị trường cho thấy, chỉ số VN-Index hôm thứ ba đã giảm điểm mạnh nhất khu vực, vượt qua cả mức giảm 2,86% của chỉ số Nikkei 225 ở Nhật.

Chuyển qua thị trường khác, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) vừa đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất qua đêm ở mức 0,1%/năm. Đồng thời, BoJ cho biết thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất của kinh tế Nhật đã dần được cải thiện sau khi xuất khẩu có tiến triển tích cực hơn và sản xuất công nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 56 năm qua.

Tuy vậy, trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei 225 hôm thứ Ba đã có phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng hơn 2 tháng qua trước làn sóng bán tháo cổ phiếu của giới đầu tư.

Lo ngại về sự phục hồi chậm của nền kinh tế sau khi thông tin hoạt động sản xuất ở New York (Mỹ) suy giảm và đồng Yên lên giá, là nguyên nhân chính đẩy thị trường sụt giảm mạnh.

Cổ phiếu của các hãng buôn thương mại sụt giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Mitsubishi hạ 5,1%, cổ phiếu Mitsui & Co trượt 5,5%, cổ phiếu xuống 6%, cổ phiếu Marubeni hạ 4,2%.

Lo ngại về mức suy giảm cầu hàng hóa và đồng Yên lên giá, cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn đã đồng loạt mất điểm, trong đó cổ phiếu Honda hạ 1,4%, cổ phiếu Toyota xuống 3,4%, cổ phiếu Canon giảm 2,7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 286,79 điểm, tương đương -2,86%, chốt ở mức 9.752,88. Khối lượng giao dịch đạt 2,5 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 17 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan xuống 0,08%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,94%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 1,8%. Chỉ số BSE của Ấn Độ lên 0,81%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam xuống 4,37%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,48%. Chỉ số ASX của Australia xuống 1,8%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
MỹDow Jones 8.612,13 8.504,67 Down107,46Down1,25
Nasdaq1.816,381.796,18 Down  20,20Down1,11
S&P 500923,72911,97Down  11,75Down1,27
AnhFTSE 1004.326,014.328,57 Up    2,56Up0,06
ĐứcDAX4.889,944.890,72 Up    0,78Up0,02
PhápCAC 403.219,58 3.213,95 Down    5,63Down0,17
Đài LoanTaiwan Weighted6.225,566.220,81Down    4,75Down0,08
NhậtNikkei 22510.039,679.752,88Down286,79Down2,86
Hồng KôngHang Seng18.498,9618.165,50Down333,46Down1,80
Hàn QuốcKOSPI Composite1.412,421.399,15Down  13,27Down0,94
Singapore Straits Times2.318,482.286,50Down  30,06Down1,30
Trung Quốc Shanghai Composite2.789,552.776,02Down  13,53Down0,48
Ấn ĐộBSE14.824,1814.996,28 Up120,76 Up0,81
AustraliaASX4.030,403.957,90Down  72,50Down1,80
Việt NamVN-Index493,52471,97Down  21,55Down4,37
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg