10:37 07/08/2007

Bốc xếp cũng là một cánh cửa vào đời

Năm 1984, có một chàng trai nông dân từ Củ Chi lang thang ra Sài Gòn xin vào làm công nhân bốc xếp ở một nhà máy giấy

"Từ một công nhân bốc xếp rồi lên tổ trưởng, đội trưởng, thủ kho, quản đốc phân xưởng rồi lên phó giám đốc kỹ thuật. Có thể nói đó chính là một trường học rộng lớn của tôi về ngành giấy."
"Từ một công nhân bốc xếp rồi lên tổ trưởng, đội trưởng, thủ kho, quản đốc phân xưởng rồi lên phó giám đốc kỹ thuật. Có thể nói đó chính là một trường học rộng lớn của tôi về ngành giấy."
Năm 1984, có một chàng trai nông dân từ Củ Chi lang thang ra Sài Gòn xin vào làm công nhân bốc xếp ở một nhà máy giấy.

Năm 2002, Công ty giấy Hưng Thịnh ra đời tại Khu công nghiệp Sóng Thần mà người sáng lập kiêm giám đốc chính là Đặng Văn Thành, anh công nhân bốc xếp của 18 năm về trước.

Mười tám tuổi lên thành phố làm bốc xếp. Chuyện khởi nghiệp của anh là lạ…

Nhiều vất vả. Từ một công nhân bốc xếp rồi lên tổ trưởng, đội trưởng, thủ kho, quản đốc phân xưởng rồi lên phó giám đốc kỹ thuật. Có thể nói đó chính là một trường học rộng lớn của tôi về ngành giấy.

Thế tại sao anh lại từ bỏ nó để ra đi?

Tôi gắn bó với doanh nghiệp nhà nước suốt mười tám năm. Nhiều người cũng đặt câu hỏi với tôi như vậy, và bản thân tôi cũng hết sức đắn đo, cân nhắc. Nhưng không có cách lựa chọn nào khác trước một xu thế đổi mới và hội nhập, kinh tế quốc doanh đã hết vai trò, lại bị ràng buộc nhiều cái vô lý từ cơ chế chính sách. Nhưng nói chung là tôi muốn tự do quyết định và tự chịu trách nhiệm về sự quyết định của mình.

Nhưng người của Nhà nước ra làm tư nhân, anh có sợ bị người đời nghi kỵ...?

Anh em trong cơ quan cũ đều hiểu tôi, thương tôi. Mình sống trong sạch thì chẳng có gì phải suy nghĩ lung tung, sống thật với lương tâm thì chẳng có gì phải dòm sau ngó trước.

Nhưng anh lấy gì làm vốn để khởi nghiệp?

Đó mới là vấn đề quan trọng. Tôi yêu nghề giấy như yêu chính bản thân mình, yêu đến mức không thể nghĩ đến một nghề nào khác. Tôi mang những ý tưởng về một nhà máy giấy ra bàn với vợ tôi. May mắn thay, vợ tôi đã nghỉ việc công ty nhà nước từ năm 1993 để đi làm nhà phân phối cho hãng Unilever, góp nhặt được ít vốn và mua được vài lô đất. Nhưng tính đi tính lại, bán hết cũng chỉ được hơn bảy trăm triệu đồng, chỉ là chuyện gió vào nhà trống.

Tôi lang thang đi tìm bạn bè để mời hợp tác. Cũng may là tôi gặp anh Phương, một người từng sản xuất và kinh doanh giấy thời bao cấp, từng làm ăn nhiều nghề nhưng bị phá sản, đang sống bấp bênh. Khi nghe tôi trình bày dự án nhà máy giấy, anh Phương gật đầu ngay mà không một chút đắn đo. Thế là một người bán đất, một kẻ bán nhà để thành lập Công ty giấy Hưng Thịnh.

Và anh đã thành công ngay từ đầu?

Không hẳn là như vậy. Để có một dây chuyền sản xuất giấy, nếu nhập toàn bộ thiết bị phải tốn trên ba tỉ đồng, hai anh em chúng tôi góp lại chỉ hơn một tỉ đồng, nên chỉ nhập hai mươi phần trăm, tám mươi phần trăm còn lại chúng tôi tự chế, tiết kiệm gần hai tỉ đồng.

Nhưng khi nhà máy khởi động thì chúng tôi cũng không còn vốn để mua nguyên liệu, ngân hàng thì không cho vay vì chúng tôi không còn gì để thế chấp sau khi bán đất bán nhà. Cuối cùng tôi với anh Phương phải tìm thêm một đối tác thứ ba.

Nghĩa là bây giờ, sau 5 năm khởi nghiệp, Hưng Thịnh đã có đủ điều kiện để anh thực hiện khát vọng của mình?

Nói đủ thì chắc chắn không bao giờ đủ, mà khát vọng thì cứ hết khát vọng này đến khát vọng khác, làm sao mà có điều kiện để đi đến cái tận cùng. Nhưng chúng tôi cứ lấy ngắn nuôi dài, làm đến đâu đầu tư đến đó.

Hiện nay chúng tôi đang đầu tư một nhà máy ở Khu công nghiệp Tân Uyên với tổng số vốn trên 50 tỉ đồng, công suất 20 tấn/ngày, tháng 10 này sẽ cho ra sản phẩm giấy cao cấp đầu tiên.