Bỏ giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng: Cửa mở, dè chừng gió độc
Hiếm thấy một văn bản nào mà “số phận long đong” và gây nhiều tranh cãi như Thông tư 13/2010/TT-NHNN
Ngày 30/8/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22, trong đó đề cập hủy bỏ các quy định về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động tại Thông tư 13 và 19.
Không ít tổ chức tín dụng tỏ ra hoan hỉ, khi thay vì huy động 10 đồng chỉ được cho vay 8 đồng, cất bớt 2 đồng dự phòng cơ nhỡ thì nay, gần như “được đồng nào, xào đồng ấy”!
Vì sao gây tranh cãi?
Hiếm thấy một văn bản nào mà “số phận long đong” và gây nhiều tranh cãi như Thông tư 13/2010/TT-NHNN, ban hành ngày 20/5/2010.
Bởi lẽ, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng được quy định tại thông tư này tồn tại được 4 tháng thì ngày 27/9/2010, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành Thông tư 19/2010/TT-NHNN để sửa đổi bổ sung. Chưa dừng lại, ngày 30/8/2011, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “sửa đổi, bổ sung một số điều”, nhưng thực chất là hủy bỏ hẳn các quy định nói trên.
Trước hết, tỷ lệ bảo đảm an toàn cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động được quy định tại Thông tư 13 như sau: tổ chức tín dụng (trừ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở) chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng với điều kiện trước và sau khi cấp tín dụng đều đảm bảo tỷ lệ về “khả năng chi trả” và “các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác” quy định tại thông tư này (Thông tư 13 - PV) và không được vượt quá tỷ lệ dưới đây: Đối với ngân hàng: 80%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 85%
Tuy nhiên, khi quy định trên ra đời, các tổ chức tín dụng đã than phiền vì một lượng vốn sau khi huy động và/hoặc các nguồn vốn khác mà tổ chức tín dụng có được bị giam giữ quá nhiều, trong khi nguồn cấp tín dụng bị thu hẹp.
Tình thế đó buộc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19 sửa đổi một số điều của Thông tư 13. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ thay đổi từ “so với” tại Mục 5, Điều 18 bằng từ “từ”; điều này được diễn đạt lại là: “tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động”, thay vì “tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động”.
Sự khác biệt về bản chất như sau: khi cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng không chỉ phụ thuộc vào kênh huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế mà có nhiều kênh khác như: vốn tự có; hoặc: trong nhiều trường hợp, họ còn sử dụng cả vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng và vốn giao dịch nghiệp vụ thị trường mở để cấp tín dụng.
Vì thế, nếu quy định “tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” thì hóa ra, các tổ chức tín dụng bị giam giữ một lượng vốn rất lớn; ngược lại, quy định “tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” thì các tổ chức tín dụng được giải phóng một lượng vốn nhiều hơn để cấp tín dụng.
Hay nói cách khác, khi cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng chỉ phải “ke” tỷ lệ cấp so với vốn huy động, còn các nguồn khác như lấy trên OMO, vay liên ngân hàng, vốn tự… không phải chịu ràng buộc bởi quy định này.
Tuy nhiên, tại Thông tư 22 ban hành ngày 30/8, Ngân hàng Nhà nước bỏ luôn quy định này. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng “phế” những quy định về nguồn vốn huy động tại Mục 5 của Thông tư 13 và Thông tư 19 như: tiền gửi của cá nhân dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức bao gồm cả tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng); tiền vay của tổ chức trong nước, tiền vay của tổ chức tín dụng khác có kỳ hạn 3 tháng trở lên và tiền vay của tổ chức tín dụng nước ngoài. Cuối cùng là vốn huy động từ tổ chức, cá nhân dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá.
Điều này được hiểu, đã là vốn thì vốn nào cũng được phép cấp tín dụng, hay dân dã hơn là “mèo nào cũng bắt được chuột”.
Người trong cuộc nói gì?
Liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc tại Thông tư 13 và 19, trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc VietinBank nói: “Không nên đặt vấn đề nới lỏng hay thắt chặt ở đây. Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, luân chuyển vốn có vấn đề thì các chính sách quản lý phải cùng chiều với định hướng của Chính phủ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, những quy định về an toàn cũng phải ở liều lượng nhất định để phù hợp với tình hình”.
