Bộ Công Thương: Uber, Grab cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống
Bộ Công Thương cho rằng Uber, Grab chỉ được coi là các đơn vị cung cấp phần mềm, không chịu sự điều chỉnh của các quy định kinh doanh vận tải, gây ra cạnh tranh không bình đẳng
Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Với những tranh cãi về cuộc chiến giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết, cần đánh giá chi tiết và toàn diện hơn về hiệu quả, ưu nhược điểm của từng ứng dụng, phương thức triển khai thực hiện của từng đơn vị, nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho hành khách.
Theo đó, cần bổ sung làm rõ những hạn chế của khung pháp lý, năng lực thực thi của các cơ quan có liên quan về thuế, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, cạnh tranh và kinh doanh vận tải để quản lý hoạt động này.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có ảnh hưởng đến việc thực hiện quyết định 24/QĐ-BGTVT, đặc biệt là các quy định tại khoản 2, điều 45 Thông tư 63 để phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như công tác quản lý nhà nước.
Nội dung mấu chốt để quản lý loại hình cung cấp dịch vụ là cần sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng phần mềm như Uber, Grab chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải theo các hình thức: ký hợp đồng với các lái xe ôtô (dưới 9 chỗ ngồi), lái xe ôtô đăng ký là hộ kinh doanh có ngành nghề dịch vụ vận chuyển hành khách.
Thứ 2, ký hợp đồng với các lái xe mô tô, lái xe mô tô không đăng ký hộ kinh doanh.
Thứ 3 là ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải (các hãng taxi).
"Với quy định hiện hành chưa tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua các ứng dụng thương mại điện tử, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này coi mình chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm và quy định hiện hành cho phép họ giải thích như vậy. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả khó quản lý và không công bằng", Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, vì chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này sẽ không chịu trách nhiệm về các vấn đề bảo đảm an toàn cho khách và người trên đường, trong khi họ chính là đơn vị thu tiền dịch vụ của khách hàng.
"Vì chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống khác như taxi, xe ôm", Bộ Công Thương nêu.
Một điểm nữa, theo Bộ Công Thương, trường hợp doanh nghiệp cung cấp, quản lý các ứng dụng này là doanh nghiệp ở nước ngoài thì việc ta cho các doanh nghiệp đó hoạt động là không phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO (Việt Nam không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới) gây bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để xác định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải (tất nhiên là một dịch vụ kiểu mới) và phải đáp ứng những điều kiện nhất định về kinh doanh vận tải.
Bộ này cũng khẳng định, theo quy định hiện hành, việc cung cấp, quản lý các ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng Uber, Grab hiện nay phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử do vậy, phải được nâng cao quản lý về khía cạnh thương mại điện tử.
"Cần nghiên cứu các biện pháp đảm bảo hoạt động bình đẳng giữa loại hình dịch vụ này với dịch vụ vận tải truyền thống. Đồng thời, tính đến việc dỡ bỏ, giảm thiểu các rào cản hoạt động của các loại hình dịch vụ truyền thống (các biện pháp cấm đường) vì nếu không sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tương tự nhau", Bộ Công Thương đề xuất.