07:31 12/10/2024

Bối cảnh bùng nổ trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á đặt ra thách thức về tính bền vững

Bảo Ngọc

Sự gia tăng đột biến về số lượng trung tâm dữ liệu trong khu vực đi kèm với sức ép về mức tiêu thụ năng lượng….

Đông Nam Á đang nổi lên như một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu.
Đông Nam Á đang nổi lên như một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu.

Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng về phát triển trung tâm dữ liệu, dẫn đầu là Singapore. Đảo quốc Sư tử hiện chiếm khoảng 60% công suất trung tâm dữ liệu của khu vực, với hơn 100 cơ sở. Johor, Malaysia, cũng nổi lên là thị trường trung tâm dữ liệu phát triển nhanh nhất ASEAN, với hơn 1,6 gigawatt (GW) tổng nguồn cung, theo Technode Global.

Sự gia tăng đột biến về số lượng trung tâm bắt nguồn từ nền tảng tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số của khu vực, đi kèm với nhu cầu tăng cao về khả năng xử lý dữ liệu và nỗ lực của Chính phủ các nước nhằm thu hút đầu tư công nghệ. 

Một số công nghệ đổi mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và dữ liệu lớn càng nhấn mạnh nhu cầu về giải pháp lưu trữ dữ liệu mạnh mẽ. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển nhanh chóng kéo theo sự gia tăng đáng kể về mức tiêu thụ năng lượng. Đông Nam Á dự kiến ​​​​nhu cầu điện tăng mạnh hàng năm, trung bình 5%, cho đến năm 2026, cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình 2,5% ​​ở một số nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ.

CHÍNH PHỦ ĐÔNG NAM Á DẪN ĐẦU QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI BỀN VỮNG

Trong kỷ nguyên số ngày nay, mỗi watt điện đều “quý như vàng”. Đã qua rồi thời kỳ các doanh nghiệp lớn có thể dựa hoàn toàn vào nguồn năng lượng truyền thống, khai thác trên quy mô lớn mà không cân nhắc đến hậu quả và tác động. Đa số công ty hiện phải áp dụng bộ giải pháp hiệu quả, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mà còn ưu tiên tính bền vững và trách nhiệm với môi trường.

Chính phủ các nước Đông Nam Á đã và đang thực hiện nhiều chiến lược chủ động nhằm thúc đẩy tính bền vững trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Tại Singapore, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) vừa giới thiệu Lộ trình Trung tâm Dữ liệu Xanh, vạch ra con đường bền vững cho sự phát triển liên tục của các trung tâm dữ liệu tại quốc gia này. Cùng lúc đó, Malaysia cũng công bố Kế hoạch Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MyDigital), phác hoạ chiến lược phát triển tiến bộ công nghệ bền vững và tăng trưởng kỹ thuật số. Những sáng kiến nhấn mạnh cam kết của khu vực trong việc cân bằng phát triển công nghệ và bảo vệ môi trường.

Mặc dù không giữ vị trí tiên phong như Malaysia và Singapore, một số quốc gia khác như Indonesia cũng đang chứng kiến nhiều bước tiến mới khi công bố loạt quy định về mức tiêu thụ năng lượng của trung tâm dữ liệu, với hy vọng củng cố hình ảnh đất nước như “thiên đường” kinh doanh bền vững và thân thiện với môi trường.

ĐẨY MẠNH HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG THÔNG QUA ĐỔI MỚI TRONG QUẢN LÝ ĐIỆN NĂNG

Bên cạnh các sáng kiến ​​chuyển đổi bền vững, yếu tố quyết định trong nỗ lực phát triển thị trường trung tâm dữ liệu là chiến lược quản lý năng lượng. Đa số trung tâm dữ liệu thường đối mặt với tình trạng phân phối điện không hiệu quả dẫn đến lãng phí năng lượng đáng kể, hệ thống làm mát còn thô sơ và thường tiêu thụ năng lượng quá nhiều nhằm duy trì nhiệt độ tối ưu.

Một số cải tiến trong quản lý năng lượng đã giúp các trung tâm dữ liệu cách mạng hóa hoạt động tiết kiệm tài nguyên, ví dụ như ổ cắm điện siêu thông minh đảm bảo cơ sở sử dụng đúng lượng điện cần thiết mà không lãng phí bất kỳ thiết bị nào. Hệ thống còn đảm bảo quá trình cung cấp điện có thể mở rộng quy mô và điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu hoạt động đa dạng, hỗ trợ mọi loại hình doanh nghiệp — từ quy mô nhỏ đến các trạm máy chủ lớn.

Ngoài ra, một số giải pháp tập trung vào khả năng quản lý nhiệt thông minh, giảm năng lượng cần thiết để làm mát trong khi vẫn duy trì điều kiện vận hành tối ưu. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với thị trường Đông Nam Á, khu vực với đặc trưng khí hậu nhiệt đới ẩm, giúp các trung tâm dữ liệu hoạt động hiệu quả ngay cả trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.

Các trung tâm dữ liệu tiêu tốn mức năng lượng khổng lồ phục vụ nhu cầu lưu trữ. 
Các trung tâm dữ liệu tiêu tốn mức năng lượng khổng lồ phục vụ nhu cầu lưu trữ. 

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: XU HƯỚNG ĐANG PHÁT TRIỂN

Nỗ lực phát triển bền vững không chỉ dừng lại ở vấn đề quản lý năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Có thể thấy, các trung tâm dữ liệu ngày càng đầu tư nhiều hơn vào năng lượng mặt trời, năng lượng gió và một số giải pháp năng lượng tái tạo khác nhằm bổ sung cho nhu cầu tiêu thụ cao, giảm phụ thuộc vào điện lưới truyền thống và giảm thiểu lượng khí thải carbon. Xu hướng áp dụng năng lượng tái tạo nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn mới của ngành, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao trách nhiệm quản lý tác động tới môi trường.

Indonesia ghi nhận một số thành tựu trong lĩnh vực, bao gồm quyết định thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia (PDN) tại Cikarang, Tây Java. Cơ sở được chứng nhận là trung tâm dữ liệu xanh, bao phủ bởi các tấm pin mặt trời, đèn LED và hệ thống làm mát bay hơi. Thái Lan và Việt Nam cũng đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy hoạt động trung tâm dữ liệu bền vững. Điển hình nhất, công ty năng lượng mặt trời Thái Lan Banpu NEXT kết hợp với đối tác Evolution Data Centers cung cấp tới 30MW công suất điện tái tạo tại Thái Lan và 50MW tại Việt Nam.

PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM DỮ LIỆU CÓ TRÁCH NHIỆM

Với mô hình quản lý năng lượng tiên tiến và hoạt động bền vững, các trung tâm dữ liệu tại khu vực Đông Nam Á đã sẵn sàng gặt hái nhiều thành quả trong tương lai. Bằng cách áp dụng giải pháp quản lý năng lượng có thể mở rộng quy mô nhanh chóng cũng như tích hợp công nghệ quản lý nhiệt thông minh, các trung tâm dữ liệu đang trên con đường tối ưu hóa hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ thuật số dài hạn mà không làm tăng mức tiêu thụ năng lượng.

Rõ ràng, đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió giúp nâng cao hơn nữa tính bền vững của năng lượng, giảm lượng khí thải carbon và đảm bảo khả năng phục hồi trước chi phí tài nguyên luôn nhiều biến động. Trọng tâm chiến lược của Đông Nam Á không chỉ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công nghệ mà còn phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, định vị khu vực trở thành thị trường dẫn đầu về phát triển trung tâm dữ liệu có trách nhiệm.