Chung quan điểm này, nhiều ngân hàng khác cũng rất hân hoan với Thông tư 22, bởi thay vì huy động 10 đồng chỉ cho vay 8 đồng thì nay, họ được cho vay tới 9 đồng hoặc hơn. Hơn thế, những “gông cùm” khác như “25% tiền gửi không kỳ hạn” mới được coi là nguồn vốn huy động cũng được dỡ bỏ.
Nhờ đó, nguồn vốn để các tổ chức tín dụng cấp ra nền kinh tế dư dả hơn và đó là một trong những căn cứ để lãi suất tiền vay sẽ giảm xuống trong thời gian tới như mong muốn của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, dưới cách nhìn cẩn trọng, một chuyên gia ngân hàng phân tích: “Tuy rằng, việc bỏ các giới hạn này sẽ làm cho vay mượn nhau trên thị trường không bị hạn chế, luân chuyển vốn tốt hơn, dung lượng vốn cấp tín dụng nhiều hơn, nhưng nếu không làm chặt khống chế tăng trưởng tín dụng 20% thì cũng giống như cửa mở, khó tránh gió độc”.
Theo ông, nếu “van” tăng trưởng tín dụng 20% không kiểm soát chặt chẽ thì rất nhiều khoản mục đầu tư dưới dạng ủy thác đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp mà bản chất là cấp tín dụng sẽ bùng nổ nhiều hơn và rủi ro là khó tránh. Chưa kể, do sự lách luật này mà lượng tiền đưa ra nền kinh tế thì tăng nhưng về hình thức, hạch toán tín dụng của ngân hàng lại không. Vì thế, lạm phát sẽ còn đeo đẳng.
Hơn nữa, khi đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng không chỉ hoàn toàn mất vốn mà rủi ro đó còn không được bảo hiểm, do trước đó chúng không được trích lập dự phòng rủi ro như các khoản tín dụng thông thường.
Vị này cho rằng, sau khi áp dụng Thông tư 22, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mỗi ngân hàng mà mình cho phép để các tổ chức tín dụng phải hạch toán đúng, tránh hạch toán lẫn lộn giữa tín dụng và đầu tư trong các báo cáo tài chính; nhờ đó, vừa phản ánh đúng bản chất luân chuyển dòng vốn trong nền kinh tế, vừa tránh rủi ro cho hệ thống.
Không ít tổ chức tín dụng tỏ ra hoan hỉ, khi thay vì huy động 10 đồng chỉ được cho vay 8 đồng, cất bớt 2 đồng dự phòng cơ nhỡ thì nay, gần như “được đồng nào, xào đồng ấy”!
Vì sao gây tranh cãi?
Hiếm thấy một văn bản nào mà “số phận long đong” và gây nhiều tranh cãi như Thông tư 13/2010/TT-NHNN, ban hành ngày 20/5/2010.
Bởi lẽ, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng được quy định tại thông tư này tồn tại được 4 tháng thì ngày 27/9/2010, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành Thông tư 19/2010/TT-NHNN để sửa đổi bổ sung. Chưa dừng lại, ngày 30/8/2011, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “sửa đổi, bổ sung một số điều”, nhưng thực chất là hủy bỏ hẳn các quy định nói trên.
Trước hết, tỷ lệ bảo đảm an toàn cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động được quy định tại Thông tư 13 như sau: tổ chức tín dụng (trừ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở) chỉ được sử dụng nguồn vốn huy động để cấp tín dụng với điều kiện trước và sau khi cấp tín dụng đều đảm bảo tỷ lệ về “khả năng chi trả” và “các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác” quy định tại thông tư này (Thông tư 13 - PV) và không được vượt quá tỷ lệ dưới đây: Đối với ngân hàng: 80%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 85%
Tuy nhiên, khi quy định trên ra đời, các tổ chức tín dụng đã than phiền vì một lượng vốn sau khi huy động và/hoặc các nguồn vốn khác mà tổ chức tín dụng có được bị giam giữ quá nhiều, trong khi nguồn cấp tín dụng bị thu hẹp.
Tình thế đó buộc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19 sửa đổi một số điều của Thông tư 13. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ thay đổi từ “so với” tại Mục 5, Điều 18 bằng từ “từ”; điều này được diễn đạt lại là: “tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động”, thay vì “tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động”.
Sự khác biệt về bản chất như sau: khi cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng không chỉ phụ thuộc vào kênh huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế mà có nhiều kênh khác như: vốn tự có; hoặc: trong nhiều trường hợp, họ còn sử dụng cả vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng và vốn giao dịch nghiệp vụ thị trường mở để cấp tín dụng.
Vì thế, nếu quy định “tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” thì hóa ra, các tổ chức tín dụng bị giam giữ một lượng vốn rất lớn; ngược lại, quy định “tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” thì các tổ chức tín dụng được giải phóng một lượng vốn nhiều hơn để cấp tín dụng.
Hay nói cách khác, khi cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng chỉ phải “ke” tỷ lệ cấp so với vốn huy động, còn các nguồn khác như lấy trên OMO, vay liên ngân hàng, vốn tự… không phải chịu ràng buộc bởi quy định này.
Tuy nhiên, tại Thông tư 22 ban hành ngày 30/8, Ngân hàng Nhà nước bỏ luôn quy định này. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng “phế” những quy định về nguồn vốn huy động tại Mục 5 của Thông tư 13 và Thông tư 19 như: tiền gửi của cá nhân dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức bao gồm cả tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng); tiền vay của tổ chức trong nước, tiền vay của tổ chức tín dụng khác có kỳ hạn 3 tháng trở lên và tiền vay của tổ chức tín dụng nước ngoài. Cuối cùng là vốn huy động từ tổ chức, cá nhân dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá.
Điều này được hiểu, đã là vốn thì vốn nào cũng được phép cấp tín dụng, hay dân dã hơn là “mèo nào cũng bắt được chuột”.
Người trong cuộc nói gì?
Liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc tại Thông tư 13 và 19, trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc VietinBank nói: “Không nên đặt vấn đề nới lỏng hay thắt chặt ở đây. Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, luân chuyển vốn có vấn đề thì các chính sách quản lý phải cùng chiều với định hướng của Chính phủ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Vì thế, những quy định về an toàn cũng phải ở liều lượng nhất định để phù hợp với tình hình”.
Chung quan điểm này, nhiều ngân hàng khác cũng rất hân hoan với Thông tư 22, bởi thay vì huy động 10 đồng chỉ cho vay 8 đồng thì nay, họ được cho vay tới 9 đồng hoặc hơn. Hơn thế, những “gông cùm” khác như “25% tiền gửi không kỳ hạn” mới được coi là nguồn vốn huy động cũng được dỡ bỏ.
Nhờ đó, nguồn vốn để các tổ chức tín dụng cấp ra nền kinh tế dư dả hơn và đó là một trong những căn cứ để lãi suất tiền vay sẽ giảm xuống trong thời gian tới như mong muốn của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, dưới cách nhìn cẩn trọng, một chuyên gia ngân hàng phân tích: “Tuy rằng, việc bỏ các giới hạn này sẽ làm cho vay mượn nhau trên thị trường không bị hạn chế, luân chuyển vốn tốt hơn, dung lượng vốn cấp tín dụng nhiều hơn, nhưng nếu không làm chặt khống chế tăng trưởng tín dụng 20% thì cũng giống như cửa mở, khó tránh gió độc”.
Theo ông, nếu “van” tăng trưởng tín dụng 20% không kiểm soát chặt chẽ thì rất nhiều khoản mục đầu tư dưới dạng ủy thác đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp mà bản chất là cấp tín dụng sẽ bùng nổ nhiều hơn và rủi ro là khó tránh. Chưa kể, do sự lách luật này mà lượng tiền đưa ra nền kinh tế thì tăng nhưng về hình thức, hạch toán tín dụng của ngân hàng lại không. Vì thế, lạm phát sẽ còn đeo đẳng.
Hơn nữa, khi đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng không chỉ hoàn toàn mất vốn mà rủi ro đó còn không được bảo hiểm, do trước đó chúng không được trích lập dự phòng rủi ro như các khoản tín dụng thông thường.
Vị này cho rằng, sau khi áp dụng Thông tư 22, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mỗi ngân hàng mà mình cho phép để các tổ chức tín dụng phải hạch toán đúng, tránh hạch toán lẫn lộn giữa tín dụng và đầu tư trong các báo cáo tài chính; nhờ đó, vừa phản ánh đúng bản chất luân chuyển dòng vốn trong nền kinh tế, vừa tránh rủi ro cho hệ thống.